Thờ “Ngọc cốt” cá voi trong lăng cổ của làng chài Nam Ô

Thứ Hai, 27/02/2012, 18:25

Như bao làng chài khác trên dải đất ven biển miền Trung và Nam bộ, tục thờ cúng Ông Ngư (cá voi) của làng chài Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, có tự lâu đời. Đặc biệt, từ thời Gia Long (1802), triều đình đã dựng miếu thờ, lấy sắc phong: “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần” làm thần vị cúng tế.

Những người già cao niên nhất làng Nam Ô kể rằng, xưa nay dân làng chài gặp nạn trên biển được Ông Ngư cứu giúp thoát chết rất nhiều. Họ còn nhớ, vào năm 1959, trong mưa gió mịt mùng của trận bão biển dữ dội thì Ông Ngư cõng một chiếc thuyền bị lật úp trên lưng đưa vào tận bến Nam Ô. Dân làng chạy ra xem, Ông Ngư ngoi lên mặt biển, phì nước lên không trung, rồi hất chiếc thuyền úp trên lưng xuống mặt nước, nhẹ nhàng quẫy đuổi quay ra khơi. Lúc đó, mọi người mới phát hiện trên chiếc bị nạn có một phụ nữ đang mang thai còn sống thoi thóp và 2 người đàn ông đã chết, xác buộc vào thuyền.

Khi được cứu hồi tỉnh, phụ nữ kể rằng, thuyền của họ gặp bão ngoài khơi và bị sóng đánh trôi dạt nhiều ngày. Hai người đàn ông bị chết do đói và lạnh; còn chị trong cơn tuyệt vọng thì Ông Ngư xuất hiện cứu giúp. Ở làng Nam Ô có ông Lương Cải, đi ghe mành với ông Tư Biên ra biển bị bão đánh chìm. Ông Biên được thuyền bạn cứu giúp, còn ông Cải bị sóng cuốn mất tích. Tưởng ông Cải đã chết, gia đình than khóc rầm trời. Nào hay, một ngày sau ông Cải được Ông Ngư đưa vào bờ...

Lăng Ông Ngư ở làng Nam Ô.
Xương cá voi được thờ trong lăng.

Lăng Ông Ngư ở làng Nam Ô vừa “vọng Ông Sanh”, vừa “thờ Ông Tử”. Lễ tế vọng Ông Sanh, chính là lễ hội Cầu Ngư diễn ra vào 15/2 Âm lịch hằng năm, với ước vọng cầu ngư đắc biển. Trong lễ hội cầu ngư có tổ chức hát bộ, hát bã trạo; thi đấu các trò chơi dân gian như: đua thuyền, lắc thúng, kéo co, đẩy sào... Còn thờ Ông Tử tức là tổ chức tang lễ và thờ cúng Cá Ông.

Mỗi khi phát hiện “Ông lụy” (Cá voi chết) trôi vào là dân làng ra đón (nghinh Ông) đưa vào bờ tổ chức tẩm liệm, để tang, vì theo quan niệm “Ông vào làng như vàng vào tủ”, sẽ được no ấm, tai qua nạn khỏi. Khi đi chôn, người đầu tiên vớt được “Ông lụy” được vinh dự bịt khăn vải điều (đỏ), đội nồi hương đi trước đám tang. Chôn cất 3 năm sau, người ta lại cải táng lấy xương cốt Ông Ngư rửa bằng rượu, cho vào hủ sành để vào lăng thờ cúng, gọi là “Ngọc cốt”. Ngày lễ cúng giỗ Ông Ngư được tổ chức vào ngày tống táng “Ông lụy” dân làng tề tựu đến lăng cúng bái thành kính, cầu cho vị thần của biển khơi phù hộ làm ăn phát đạt...

Trên góc độ giá trị văn hóa lịch sử, rõ ràng lăng Ông Ngư ở làng chài Nam Ô là một di tích cổ gắn liền với tín ngưỡng nghề nghiệp có từ lâu đời của ngư dân. Ở đây, ngoài việc duy trì lễ hội dân gian (lễ hội Cầu Ngư) hằng năm, còn là một tụ điểm văn hóa, nơi tập họp ngư dân làng chài để bàn thảo, truyền đạt kinh nghiệm trong công việc làm ăn trên biển. Thời gian qua, vấn đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể” được Đảng và Nhà nước quan tâm. Vì vậy, người dân làng chài Nam Ô mong muốn cơ quan quản lý di sản văn hóa của TP Đà Nẵng có kế hoạch trùng tu, bảo tồn di tích lăng Ông Ngư để gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quí báu này

L.V.
.
.
.