NSƯT Nguyễn Anh Dũng:

Thanh thản về nơi 'Kỷ niệm đồi trăng'

Thứ Tư, 06/05/2015, 09:16
Hà Nội đang trong những ngày đầu hè nắng chói chang, tang lễ của NSƯT Nguyễn Anh Dũng - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam lại diễn ra vào giữa buổi trưa, nhưng vẫn rất đông các văn nghệ sĩ có mặt để cùng tiễn đưa một trong những tên tuổi của sân khấu và điện ảnh Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.
>> NSƯT Nguyễn Anh Dũng: Giã biệt những vai diễn để về cõi vĩnh hằng

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ, NSND Phạm Thị Thành, NSND Lê Khanh, vợ chồng NSND Lan Hương - Tất Bình, vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chiều Xuân, NSƯT Phạm Bằng, nhạc sĩ Phú Quang… và các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam - nơi NSƯT Nguyễn Anh Dũng đã gắn bó suốt gần 40 năm và góp phần làm nên thương hiệu Nhà hát “anh cả đỏ”. 

Các văn nghệ sĩ đến tiễn đưa NSƯT Nguyễn Anh Dũng.

Nỗi buồn như ngưng đọng trên mắt mỗi người đến đưa tiễn, để cùng chân thành cầu mong cho ông khi giã biệt những vai diễn đã làm lên tên tuổi của mình, cũng giã biệt luôn mọi đớn đau, dằn vặt ở nơi trần thế…

NSƯT Nguyễn Anh Dũng sinh năm 1951, tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Lớn lên, ông chọn nghệ thuật biểu diễn để làm nghề như một định mệnh. Tốt nghiệp khóa II của Trường Nghệ thuật Sân khấu, ông trở thành đồng nghiệp của nhiều nghệ sĩ tên tuổi lừng lẫy, như các NSND: Trọng Khôi, Thế Anh, Trần Tiến, Đoàn Dũng, Doãn Châu… và đã thể hiện thành công hàng trăm vai diễn trong suốt gần 40 năm và là “thế hệ vàng” làm nên truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam. 

Mỗi vai diễn đều được ông dày công tìm tòi, sáng tạo nên đã để lại nhiều ấn tượng với công chúng, trong các vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Vua Lia”, “Nhân danh công lý”, “Khúc đoạn trường”, “Ca sĩ Đười ươi”, “Hồi chuông cảnh tỉnh” vv… Những tấm huy chương vàng, bạc của các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc, hay Liên hoan phim dành cho ông với tư cách là nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả, đã minh chứng cho một tài năng nghệ thuật. 

Ông đã chọn nghiệp làm nghệ sĩ, để “cho” chứ không hề đòi “nhận” và chính sự hy sinh cho nghệ thuật đã giúp ông để lại cho công chúng những ký ức đẹp về một “Kỷ niệm đồi trăng” – bộ phim đã cho ông cơ duyên đến với NSND Phương Thanh, khi 2 người cùng đóng phim này.

Trong phút giã biệt người nghệ sĩ tiền nhiệm đầy tài năng, chia sẻ với PV Báo CAND, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, xa xót: NSƯT Nguyễn Anh Dũng đã đóng góp nhiều cho thời kỳ hoàng kim của Nhà hát Kịch những năm cuối thế kỷ 20. Ông thực sự là người tài năng, tâm huyết với nghề, nghệ thuật với ông là trên hết và trong cuộc sống, ông như người anh, đầy trìu mến, bao dung với đồng nghiệp. 

Rất tiếc, thời kỳ ông được Bộ VH,TT&DL tin tưởng giao làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam lại là thời kỳ khó khăn của sân khấu phía Bắc, chứ không riêng Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhưng vấn đề ở việc nhìn nhận, đánh giá đôi khi cũng có sự qui kết nóng vội khiến ông phải hứng chịu thiệt thòi, cộng với cùng lúc ông phải chịu 2 nỗi mất mát rất lớn trong đời khi vợ và mẹ cùng ra đi trong một tháng, đã gây nên cho ông tổn thương rất nhiều về tinh thần. Hầu hết các nghệ sĩ trong Nhà hát đều cảm thông, sẻ chia, muốn giúp đỡ ông về tình cảm, nhưng quả là ông rất khó gượng dậy sau cú sốc đó. Cho đến bây giờ khi ông ra đi, mọi người đều xót thương và cảm nhận rõ, đó là mất mát rất lớn của Nhà hát.

Vợ chồng nghệ sĩ Anh Dũng - Phương Thanh.

Ông Nguyễn Thế Vinh nghẹn ngào: Giá như, đừng đặt NSƯT Nguyễn Anh Dũng vào nghiệp quản lý, có lẽ cuối đời ông sẽ được thanh thản, vô tư hơn như chính con người ông. Một con người dư thừa năng lượng sáng tạo nghệ thuật, nhưng lại vô tư trước những toan tính đời thường và trái tim ông đã bị tổn thương, suy sụp. Để rồi, chỉ còn lại trong ông sự cô đơn, trống vắng cứ đeo đẳng cho đến khi ông gục ngã hoàn toàn.

Trước phút tiễn biệt NSƯT Nguyễn Anh Dũng, NSND Phạm Thị Thành nhắc lại bao kỷ niệm trong nước mắt dâng đầy: “NSƯT Nguyễn Anh Dũng là một con người đam mê, sống hết mình cho nghệ thuật. Mỗi vai diễn của Dũng đều vừa đẹp về hình thức, vừa có chiều sâu nội tâm, truyền cảm xúc cho khán giả. Trong cuộc sống, Dũng cũng là người có nghĩa, có tình và luôn đồng cảm với các nghệ sĩ. Dũng ra đi sớm quá, để lại niềm tiếc nuối khôn cùng cho chúng tôi. Cầu chúc cho Dũng ở nơi suối vàng được sum họp với Phương Thanh yêu quí”.

NSƯT Nguyễn Anh Dũng có 2 năm làm chuyên viên ở Cục Nghệ thuật – Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL), trước khi nghỉ hưu. Theo ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật – Biểu diễn, đó là thời gian NSƯT Nguyễn Anh Dũng tiếp tục có nhiều đóng góp cho sân khấu với tinh thần lạc quan, trách nhiệm trong công việc. Thời gian công tác ở Cục ngắn, nhưng NSƯT Nguyễn Anh Dũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho lãnh đạo và cán bộ nhân viên về tình yêu với nghệ thuật, về sự cầu thị và trong sáng, vô tư. Cục cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất để ông được tiếp tục làm nghệ thuật.

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Nhà hát Kịch Việt Nam đã làm hồ sơ để phong tặng danh hiệu NSND cho NSƯT Nguyễn Anh Dũng và hồ sơ đã qua 2 Hội đồng xét duyệt với tỉ lệ nhất trí 100%, đang chờ Hội đồng Nhà nước quyết định thì NSƯT Nguyễn Anh Dũng mất. Đây là việc làm từ trước, chứ không phải vì ông Dũng ốm mới làm hồ sơ xét tặng. 

Ông Nguyễn Thế Vinh cũng cho biết thêm, sau những gì đã đến với NSƯT Nguyễn Anh Dũng, giờ đây, mọi nghệ sĩ trong Nhà hát Kịch Việt Nam đã có ý thức hơn trong việc đoàn kết nội bộ và đều hiểu rằng, hãy cố gắng sống, bảo ban nhau bằng tình cảm chân thành và sống vì nhau, độ lượng với nhau nhiều hơn trong tình yêu chung với nghệ thuật và Nhà hát.

Cuộc tiễn biệt đầy nước mắt với những lời yêu thương, tiếc nuối dành cho một trong những tên tuổi của nghệ thuật biểu diễn, có đông đủ gương mặt các thế hệ diễn viên, các đạo diễn, biên kịch, ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, đủ thấy được niềm tiếc thương khôn cùng và những ghi nhận xứng đáng dành cho người nghệ sĩ.

Thanh Hằng
.
.
.