Nhà thơ Vũ Quần Phương:

'Thơ hay trước hết phải truyền được kinh nghiệm sống'

Chủ Nhật, 28/12/2014, 11:02
Ở tuổi 75, nhà thơ Vũ Quần Phương, một tên tuổi lớn trong làng thơ Việt Nam, vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với thơ. Tác giả của nhiều bài thơ nằm trong số 100 bài thơ hay thế kỷ XX: “Đợi”, “Áo đỏ”, “Chiều”, “Trước biển” v.v… bỗng xao động khi bất chợt ngược dòng kỷ niệm, trở về với những câu thơ vụng dại mà trong sáng của một thời tuổi trẻ.

+ “Gửi em” là một bài thơ ít thấy ông nhắc lại trong các tuyển thơ của mình. Có phải ông chưa hài lòng lắm với “đứa con đầu đời”?

Nhà thơ Vũ Quần Phương (NT VQP): “Gửi em” là bài thơ đầu tiên tôi viết năm 22 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Y khoa Hà Nội. Thực ra chẳng viết về một tình yêu hay gửi một em nào cụ thể, mà chỉ là một tình yêu vu vơ: “Như ngôi sao giữa lá cờ/Như bông hoa giữa bến bờ của hương”. Sau này tôi thấy bài thơ có phần ngây ngô nên không đưa vào tuyển tập. Những câu thơ đẹp, trong sáng nhưng tình cảm chưa phải sâu sắc và còn nhiều vụng dại.

+ Bài “Gửi em” được ra mắt công chúng bao lâu sau khi viết thưa ông?

NT VQP: Vào một buổi trưa vắng vẻ, tôi đến tòa soạn Báo Văn Nghệ, nhìn trước ngó sau không thấy người quen mới dám bỏ thật nhanh tờ giấy chép bài thơ vào hòm thư, vì chỉ sợ ai trông thấy mình thì sẽ xấu hổ nếu bài thơ không được đăng. Ít ngày sau, tôi nhận được thư hồi âm của nhà thơ Hoàng Minh Châu, nhận xét bài thơ “mát và xuôi, có thể đăng được”. Thế rồi, chừng một tháng sau thì bài thơ “Gửi em” được đăng trên báo Văn Nghệ. Khi ấy, có bài thơ hay truyện ngắn được đăng, là cả một niềm vui lớn lao. Lúc đó, cuộc sống còn nghèo, nhưng đời sống tâm hồn rất lãng mạn. Bạn bè đọc xong, rủ  nhau đi chơi, trò chuyện suốt đêm. Bài thơ này được nhà thơ Tế Hanh đánh giá là rất trong sáng…

+ “Gửi em” đã được các nhà thơ chuyên nghiệp hào hứng đón nhận, nhưng ông vẫn có vẻ khe khắt với đứa con đầu đời của mình?

NT VQP: Khi đó, tôi viết theo cảm xúc hồn nhiên. Sau này nhìn lại, thấy đó chỉ là một bài luận đề về tình yêu, không xuất phát từ một sự việc, một nhân vật cụ thể nào, tình cảm nặng về suy diễn. Những gì nhận ra giúp tôi sau này tránh được những cái nhược trong bài thơ đầu tay. Bài thơ nên bắt đầu từ trực giác, rồi mới ngẫm nghĩ, triết học và duy lý v.v... Đánh thức cảm hứng phải từ cảm xúc, chứ không phải là từ khái niệm. Những bài thơ của tôi sau này được nhiều người thích đều đi từ cái cụ thể. Anh Phạm Tiến Duật có những câu “Nằm ngửa nhớ trăng/nằm nghiêng nhớ  bến/Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo…”. Tôi nói rằng, bài thơ đó chỉ hay 2 câu này và Duật cũng thừa nhận đúng là 2 câu đó bắt đầu từ cảm xúc thật khi anh ấy ốm, còn hai câu mở đầu lại là hai câu viết sau, cốt tả bối cảnh của cái chuyện nằm ngửa nằm nghiêng để “trám” vào cho thành bài bốn câu.

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

+ Ông quan niệm thế nào là một bài thơ hay?

NT VQP: Như trên đã nói thơ là kinh nghiệm sống. Muốn có kinh nghiệm, trước tiên phải có sự từng trải, Để khai thác được cái vốn từng trải lại cần có trí tuệ. Trí tuệ từ sách vở, trí tuệ từ cuộc sống.

+ Tôi nghĩ, một bài thơ hay phải là truyền cảm xúc chứ thưa ông?

NT VQP: Tôi muốn nói đến cái cao hơn. Đằng sau cảm xúc người ta phải nhận được một bài học. Bài thơ truyền cho người đọc cảm xúc vui hay buồn là chưa đủ, mà sau niềm vui, nỗi buồn đó người ta rút ra được điều gì? Ví như, tình mẹ con là điều muôn đời và lúc nào cũng mới vì mỗi người biểu hiện tình cảm với mẹ bằng tình cảm của thời đại mình, tính nết mình... nên tình mẹ con cũng luôn được thời sự hóa. Tình yêu cũng thế. Trước “Qua cầu ngả nón trông cầu/Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”, nhưng nay thì khác, qua cầu bằng xe máy, xe hơi nó không kịp đếm nhịp cho cầu. Mà chưa chắc nó đã sầu, dù có chuyện tình buồn. Tâm trạng sẽ được biểu hiện theo cung cách khác, nội dung khác. Kinh nghiệm sống của thơ là kinh nghiệm truyền qua kênh tình cảm, cảm xúc. Thiếu cảm xúc thì thà đọc sách dạy khôn lại rõ ràng hơn.

+ Trong những tác phẩm của mình, điều ông coi trọng xuyên suốt là gì?

NT VQP: Nhiều yếu tố cùng lúc. Trước đây, tôi chú trọng nội dung mà hơi nhẹ việc diễn đạt. Nhưng gần đây, tôi đã hiểu rằng, việc diễn đạt cũng rất quan trọng. Vấn đề không chỉ là nói gì, mà còn là nói thế nào, nói ra sao. Giống như bán hàng, có sản phẩm tốt nhưng hình thức phải bắt mắt mới thu hút được người dùng. Vẻ đẹp của câu chữ gọi người đến và nội dung là thứ giữ người ta lại. Nói tách bạch thế cho rõ ý chứ thực tế cách nói và điều được nói hòa lẫn vào nhau và thâm nhập vào người đọc cùng lúc, nguyên khối.

+ Trong câu chuyện của mình, ông thường hay dẫn đến Phạm Tiến Duật…

NT VQP: Phạm Tiến Duật là một nhà thơ có vị riêng của thế hệ chúng tôi. Anh mở ra lối làm thơ với cái giọng gần như nói, không vần vè cầu kỳ, đưa những lục cục lào cào cuộc đời vào trong thơ rất nên thơ. Với thơ, anh Duật không cần lấy dáng lấy điệu mà vẫn hay, dù ngoài đời anh rất chỉn chu dáng điệu.

+ Trong hành trình sáng tác, ông đã có 10 đầu sách cùng nhiều giải thưởng danh giá về văn học. Ông có quyền tự hào và đó có phải là tất cả?

NT VQP: Tôi có được trao một số giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước. Nhưng tự hào thì cũng vừa vừa thôi. Mà nói thật tôi không biết tự hào trong nghề này thì nó như thế nào? Bài hay nhất là bài đang muốn viết, đang cần viết chứ. Tự hào thì coi như xong cả rồi à. Vả lại thiếu gì người không giải thưởng mà tác phẩm của họ hay. Người đọc luôn tìm đọc.

+ Cảm ơn ông đã trò chuyện!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.