Thế hệ 8X viết văn "phong trào"

Thứ Sáu, 29/06/2007, 10:41
Hiện có hai cực trong ngôn ngữ văn chương trẻ, một là những từ ngữ trần sì, trắng trợn, mang tính khẩu ngữ, tính báo chí, nghĩa của chữ trắng phớ ra hết. Ở cực khác, lại sáo mòn, trơn tay, nông…

Sáng 28/6, Ban Công tác nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm "Văn xuôi  8X" với 2 tập truyện ngắn "Truyện ngắn 8X" và "Vũ điệu thân gầy" tập hợp sáng tác của các tác giả trẻ.

Mục đích của những người tổ chức là tạo điều kiện để các tác giả trẻ đối thoại với các nhà phê bình văn học. Tuy nhiên, mục đích đối thoại đã bất thành và cuộc tọa đàm đã kết thúc đầy… kịch tính.

Hai tập truyện ngắn "Vũ điệu thân gầy" và "Truyện ngắn 8X" có sự góp mặt của khá nhiều cây bút trẻ đã bắt đầu quen thuộc với những người viết văn, như Trang Hạ, Nguyễn Quỳnh Trang, Lynh Barcadi, Phạm Ngọc Lương, Nguyễn Thúy Hằng, Niê Thanh Mai…

Có thể nói, các cây bút này đang nỗ lực đi tìm kiếm những con đường mới, dù có người thành công, có người thất bại, có người thành công ít hoặc nhiều. Nỗ lực ấy đáng được trân trọng.

Theo cách nói của nhà phê bình Cao Việt Dũng, thì ba truyện ngắn "Lơ lửng trên cao" của Phạm Ngọc Lương, "Tre rừng" của Lynh Barcadi và "Vòng lục giác" của Nguyễn Thúy Hằng là "ba trường hợp mang tính triệu chứng", đó là sự phản ứng.

Cao Việt Dũng cho rằng, những triệu chứng có rất nhiều khả năng để mãi mãi vẫn là những triệu chứng, không có hồi kế tiếp. Nhưng một sự phản ứng có nền tảng, có ý hướng nghệ thuật rõ ràng, với toàn bộ sức mạnh dồn nén của mình là điều kiện tiền khởi để tạo ra các giá trị, cả mới và lạ... Các cây bút 8X này được đặt nhiều hy vọng và cả sự nghi ngờ, một dòng văn học mới xứng đáng và đòi hỏi một sự nhìn nhận công bằng và bình đẳng.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không phát biểu ý kiến của mình. Ông mang đến một bài phê bình của một người mà ông giấu tên. Tác giả này đã phân tích khá kỹ hình tượng "mẹ điếm" trong những truyện ngắn của nữ tác giả Lynh Barcadi. Với tác giả bài viết này, đó là sự phát hiện mới mẻ đáng được quan tâm…

Nhà phê bình Văn Giá có một bài phân tích khá chi tiết về tập truyện ngắn "Vũ điệu thân gầy". Ông cho rằng, đại đa số các cây bút trẻ thích kể một câu chuyện hơn là tìm tòi cách kể và đa số là truyện đơn nghĩa. Hiếm có truyện nào có những chi tiết nghệ thuật độc đáo, đột xuất, hàm chứa nhiều nét nghĩa. Hầu hết các tác giả chưa đầu tư thích đáng vào ngôn từ.

Hiện có hai cực trong ngôn ngữ văn chương trẻ, một là những từ ngữ trần sì, trắng trợn, mang tính khẩu ngữ, tính báo chí, nghĩa của chữ trắng phớ ra hết. Ở cực khác, lại sáo mòn, trơn tay, nông…

Nguyên nhân gốc của tình trạng trên là hầu hết các cây bút trẻ chưa cật lực xác lập cho mình một quan niệm sâu sắc và vững chãi về đời sống cũng như nghệ thuật. Họ phơi bày cái tôi một cách nóng nảy, sốt sắng. Họ cố thủ trong cảm hứng tự tôn thái quá. Họ lên tiếng chống thói a dua bầy đàn, nhưng kỳ thực họ lại không cắt rốn được khỏi nó. Họ chăm chú vào việc kiếm tìm cái khác lạ ở đề tài chứ chưa thực sự ráo riết tìm kiếm cái khác lạ ở nghệ thuật tự sự, tức là cách kể và cấu trúc. Họ chưa đủ mạnh để đạt được tính dân chủ và đối thoại trong sáng tạo.

Nhìn rộng ra một chút, thấy văn chương của các tác giả 8X trong tập này hầu hết là các cây bút đô thị hoặc được đô thị hóa. Trong khi đó, một số cây bút cuối 7X, hay chớm gác sang 8X thực sự có thành tựu lại không phải các cây bút đô thị.

Họ toàn ở những vùng xa như Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nguyên Phước, Đỗ Phước Tiến… Điều này đáng để cho chúng ta suy nghĩ, ít nhất thì họ có một điểm chung là: họ không bị vướng bận với những phong trào đám đông, mà đã gọi là phong trào thì đều hời hợt và nông nổi…

Tuy nhiên, ý kiến của ông Văn Giá đã không thực sự được các tác giả 8X đồng tình. Người đứng ra tập hợp các sáng tác trong 2 tập truyện ngắn trẻ này, tác giả Từ Nữ Triệu Vương, cho rằng văn học trẻ như những tấm áo mỏng manh đẹp đẽ, nhưng giới phê bình mới chỉ vuốt ve bên ngoài, chưa đi được vào bản chất vấn đề. Một số nhà phê bình cũng cho rằng, nói truyện các tác giả trẻ đơn nghĩa là không chính xác.

Cây bút đến từ Hải Phòng, Phạm Vân Anh cho rằng, không nên coi các cây bút trong 2 tập truyện ngắn này đại diện cho thế hệ những người cầm bút 8X, bởi còn rất nhiều người trẻ khác đang âm thầm viết và họ chưa lộ diện mà thôi. Cô cũng cho rằng, không nên quá tập trung vào mổ xẻ, yêu quá thì khen nhiều mà ghét quá thì lại vùi dập không thương tiếc các sáng tác của một số cây bút trẻ đô thị…

Cuộc tọa đàm lẽ ra đã kết thúc với bài phát biểu dài khoảng… 30 phút của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông chưa đọc "Vũ điệu thân gầy" hay "Truyện ngắn 8X", nhưng ông hy vọng vào lứa nhà văn mới, trẻ và năng động.

Bất ngờ vào phút chót, một bạn đọc không tiết lộ danh tính (có lẽ là sinh viên khoa Ngữ văn, ĐHKHXH&NV Hà Nội) đã đứng dậy nêu ý kiến. Cô không đồng tình với ý kiến của Phạm Vân Anh, cô cho rằng, các nhà văn 8X cần có trách nhiệm nói với bạn đọc của mình tiếng nói của thế hệ.

Và dường như những tập truyện ngắn như "Vũ điệu thân gầy" hay "Truyện ngắn 8X" rất ít được những người yêu văn học biết tới, bằng chứng là chỉ khoảng 20% sinh viên khoa Ngữ văn biết đến cuốn sách này, thì đó cũng là trách nhiệm của nhà văn 8X.

Trả lời những thắc mắc này, người "tuyển trạch" Từ Nữ Triệu Vương đã nói lên những bức xúc của mình, nhưng người chủ tọa, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đã cắt lời, yêu cầu cô đi vào trọng tâm vấn đề. Triệu Vương đã… dỗi. Ban tổ chức bỏ dở phát biểu và… thề rằng sẽ không đến bất cứ cuộc tọa đàm nào tương tự…

Nói như cách nói của nhà văn Phạm Ngọc Tiến thì buổi tọa đàm kết thúc có hậu và… kịch tính. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn lớn, là các nhà phê bình đã chưa tìm ra được điểm mạnh thực sự cũng như điểm yếu cốt tử của các cây bút trẻ này, còn một số cây bút trẻ cũng chưa thực sự cởi mở và cầu thị với giới phê bình. Chính vì thế, "văn xuôi 8X" sẽ còn là chủ đề của nhiều cuộc tọa đàm khác…

Hoài Phố
.
.
.