Bế mạc Festival Huế 2008:

Thành công nhưng chưa trọn vẹn

Thứ Năm, 12/06/2008, 15:36
Tại Festival Huế 2008, anh Nguyễn Văn Tân, sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH Huế, chủ nhân của kỷ lục "Truyện Kiều trên đá cuội", đã bị mất cắp liên tục, với tổng cộng trên 300 viên đá cuội, tương đương với 600 câu Kiều. Bản thân anh Tân còn bị móc ví tiền và giấy tờ tùy thân ngay tại nơi anh tổ chức cuộc triển lãm này.

Tối 11/6, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ bế mạc Festival Huế 2008, sau 9 ngày đêm diễn ra với nhiều chương trình văn hoá, nghệ thuật.

Có thể nói, Festival Huế lần này đã thành công ở một mức độ nhất định, bởi dù gì nó đã diễn ra như "ý đồ" của Ban tổ chức. Song trong thực tế, lợi ích của cộng đồng như "câu khẩu hiệu" mà đơn vị này luôn nhấn mạnh ở các kỳ Festival Huế, vẫn còn nhiều điều đáng nói… 

Những "sự cố" trong Festival Huế 2008

Có lẽ Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2008, cùng hàng nghìn du khách đến đây đã một chút không gặp may về thời tiết! Ngày 4/6, ngày thứ 2 diễn ra lễ hội, trời bỗng nhiên mưa lớn, các công trình phụ trợ, làm đẹp cho thành phố dịp này, ít nhiều bị hư hại; sự cố cúp điện ở Đại Nội - Huế làm cho không ít chương trình văn hóa, nghệ thuật không diễn ra được, trong khi vào thời điểm này, BTC không có lấy một lời xin lỗi, khiến không ít du khách tỏ ra phật lòng!

Trong khi, BTC đang "loay hoay" với sự cố sét đánh sập cổ lâu trên cửa An Hòa, kinh thành Huế vào đêm trước đó, 3/6, thì trên sông Hương, do không tính đến yếu tố thuỷ triều, thuyền cung đình dẫn đầu 20 thuyền rồng khác trong tour đầu của chương trình "Khám phá huyền thoại sông Hương" đã bị mắc cạn gần ngã ba Bằng Lãng tới 45 phút, làm cho chương trình diễn ra không đúng như dự định.

Chưa hết, khi cả 20 thuyền rồng đưa du khách cập vào trước bến Nghinh Lương Đình để xem các tiết mục văn hóa, nghệ thuật diễn ra ở đó, thì họ một lần nữa bị nản, do thuyền cung đình chở các quan khách của tỉnh và các tỉnh bạn neo đậu chình ình trước mặt, che khuất mọi lối xem.

Tại đây, đã diễn ra "loạn cảnh", ai mạnh nấy được; du khách la lối, người lái thuyền vì sự phẫn nộ của du khách, mà không thể tuân thủ sự chỉ đạo của người đạo diễn chương trình. Thành ra, 20 thuyền rồng neo đậu không theo một phép tắc nào, trông chẳng khác cảnh bà con đi xem phim bãi ở nông thôn, trốn vé thời xưa vậy!

Tại lễ hội Nam Giao, do sự quy định không rõ ràng của BTC, không ít người, nhất là phụ nữ, đã nhận phải lời "trách cứ" từ phía BTC mỗi khi họ có ý định lên viên đàn 2 để xem cảnh vua làm lễ. Trong tất cả lễ hội lớn như Festival Huế, chuyện mất cắp, do chủ quan của du khách và người tham gia lễ hội, có lẽ là chuyện thường.

Tuy nhiên, ở Festival Huế 2008 thì khác, anh Nguyễn Văn Tân, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Huế, chủ nhân của kỷ lục "Truyện Kiều trên đá cuội", đã bị mất cắp liên tục, với tổng cộng trên 300 viên đá cuội, tương đương với 600 câu Kiều, sau nhiều lần phục dựng. Bản thân anh Tân còn bị móc ví tiền và giấy tờ tuỳ thân ngay tại Công viên 3-2, nơi anh Tân tổ chức cuộc triển lãm trên.

Tại cuộc họp báo ngày 7/6, sau khi một phóng viên nêu ra tình trạng này, ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BTC Festival Huế 2008 nói rằng, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân sự việc. Đồng thời, ông Hòa "nhờ" phóng viên điều tra làm rõ!

Khách nước ngoài tham quan gì trong dịp này?

Ông Henric, du khách người Đức cho biết, ông đã từng đọc qua nhiều sách báo và xem trên truyền hình những hình ảnh, tư liệu nói về Huế.

Đến Huế lần này, ông muốn tham quan, tìm hiểu những gì xưa cũ nhất của Huế, bởi ở đó mới thể hiện đúng bản chất của lịch sử. Còn như những công trình di tích đã được trùng tu, phục dựng, thì chúng như quá xa lạ với thời đại sinh ra nó! Trong đó chủ yếu vẫn là màu sắc, chất liệu và hình dáng của công trình.

Riêng Đại Nội - Huế, thật khó phân biệt được đâu là công trình mới trùng tu, phục dựng, đâu là công trình xưa cũ còn tồn tại được đến ngày nay. Bên cạnh là sự đơn điệu của các chương trình nghệ thuật. 

Công bằng mà nói, Festival Huế 2008 đã có những thành công nhất định, trong đó phải kể đến quy mô quảng diễn chương trình và thiện chí của BTC đối với người xem! Song yếu tố quan trọng nhất mà BTC đặt ra là cộng đồng cùng hưởng lợi, cùng xây dựng nên một Festival Huế đặc sắc của Việt Nam, thì vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Bởi lẽ, mục đích của lễ hội trong thực tế phải thể hiện một cách rộng ra, cộng đồng không chỉ là người dân địa phương, mà tất cả những ai hướng đến lễ hội, góp sức vào lễ hội (trong đó có phần đông du khách) hưởng lợi, thì yếu tố làm sao thoả mãn được lòng du khách, vẫn là quan trọng

Linh Hà
.
.
.