Thanh Tịnh: Để lại mùa sau

Thứ Ba, 18/04/2006, 08:09

Ông tên thật là Trần Văn Ninh, sau đổi là Trần Thanh Tịnh, sinh ngày 1/12/1911 tại thành phố Huế, từng được gia đình gửi vào nhà chùa rồi theo học Trường Đông Ba, Trường Penlơranh (trường dòng), sau đó làm nghề dạy học, đo đạc ruộng đất, hướng dẫn viên du lịch, viết báo, làm thơ.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) ông tham gia kháng chiến, phụ trách văn công quân đội, làm báo, viết văn trên chiến khu Việt Bắc, rồi về tiếp quản thủ đô (1954), tham gia ban biên tập đầu tiên của tạp chí Văn nghệ quân đội, làm chủ nhiệm (Tổng biên tập) cho đến lúc nghỉ hưu. Ông không chỉ là một đại tá, Tổng biên tập một tạp chí văn chương có uy tín của quân đội trong nhiều năm mà còn là một nhà thơ tiền chiến tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trong nhiều năm. Ông mất ngày 17/7/1988 tại Hà Nội.

Tác phẩm của Thanh Tịnh để lại không thật đồ sộ, nhưng ông được người đời gọi là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ (ông nói chưa đủ, ông là nhà văn, nhà báo, nhà giáo... nhà nghèo). Là nhà văn bởi ông có các tập truyện ngắn “Ngậm ngải tìm trầm” (1943) và trước đó là tập “Quê mẹ” (1941) với lời tựa của Thạch Lam: “Thanh Tịnh có lẽ là nhà văn đầu tiên ở miền Trung đã trình bày các mối dây liên lạc nhẹ như tơ hồng ngày thu, nhưng không vì thế mà kém phần vương vấn, quyến luyến. Thanh Tịnh muốn làm người mục đồng ngồi dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và làn gió lướt bay trên đồng, ca hát về vẻ đẹp của đời thôn quê”.

Từ trái sang: Hữu Mai (thứ 2), Thanh Tịnh và Hà Trì tại "nhà số 4".

Là nhà thơ, bởi ngay từ năm 1937, lúc 26 tuổi ông đã cho in tập thơ “Hận chiến trường” nổi tiếng và đến năm 1942 được ghi danh trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân với những thi phẩm nổi tiếng như “Mòn mỏi”, “Tơ trời và tơ lòng”, “Rồi một hôm”... Trước đó, năm 1936 ông đã đoạt giải nhất về thơ do tờ Hà Nội báo tổ chức. Ông còn để lại cho đời rất nhiều câu ca dao bất hủ như: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “Hà Nội, Huế, Sài Gòn/ Là cây một gốc, là con một nhà”...

Thanh Tịnh là nhà văn, nhà thơ đặc sắc, bởi truyện ngắn hay nào của ông cũng đậm chất thơ và bài thơ nào hay của ông cũng có cốt truyện.

Không chỉ là nhà văn, nhà thơ đặc sắc, Thanh Tịnh còn là nhà báo, viết báo và làm báo đều giỏi, là “ông vua”, là cha đẻ của thể loại tấu nói - một loại hình văn nghệ quần chúng được truyền bá rộng rãi trong suốt những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Chưa hết, ông còn là một hướng dẫn viên du lịch tài ba, là người chơi đồ cổ và giả cổ sành điệu của đất Hà thành nửa cuối thế kỷ XX.

Và nói đến Thanh Tịnh, người Hà Nội không thể không nhớ về một thi nhân với dáng hạc cao gầy, mái tóc trắng phơ độc hành trên những con phố cổ, dưới chân (đôi giày Côxưghin muôn thuở của ông) rụng vàng lá sấu, lá me Hà Nội, không thể không nhớ tới cả trăm ngàn giai thoại quanh ông. Ấy là những câu chuyện kể của ông và những câu chuyện kể về ông. Rất ngắn nhưng đầy chất hài hước và thật nhiều kịch tính.

Trước lúc đi xa, trên giường bệnh, Thanh Tịnh nói ông rất thích câu thơ “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” và bình rằng câu ấy vận vào đời ông rất hợp. Tôi hiểu lắm, nhưng cứ nghĩ đời ông không chỉ toàn có gió lạnh và đường xa mà còn có cả những trận gió ấm và những chặng đường hoa. Ấy là những năm tháng ông rong ruổi cùng bộ đội đi khắp các chiến dịch từ Bắc qua Nam. Ấy là những ngày ông miệt mài cùng anh em văn nghệ sĩ - chiến sĩ ở nhà số 4, phố nhà binh làm tờ Văn nghệ quân đội.

Bây giờ thì tác giả “Quê mẹ” đã trở về quê mẹ và yên nghỉ vĩnh hằng nơi Huế thơ mộng với ngàn thông, với sông Hương, núi Ngự thân yêu. Nhưng văn nghiệp của ông thì mãi còn ở đời, dẫu rằng đó chỉ là một chữ.

Sinh thời, Thanh Tịnh từng ao ước: “Ước gì để lại mùa sau/ Một câu một chữ đượm màu dân gian”. Bên cạnh những “Quê mẹ”, “Tôi đi học”, “Ngậm ngải tìm trầm”, “Mòn mỏi”, “Rồi một hôm”, “Nhớ Huế quê tôi”... Thanh Tịnh còn để lại nhiều di ảnh độc đáo ghi lại những chặng đường chiến đấu, đọc, đi, viết và hoạt động văn hóa của ông
Ngô Vĩnh Bình
.
.
.