"Thay đổi toàn bộ..."

Thứ Năm, 06/03/2014, 11:04
Đấy là cụm từ mà ông tân Trưởng giải V.League Tanaka Koji nói đến sau khi "cưỡi ngựa xem hoa" 4 vòng V.League.

Có lẽ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi trong 4 trận đấu ông Koji có mặt  thì có đến 2 trận đấu diễn ra những... vấn đề nổi cộm, khiến cả làng bóng phải sôi lên. Đó là trận Quảng Ninh - Hoàng Anh Gia Lai, nơi diễn ra pha gãy chân của ngoại binh Bruno và trận Sông Lam - An Giang, nơi diễn ra pha gãy chân của nội binh Anh Hùng. Nhìn kỹ và nhìn thấu những pha gãy chân đến từ thứ bóng đá bạo lực đã ăn sâu vào V.League, ông Trưởng giải phê phán tinh thần thiếu chuyên nghiệp của các đội bóng và các cầu thủ Việt Nam.

Ngoài vấn đề bạo lực, ông cũng không thể không thấy những tiếng còi lạ của các trọng tài, mà điển hình nhất là việc ông trọng tài Phùng Quốc Quân đã hợp thức hoá một bàn thắng diễn ra ở thế việt vị mười mươi của chủ nhà. Đã có những câu hỏi về việc: Có phải trước trận đấu này, Sông Lam đá mãi không thắng, nên chẳng riêng gì cầu thủ Sông Lam mà chính trọng tài cũng bị áp lực khi cầm còi? Và nếu cái sai của trọng tài bắt nguồn từ áp lực ấy, chứ không bắt nguồn từ những lỗi nhận định mang tính chuyên môn đơn thuần thì rõ ràng là đội ngũ cầm cân nảy mực đang thực sự có vấn đề. Ông Koji không nói quá nhiều tới vấn đề trọng tài nhưng rõ ràng là ông cảm nhận được những tiếng còi lạ bắt nguồn từ những... tư tưởng lạ!

Đề xuất "thay đổi toàn bộ" của ông tân Trưởng giải V.League liệu có được lắng nghe? Ảnh: H.M.

Thực ra thì bên cạnh những vết đen mà mình đã nhìn và đã thấu, ông Koji cũng nhìn thấy một điểm son trên sân Thanh Hóa (vẫn ở vòng 7 V.League), nơi mà chủ nhà Thanh Hoá thắng Đồng Tâm Long An 2-1 để vững vàng ở ngôi đầu bảng. Theo nhận xét của ông thì trận này diễn ra không kém phần căng thẳng và không thiếu những pha tranh chấp nhưng trọng tài lại điều khiển rất khôn ngoan. Ông Koji thậm chí còn đề nghị lãnh đạo VPF có hình thức khen ngợi tổ trọng tài điều khiển trận đấu này. Nhưng rõ ràng là một "điểm son" không cứu được cả một bầu trời u ám, thế nên ông mới đề xuất tới việc phải "thay đổi toàn bộ".

Thực ra thì cái mà ông Koji đề nghị cũng là cái mà nhiều người đề nghị, thậm chí là đề nghị từ rất lâu rồi. Chính người tiền nhiệm của ông, cựu cố vấn cho TGĐ VPF Tanabe cũng đã ít nhiều nói đến chuyện phải thay đổi toàn bộ. Vấn đề nằm ở chỗ: Muốn thay đổi toàn bộ thì phải bắt đầu từ đâu? Từ chính cái nền thiếu chuyên của các CLB hay từ chính bộ máy quản lý, điều hình đã bị dư luận lên án từ rất lâu rồi ? Và còn cả một vấn đề tế nhị khác: người ta có thực sự muốn cải tạo cả một bộ máy, hay đơn giản chỉ muốn cải tổ một vài cái đinh ốc trong bộ máy để vừa vỗ về dư luận, vừa đảm bảo được những lợi ích cá nhân?

Đơn cử như chính việc VPF mời ông Koji làm Trưởng giải, đã có rất nhiều phân tích về việc một ông Koji, chứ mười ông Koji cũng khó có thể giúp cho tình hình chung sáng sủa hơn. Bởi xét cho cùng thì ông cũng chỉ là một cái "đinh ốc" trong một bộ máy, mà lại là một cái "đinh ốc" mới toanh, một cái "đinh ốc" thậm chí còn chưa hiểu cái bộ máy bao chứa mình thực sự đang chạy ra sao, và đang tuân thủ những quy luật nào. 

Rất hoan nghênh cái đề xuất phải "thay đổi toàn bộ" hay nói khác đi là phải "xoá đi làm lại" của ông tân Trưởng giải người Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng không thể không thấy cái bi kịch của chính người phát ngôn ra câu nói ấy.

Bi kịch của một cái "đinh ốc" được người ta đặt vào một bộ máy, và khả năng sẽ bất lực trong việc bắt cả bộ máy phải chạy theo tư tưởng của mình

Hà Hiếu
.
.
.