Thăm thăm nhớ Tết

Thứ Bảy, 01/02/2014, 14:13

Đã lại Tết. Nhiều người và ngay cả bản thân tôi nữa đều một ý niệm, Tết có gì lạ  đâu, có phải trẻ con đâu mà mong ngóng Tết. Đã quá nửa đời người, sấp ngửa với bao nhiêu cái Tết đủ đầy thương khó rồi thế mà chắc chi ý niệm trên đã đúng. Nhắc đến Tết rồi vẫn cứ giật mình, vẫn cứ thấp thỏm một nỗi rưng rưng cho dù đầu đã hai thứ tóc… Lạ thế. Năm nào mà chẳng đến Tết. Tết nào mà cả nhà chẵng phải rục rịch hành lý túi nọ, gói kia lên đường về quê. Ba ngày Tết vù vù đằng nào mà chẳng phải làm chừng ấy việc đã mặc định… Vậy mà khi Hà Nội nao nức hoa xuân xuống phố, khăn áo trảy hội nhộn nhịp cuối năm, lòng những kẻ tha hương lại thăm thẳm một nỗi Tết về.

1. Không giống như tâm trạng của những người chưa từng có quê xa, hay cuối năm không bao giờ biết đến cái cảnh ba túi, chín tay nải khăn khăn, gói gói kéo cả bầu đoàn thê tử cha mẹ con cái về quê ăn Tết. Tết ở phương Bắc, phương Nam, hay Tết của những người sinh ra ở phố, có quê là thành phố thì chắc là cái cảm giác thắc thỏm đợi Tết sẽ chẳng bao giờ cồn cào quay quắt như người nhà quê ở phố cứ đến dịp cuối năm lại tất tả đò đường tàu xe về quê ăn cho trọn vẹn một cái Tết với quê cha đất tổ.

Vì thế mà tôi chắc, Tết của những người sinh ra ở phố đến bình thản hơn, an nhiên tự tại hơn và cũng thong thả hơn rất nhiều. Với một tâm thế không phải xê dịch, đi xa. Không phải chia năm zẻ bảy những nghĩa vụ với quê cha, họ mẹ, với bà cô, chú thím bên nội, dì cậu bên ngoại, với tổ tiên xóm làng để hoàn thành bổn phận của người con đi xa trở về quê trong dịp Tết, thì tâm thế đón Tết của người thành phố đã khác xa hơn người ở phố mà quê ở xa nhiều rồi.

Tranh Tết của Lê Thiết Cương.

Thường thì người thành phố, khi khóa tủ hoàn tất những công việc bộn bề của một năm vất vả mưu sinh, họ trở về nhà với thong thả những công việc muôn năm cũ ở hàng phố cho một gia đình chuẩn bị đón Tết. Sửa dọn, làm mới trang hoàng nhà cửa, mua sắm thứ nọ thức kia, sắm Tết đủ đầy là công việc mà bất kỳ gia đình người Việt nào dẫu ở đâu cũng đều trải qua. Nó gần như là một nghi thức đặc biệt của người Việt chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền.

Có nghi thức này mới có hương vị đặc trưng của một lễ Tết Nguyên đán truyền thống từ hàng ngàn năm nay. Người thành phố, bên cạnh sự thảnh thơi, tỉ mẩn cầu toàn lựa chọn những món ẩm thực cầu kỳ đặc sắc ở hàng phố thụ hưởng trong dịp Tết thì có một món ăn tinh thần không thể thiếu trong thực đơn Tết ở phố là họ không bao giờ bỏ lỡ chợ hoa, du xuân vãn cảnh sắm sửa hoa xuân cho Tết. Bởi thế mà Tết ở phố chậm rãi, an nhàn, thong thả, và hưởng thụ lộc xuân đúng nghĩa hơn.

Tôi tự hỏi, khi mà không phải mang trong mình một tâm thế xê dịch trong ba ngày Tết, thì người thành phố sẽ mang tâm trạng Tết ra sao. Tôi chưa từng trải qua cái cảm giác không thay đổi, dịch chuyển ấy nên khó để trả lời đúng nghĩa. Hơn 10 năm ra phố định cư lập nghiệp, duy nhất có một cái Tết tôi không về quê. Nhưng tôi cũng nghiệm ra rằng, trong mấy mươi năm đón Tết, thì cái Tết không dịch chuyển ấy là một cái Tết buồn tênh nhất, tẻ nhạt nhất đối với những kẻ đã quen thói khăn gói về quê ăn Tết với ông bà cụ tỉ họ hàng như tôi. Thật ra, Tết ở thành phố, của người hàng phố vẫn vui như Tết ấy thôi. Vẫn là tưng bừng trẩy hội du xuân, bao nhiêu cảnh sắc, lễ hội. Chỉ tại thói quen của những người có quê xa, và thường về quê đón Tết như chúng tôi mới tự cảm cái lạc lõng vô bờ nếu một ngày bỗng dưng ở lại ăn một cái Tết thành phố…

Có thể người thành phố cũng như người có quê xa như chúng tôi, nếu Tết ấy phải ăn một cái Tết ở nơi xa do công việc, do công tác hay do ti tỉ… lý do nào khác, hay tự trải nghiệm một cái Tết ở quê thì hẳn trong tâm thế của họ cũng nao núng một nỗi nhớ phố, một sự lạc lõng và buồn hiu trong mùi hương đồng bếp rạ quạnh vắng nơi miền quê xa lạ.

Tất cả những tâm trạng ngược nhau ấy, chẳng qua khởi nguồn từ môi trường sống, từ thói quen, từ bản sắc văn hóa của người dân ở mọi vùng miền. Thế nên chúng tôi, những người ra thành phố định cư lập nghiệp, dẫu có muốn cũng chẳng bao giờ xóa được cái tinh thần quê hương, cái tâm hồn mộc mạc như đất, và cả những thói quen, mong ước rất chi là quê kiểng khi thèm nồi cá đồng um trấu, nồi riềng kho xương ăn với dưa cà muối mặn trong cỗ Tết ắp ự giò chả quê của chiều 30…

2. Tết của những người luôn mang một tâm thế phải dịch chuyển bởi những chuyến đi xa trở về quê ăn Tết thường ít được nhẹ nhõm thanh thản mà bao giờ cũng thao thiết một nỗi nặng lòng. Không biết đó có phải là bản tính chi chút của người quê đã ăn sâu vào máu thịt, vào tiềm thức, vào thói quen mà vậy. Tết, không phải là mua những món đồ thật xịn, thật ngon bày lên mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên mà với họ, Tết là một sự chia sẻ. Chia sẻ với làng quê, với họ hàng cô bác chú mự. Chia sẻ với các cụ, các cháu, các em đang mong ngóng chỉ đợi anh, hay chị, bác hay chú ở phố về ăn Tết cùng. Những chuyến xe đò nặng nhọc, những chuyến tàu đêm rít còi chở bao nhiêu nỗi nhớ của những người xa quê về quê ăn Tết…

Tôi đã từng ám ảnh vô cùng, ám ảnh mãi bởi tiếng còi tàu trong đêm. Một năm lũ chúng tôi học hành ở xa, có được hai lần về quê vào dịp hè và Tết. Những chuyến tàu đêm, những chuyến xe tốc hành bụi đỏ lèn chật kín hành khách đỏ mắt mong quê trong đó có đám sinh viên xơ xác thiếu ăn của chúng tôi những năm thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Được về quê ăn Tết là nỗi mong ngóng chờ đợi của lũ sinh viên nhìn đâu cũng thấy đói.

Lâu nay, tôi cũng mang tâm thế của một người Việt đón tết, chở Tết và về Tết trên những cung đường. Có thể vì công việc, vì đủ thứ lý do khác nữa của cuộc sống, những cái Tết sáng 30 vẫn nặng trĩu hành lý trên những chuyến xe tốc hành bạt gió trên đường đi. Hay trải qua chiều 30, đêm giao thừa trên những chuyến tàu đêm muộn không còn gì xa lạ với những kẻ xa quê luôn tìm mọi cách để được về quê ăn Tết như chúng tôi. Trên những nẻo đường về quê ăn Tết cũng có cái thú của kẻ lữ khách. Cái thú ấy, chỉ có những người Tết nào cũng lên đường mới thấm thía hết nhẽ của nỗi niềm cố hương.

Xe chạy qua cầu Giẽ, ra khỏi Hà Nội đã thấy thân thương những con đường bụi cuốn, thân thương những cánh đồng rộng trải dài mênh mông. Chiều 29 Tết, thậm chí sáng 30 Tết hàng quán hai bên đường vẫn mở, quán ăn vẫn còn khách vãng lai đi đường ghé vào rửa gương mặt ngầu đỏ vì bụi đường, ăn suất cơm vội chiều cuối năm và ngắm chủ quán đang canh nồi bánh chưng hay lúi húi luộc giò. Chủ và khách tán chuyện hỏi han nhau chuẩn bị Tết đến đâu rồi. Năm nay gia chủ sắm sửa món gì độc lạ để ăn Tết.

Tết ở quê, đa phần mộc mạc giản dị ở những món ăn truyền thống, không có điều kiện để mà cầu kỳ nem công chả phượng như người thành phố chuẩn bị Tết. Hay đi siêu thị và sắm tất tần tật mọi thứ được làm sẵn hoàn hảo. Trên những nẻo đường về quê, cứ nhìn hai bên đường, từ quán hàng cho đến những nếp nhà ẩn mình trong sương chiều, bên cánh đồng hay lũy tre xanh đều có những nồi bánh chưng bánh tày bắc ở góc sân thả khói thơm nghi ngút lên trời. Ngồi trên xe tốc hành, ngó ra bên ngoài thấy Tết đã gần lắm, đã phủ phê trên mỗi cánh đồng, mỗi góc xóm làng bình yên. Đã nghe trong không gian hương vị của mùi bánh chưng đang chín tới, phảng phất trầm hương trên ban thờ tổ tiên nhà ai đốt sớm. 

3. Trên những nẻo đường về quê ăn Tết, đắm trong nỗi cay nồng của những chiêm nghiệm, tự dưng mắt mũi cứ ướt xè thăm thẳm một nỗi nhớ Tết đến lạ lùng. Tết có gì đâu mà lạ, có gì đâu mà mong, thế nhưng, như một thói quen sâu trong tiềm thức… những đêm đông giá ngày cuối năm, trên đường đi làm về, bất chợt giật mình bởi tiếng hú còi vội vã của một chiếc xe tốc hành bươn bả trong đêm, hay qua con phố Lê Duẩn thấy bóng một con tàu đang rít bánh trên đường ray trườn mình ra khỏi thành phố cũng khiến cho lòng nhoi nhói một nỗi khó tả. Cảm giác vương vít của nỗi buồn, của ký ức thương khó, của tâm thế người đi xa chuẩn bị một cái Tết nơi quê nhà sao mãi vẫn nặng lòng…

N.B.
.
.
.