Thử bàn về văn hóa phê bình

Thứ Hai, 01/09/2008, 03:25
Qua các cuộc bút chiến trên một số mặt báo nhiều năm qua, bên những mặt được của việc mang đến cho đời sống văn học cũng như bản thân các tờ báo một chút sức sống, cuốn hút thêm sự quan tâm của độc giả đối với đời sống văn học, cũng lại có mặt chưa được là trong khi mải bút chiến, một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trong nhiều trường hợp đã quên mất một điều quan trọng: Đó là văn hóa trao đổi, phê bình.

Điều này chẳng có gì mới mẻ, nó đã được nhiều người nói đến, nhưng vấn đề là nó không thực sự được giải quyết, mà chỉ được nêu ra, gióng lên, rồi bỏ đấy.

Văn hoá và đạo đức của người cầm bút là một đòi hỏi hết sức nghiêm khắc. Có những việc làm sai, làm ẩu ở các lĩnh vực khác, nhưng không được ai nhìn thấy. Phê bình và sáng tác nghệ thuật đặc biệt hơn, nó cần công chúng và phải phơi ra trước công chúng. Vì thế, nếu người viết làm sai, làm dở, đừng mong công chúng chẳng biết gì. Nếu họ thiếu tự trọng, đừng mong công chúng sẽ tôn trọng mình.

Tôi tự hỏi vì sao một bộ phận các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình thường chỉ trích nhau và thiếu văn hóa trong khi phê bình lại không tìm cách cùng nhau thảo luận, định nghĩa cho ra cái văn hóa ấy là gì. Chính vì thế, trong rất nhiều trường hợp, một số người trong khi phê bình người khác không phải là phê bình, mà là mạt sát tác giả thì chính họ, đến lượt mình, lại giẫm lên ngay cái vết xe đổ đó.

Muốn chữa bệnh phải biết rõ bệnh. Vậy thì, trước khi tìm cách đưa ra một ý tưởng chung về văn hoá phê bình, tôi xin mạo muội nêu ra một số căn bệnh thâm căn cố đế của nền phê bình hiện nay. Căn bệnh nan y mà tôi cho là hàng đầu - một cách phê bình rất phổ biến: Đó là không nhìn vào vấn đề cần bàn, đối tượng cần bàn, mà nhìn vào nhau, đến nỗi quên mất chủ đề thảo luận.

Tôi xin dẫn ra đây một vài thí dụ điển hình. Khi ông Đông La không đồng ý với việc Trần Mạnh Hảo phê phán nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà, thay vì phân tích về tác phẩm của Lê Ngọc Trà để cho người ta thấy ý kiến của Trần Mạnh Hảo là không xác đáng, ông lại nhằm vào Trần Mạnh Hảo mà chỉ trích (Bài "Sai hay đúng, đúng hay sai?", Biên độ của trí tưởng tượng, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2001). Cách tiếp cận này làm cho người đọc nếu không đọc ông Trà, không đọc ông Hảo trước đó, thì không thể hiểu ông Đông La nói gì.

Một ví dụ khác: Trong bài "Thơ hiện đại" (Đường biên văn học, Nhà xuất bản Văn học) của Lưu Quý Kỳ, tác giả không đồng ý với những phân tích của Đỗ Minh Tuấn về thơ hiện đại. Đáng lẽ phải nêu ý kiến của mình về thơ hiện đại là gì, thì ông Lưu Quý Kỳ lại nhằm vào Đỗ Minh Tuấn để chỉ trích từ đầu đến cuối…

Có thể liệt kê ra vô số những ví dụ về căn bệnh phê bình theo kiểu đánh tráo đối tượng này trên các tờ báo văn nghệ, hoặc các tạp chí phê bình văn học của nước ta.

Một căn bệnh thứ hai cần được làm rõ: Hầu hết các nhà phê bình khi không đồng ý với cách phê phán đều có một câu giống nhau như đúc: Đó là trách cứ người kia phê bình theo kiểu cắt xén tuỳ tiện, bóp méo. Có thể thấy câu nói này trong hầu hết các bài viết có tính chất chỉ trích lại những người mà mình bất đồng ý kiến. Vậy tại sao khi khen nhau, không thấy ai nói là trích dẫn "cắt xén tùy tiện, bóp méo", mà khi phê bình thì lập tức bị những người có ý kiến trái ngược chụp cái mũ ấy ngay?

Có ai có thể giải thích được cho độc giả làm thế nào viết được thể loại chứng minh phổ thông này, tôi lại không phải sử dụng trích dẫn, mà phải sử dụng cả bài, cả tập để chứng minh luận điểm của tôi trong khuôn khổ một tờ báo không? Tại sao trích dẫn của anh thì không phải là cắt xén tùy tiện, còn của tôi lại là cắt xén tùy tiện, trong khi anh cũng làm y như tôi? Ở đây, vấn đề đã đi vào ngõ cụt, lặp đi lặp lại, mà chẳng nhà phê bình nào muốn làm cho ra nhẽ. Hay ở đây, độc giả phải hiểu rằng đó chính là sự tùy tiện trong phạm vi quy chụp nhau của chính các nhà phê bình?

Căn bệnh thứ ba là một thái cực khác: Nói một chiều. Có thể nói là phần lớn những người viết phê bình (thường rơi vào những người không chuyên nghiệp) thường chỉ nói một chiều. Khi phân tích một tác phẩm, ít người viết theo tinh thần công bằng. Trong nhiều trường hợp, nếu họ muốn khen, họ chỉ có khen, còn nếu muốn phủ nhận, họ chỉ có chê.

Vì thế các đại diện của các phía khen và chê cứ choảng nhau chẳng bao giờ dứt, để lại sự khó chịu và có phần coi thường trong lòng độc giả. Đấy là chưa kể ban biên tập của tờ báo cũng có thể bị mất một phần uy tín vì những trò như thế này. Phổ biến là nếu quan điểm của ai đó là hay, họ tìm đủ mọi dẫn chứng ủng hộ cho quan điểm hay của mình.

Tương tự, người chê cũng tìm đủ mọi dẫn chứng để chứng tỏ kết luận "tập thơ này kém" của mình là đúng. Trong cả hai trường hợp, theo tôi, chẳng ai vì người đọc, cũng chẳng ai vì người được (hay bị) viết. Nạn nhân của cái nhìn một chiều này là người sáng tác. Cứ sờ tai bảo tai, sờ đuôi bảo đuôi thế này thì còn đâu là sự tỉnh táo suy xét với tinh thần trân trọng tác giả vốn là nguyên tắc quan trọng của phê bình nữa?

Căn bệnh thứ tư không phải chỉ riêng giới phê bình văn học, mà của những người thích tranh luận nói chung: đó là để cho yếu tố cảm xúc chi phối (emotionally disturbed). Đã đành phê bình văn học phải có cảm xúc (đúng hơn là xuất phát từ cảm xúc do tác phẩm mang lại), nhưng phàm đã cố để phân tích cho ra cái hay, cái dở trong lĩnh vực rối rắm này, nhất định không được để tim lên đầu.

Nếu chồng bảo vợ: "Hôm nay cơm không ngon", mà vợ gồng lên: "Thì ông đi mà đi chợ, tôi đi chợ chỉ thế thôi, tài nấu nướng chỉ thế thôi! Nếu ông  muốn ăn ngon thì đi mà lấy bà vợ khác" thì không biết đến bao giờ câu chuyện này mới có thể kết thúc được. Trong các bài phê bình của nhiều người, tôi nhận thấy cuộc thảo luận cũng hay bị cái "yêu", "ghét" chi phối, mà không tỉnh táo phân tích cho được nếu hay thì hay ở đâu, nếu dở thì dở ở chỗ nào, có tìm tòi gì đáng kể về nghệ thuật không. Căn bệnh nói theo cảm tính này của người Việt ta là đã nặng, nhưng quả là trong giới sáng tác phê bình với vốn từ ngữ, đặc biệt là tính từ, rất phong phú, nó còn nặng hơn rất nhiều.

Căn bệnh cuối cùng là chỉ viết từ những gì mình biết, mình thích. Bản chất của căn bệnh này là quên mất mình đang viết cho ai. Viết báo nói chung và viết phê bình nói riêng là viết cho độc giả để giúp họ hiểu, nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của họ. Nhưng có đến 80-90% những người viết ở nước ta đều quên mất độc giả của mình, rằng họ đang viết cho ai. Vì thế, họ chỉ say sưa nghĩ đến bản thân, nghĩ đến những gì mình biết, mình thích, mình hiểu, mình quan tâm, mình tâm đắc, mình cho là đúng…

Tóm lại họ là trung tâm vũ trụ. Cách suy nghĩ và viết này đã hết sức lỗi thời và đã được các nước tiên tiến đánh giá qua vô số các nghiên cứu, khảo sát từ lâu là ineffective (có nghĩa là không gây tác động tích cực về phương diện xã hội) và các nhà nghiên cứu truyền thông gọi nó là tạo thông điệp một chiều và áp đặt.

Để khắc phục tình trạng trên, tôi đề nghị mở một cuộc thảo luận nghiêm túc về văn hoá phê bình, nhằm xây dựng một nền phê bình trong sáng, công bằng và chân chính. Riêng tôi, với tư cách là một độc giả, xin đóng góp một vài tiêu chí cho văn hóa phê bình như sau:

1. Phê bình là nhìn vào tác phẩm: Bản lĩnh của người phê bình là nói lên ý kiến của mình về tác phẩm, chứ không phải nói lên ý kiến của mình về người mà mình bất đồng.

2. Mọi người bình đẳng và đều có quyền nói lên ý kiến của mình về một tác phẩm nào đó mà họ chú ý. Tuyệt đối tránh việc phủ nhận quyền được nói lên ý kiến của những người khác. Đừng vì bất đồng mà hạ thấp người khác.

3. Hãy xem xét tác phẩm một cách toàn diện. Đừng vì một chi tiết thích, hay không thích, mà kết luận cả một tác phẩm là hay, hoặc dở. Tôi tin rằng, những tác phẩm được coi là hay hoàn toàn cũng không tránh khỏi một số câu, số bài chưa thật hay. Những tác phẩm chưa hay cũng có thể có đôi chỗ hay, có những tìm tòi riêng của tác giả. Vì thế, xem xét phê bình một tác phẩm cần hết sức sáng suốt và thận trọng, công bằng và công tâm.

4. Phê bình là hướng dẫn cho độc giả. Hãy viết rõ ràng để người đọc hiểu mình nói gì. Nếu viết chỉ để chỉ trích đối tượng mà mình bất đồng, xin hãy tìm anh ta để nói chuyện riêng, không mượn tờ báo chỉ để nhằm vào một người, vì tờ báo rất nhiều người đọc.

5. Nói trực diện, bằng văn phong lý luận, không phân tích cảm tính, không dùng lối nói bóng gió, nói kháy, nói quanh co, ám chỉ, nói cho bõ tức, mạt sát xúc phạm.

6. Cuối cùng, hãy trung thực, tự trọng và tôn trọng cả tác giả, đồng nghiệp lẫn người đọc.

Vài thiển ý của tôi chỉ là như vậy. Nếu có gì thiếu sót, xin bạn đọc vui lòng trao đổi lại về vấn đề này

Đặng Huy Giang
.
.
.