"Thần tượng" và sự đùa dai của công nghệ giải trí

Thứ Năm, 10/04/2008, 09:10
Thần tượng thực ra cũng đầy rẫy những thú vui không lành mạnh và khi mắc lỗi cứ bắt những người hâm mộ phải bỏ qua và tha thứ cho mình. Lẽ ra những thần tượng này phải hiểu rõ một nguyên lý của cuộc chơi, ấy là gieo nhân nào, gặt quả ấy...

Ai một lần trong đời cũng mơ ước được như một người nào đó, hoặc chí ít là trở thành chính mình ở một vị thế như một người nắm giữ quyền phép, điều khiển người khác. Đã và đang có nhiều người mơ thành thần tượng của công chúng. Tất cả là đi tìm kiếm sự nổi tiếng và sự tung hô của một đám đông nào đó, đám đông đó càng mở rộng thì lợi nhuận của những người kinh doanh càng lớn.

Phong trào ngôi sao thần tượng hơn chục năm qua đang tấn công giới trẻ châu Á và chúng đang ngày càng lộ rõ điểm yếu của mình.

Sống vì thần tượng

Ba Bể, Bắc Kạn. Cô gái ấy có một tiệm tạp hóa nhỏ, bán từ kim khâu đá lửa cho người dân tộc tới những lâm thổ sản cho khách du lịch lên vùng cao. Thấy rõ cô có ý thức về nhan sắc của mình, có trang điểm và thi thoảng lại liếc khéo vào chiếc gương con đặt trên nóc tủ hàng.

Cô mặc áo phông, quần bò. Và những buổi trưa, cô thường mở đĩa xem những bộ phim Hàn Quốc. Cô thích những nhân vật ấy. Và thần tượng của cô là Kwon Sang Woo. Có cảm giác, nếu không có những đĩa phim "Nấc thang lên thiên đường" mà cô xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần ấy, cô gái này sẽ bỏ đi, tìm đến một nơi sôi động hơn hoặc cũng có thể, cô đi tìm một chàng trai tương tự thế. Cô gái nói, nếu có thể gặp được Kwon Sang Woo một lần, cô sẵn sàng đánh đổi mọi thứ. Để làm gì ư?

Đánh đổi vì tình yêu cũng là một hạnh phúc chứ!

Tôi nói, tôi cũng muốn gặp Kwon lắm, nhưng cả thế giới chỉ có duy nhất anh ta là như vậy thôi, và những người như chúng ta có vài trăm triệu. Cô gái nói, nhưng em tin là em yêu anh ấy nhất!

Tôi biết, cô gái này nói thật, và cô đích thị là một fan cuồng nhiệt của phim truyền hình xứ Hàn! Khi tôi trở ra, cô có đề nghị là tôi mua giúp cô những đĩa phim có Kwon Sang Woo. Tôi đã nhận lời, nhưng mãi vẫn chưa có thời gian đi tìm phim cho cô.

Và chiều hôm qua, cô đã xuống Hà Nội, tìm đến tòa soạn và đề nghị tôi dẫn đi mua phim. Tôi giúp cô chọn phim, có cả phim của các ngôi sao khác như Bae Yong Jun, WonBin, So Ji Sub, mua một loạt tạp chí chuyên về phim Hàn Quốc. Có thể lần sau tôi lên Ba Bể, cô gái ấy sẽ diện theo một style giống ngôi sao nữ nào đó và yêu một thần tượng khác cũng hết mình như với Kwon Sang Woo.

Một cô gái khác, ở Yên Bái, lần nào ca sỹ Đan Trường ra Bắc biểu diễn, cô cũng có mặt đầu tiên, tìm bằng được anh và chụp chung một tấm hình, đề nghị anh ký vào poster mà cô đã dày công chuẩn bị.

Tôi gặp cô trong buổi họp Fans Club của Đan Trường tại rạp Công nhân, Hà Nội. Cô ngồi hàng ghế đầu, và đứng bật dậy khi thấy  Đan Trường xuất hiện trên sân khấu. Cô gần như muốn nhảy lên sân khấu chỉ mong bắt tay được thần tượng. Và khi tan cuộc, cô lách vượt khỏi những hàng fans đông đảo để tiếp cận được ngôi sao. Đề nghị ký (như mọi lần vẫn đề nghị). Và được chụp ảnh với ngôi sao, trước xe ôtô của ngôi sao (thực ra là chiếc ôtô của Công ty Hoàng Tuấn, chở cả nhóm múa Lido...). Đến khi máy ảnh lóe đèn là lúc cô gái bật khóc nức nở. Có cảm giác mọi hạnh phúc đã òa vỡ vào giây phút đó...

Đan Trường có lượng fans nữ vào hàng đông nhất. Tại Sài Gòn, mỗi lần Đan Trường đi quay hình hay biểu diễn, luôn có một fan nữ mặc váy cưới cô dâu, trang điểm đậm và cài hoa trên đầu, ngồi ở hàng ghế đầu tiên và tìm cách tặng hoa cho thần tượng.

Ông bầu Hoàng Tuấn kể, đã có lần anh đề nghị, nếu cô thay bộ váy cưới đó bằng một bộ đồ bình thường, sẽ tặng đĩa có chữ ký Đan Trường, nhưng cô không chịu. Lần nào cũng vậy, cô thích làm cô dâu của Đan Trường và chỉ riêng Đan Trường chứ không phải các ca sỹ khác.

Sự đùa dai của các ông bầu

Không phải ngẫu nhiên mà các fans trở nên phát cuồng vì thần tượng. Ngoài những hiệu ứng từ các băng đĩa, phim ảnh, thì việc các thần tượng cố tình biến mình thành một hình mẫu hoàn hảo trên báo chí đã làm cho những fans trẻ tuổi cả tin và hạnh phúc vì luôn có một người hoàn hảo "bên cạnh mình".

Thử nhìn từ trường hợp Lưu Đức Hoa, ngôi sao có lượng fans đông đảo nhất châu Á và là người làm cho những cô gái trở thành fans cuồng nhiệt, điển hình như trường hợp Dương Lệ Quyên.

Lưu Đức Hoa thành công từ thập niên 80 của thế kỷ XX với nhân vật thần bài và hàng loạt các vai cổ trang khác. Việc những bộ phim Hồng Kông xuất xưởng đến với đại lục và các nước Đông Nam Á đã khiến hàng loạt các ngôi sao của nước này trở thành ngôi sao quốc tế. Nhưng Lưu Đức Hoa nổi bật hơn những ngôi sao khác, bởi những vai diễn của anh luôn hướng đến một hình mẫu đàn ông, mạnh mẽ, phóng túng nhưng tài hoa và có lòng nhân ái.

Với những hình mẫu ấy, việc thu phục công chúng là không có gì khó khăn, nhất là khán giả của dòng phim đó thường là rất trẻ. Đã có những câu lạc bộ những người hâm mộ Lưu Đức Hoa tại Việt Nam và họ thường trao đổi những thông tin, hình ảnh và băng đĩa của ngôi sao này.

Họ Lưu còn đến với khán giả khắp nơi bằng những đĩa nhạc không quá hay nhưng rất hấp dẫn. Rất nhiều cô gái đã nghe Lưu Đức Hoa hát say mê, cho dù họ chẳng biết anh đang hát gì.

Quay trở lại trường hợp của Dương Lệ Quyên, cô gái này đã sẵn sàng bỏ mọi thứ, bắt bố mẹ bán nhà, bán thận để có tiền tìm gặp Lưu Đức Hoa. Nhưng cô vẫn không thể gặp. Đến khi bố cô chết vì không có tiền cho con gặp thần tượng, cô vẫn chưa tỉnh ngộ.

Trong những trường hợp này, rất ít người trách ngôi sao mà chỉ trách một cô bé quá hoang tưởng với một tình yêu thần tượng mù quáng. Nhưng nhìn lại, trách nhiệm của Lưu Đức Hoa nói riêng, và các ngôi sao nói chung, cũng cần được đặt ra.

Lưu Đức Hoa, theo báo chí Hồng Kông, là đã có một người phụ nữ hậu thuẫn bên cạnh, họ đã có con với nhau, nhưng không bao giờ anh cho xuất hiện trước công chúng. Với tất cả mọi người, anh là hình mẫu đàn ông trưởng thành, độc thân, giàu có và phong độ. Và công ty của anh sẽ thực hiện những chiến dịch bài bản lăng xê hình ảnh ấy.

Trên thực tế, một người đàn ông ở vào tuổi trưởng thành như vậy, nếu không có gia đình, thì là trường hợp bất thường. Nhưng với ngành kinh doanh giải trí, thì điều đó giống như một món mồi ngon cho các cô gái, khiến họ phát cuồng và không ngừng chất đống những sản phẩm của các ngôi sao và ngày đêm mơ mộng sánh bước cùng với thần tượng. Một phần nào đó, hình ảnh sáng bóng của ngôi sao, là sản phẩm của sự nói dối.

Mới đây, Lê Minh, một ngôi sao đồng lứa, cũng là ca sỹ, diễn viên theo công thức của Lưu Đức Hoa, cũng là một trong "Tứ đại thiên vương" của Hồng Kông (bao gồm Lưu Đức Hoa, Lê Minh, Trương Học Hữu, Quách Phú Thành) cũng bị báo chí phát hiện là bí mật tổ chức đám cưới với một người mẫu trẻ. Nhưng rồi cô người mẫu đó lên tiếng thanh minh là chưa chuẩn bị để tiến tới hôn nhân...

Tất cả những điều đó, với người bình thường, là niềm hãnh diện, là hạnh phúc và muốn loan tin cho  nhiều người cùng biết. Nhưng với các ngôi sao dạng này, họ gần như giấu biệt tăm vì sợ mất các fans hâm mộ. Họ muốn giấu những thực tế bình thường của một ngôi sao. Thì như vậy, họ sẽ phải chịu trách nhiệm phần nào đó về việc các fans, những người hâm mộ họ, phát cuồng lên, vì hình ảnh lung linh mà họ đưa ra.

Tất nhiên, chưa có điều luật nào bắt bẻ các ngôi sao. Nhưng trong luật đời, sống thành thực bao giờ cũng là cái luật quan trọng nhất.

Thần tượng thật - thần tượng ảo

Một loạt các thần tượng giải trí Hồng Kông như Trần Quán Hy, Chung Hân Đồng, Trương Bá Chi... đã làm tan vỡ hình ảnh ngây thơ, trong sáng của mình bằng những hình ảnh trần tục nhất. Đó chính là mặt trái của công nghệ đào tạo thần tượng mà showbiz Á châu đang phải gánh chịu.

Họ lăng xê sự ngây thơ, trong sáng, vô tư một cách quá đà và phải nhận lại những cú phạt không thể đỡ nổi. Chính vì thế, với một ngôi sao trẻ, suốt ngày phải dán mác ngây thơ không tình yêu là một áp lực quá lớn. Vì họ không được là chính mình.

Tại Việt Nam, cũng đã có những ngôi sao rơi vào tình trạng tương tự. Điều đáng buồn là, những người trong ê kíp lăng xê họ đã không những không chung tay cứu giúp mà bắt đầu quay ra chỉ trích lẫn nhau. Những ngôi sao này chưa kịp trở thành thần tượng đã trở thành nhân vật rất nóng bỏng trong những scandal sex.

Với công nghệ này, thần tượng đang trở thành những hình mẫu rất ảo. Và công chúng có quyền không tin vào những hình mẫu ấy.

Thần tượng không có ý nghĩa xấu. Mà thực sự có những người là thần tượng và nâng đỡ tinh thần chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Có những khi, hình ảnh của họ không rõ ràng, mà những tác phẩm, những công trình của họ làm nên những giá trị tinh thần lớn, và nhiều người được coi là thần tượng từ những điều ấy. Và đó là những thần tượng đích thực, những ngôi sao không bao giờ tắt trong trái tim của những người hâm mộ.

Tháng 9/2007, đoàn ca sỹ tham dự Singer's Day  tại Nha Trang đến thăm các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật, nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ khiếm thị. Các em nhỏ tỏ ra rất hào hứng. Điều ngạc nhiên nhất là các em đã đứng lên hát với các ca sỹ.

Những ca sỹ mà các em thần tượng không phải là những ngôi sao bóng mượt mà là nhóm MTV, với ca khúc "Mặt trời đen". Các em đã hát say sưa bài hát ấy và mong muốn lớn nhất trong đời là được gặp Anh Tuấn, tác giả ca khúc "Mặt trời đen". Và chữ ký của các ca sỹ này trên vai áo các em sẽ là món quà vô giá, dù chưa biết khi nào các em mới có dịp nhìn thấy nó trong ánh sáng của bầu trời. Có lẽ, sức mạnh của thần tượng trong lúc này không phải là hình ảnh bóng mượt, mà là những gì thần tượng mang đến, cứu giúp và nâng đỡ tinh thần họ.

Thần tượng, xét cho cùng, phải là người đáng để ta ngưỡng mộ và noi theo, chứ không phải là hình ảnh để cho ta bắt chước!

Hoài Phố
.
.
.