Nghệ sỹ ưu tú Thúy Hiền (Phó trưởng Đoàn kịch CAND):

Thấm nhuần lời Bác dạy trong từng vai diễn

Thứ Tư, 29/05/2013, 08:27
Đối với khán giả bình thường, khi xem NSƯT Thúy Hiền biểu diễn, họ sẽ hiểu thêm về lực lượng Công an, có đánh giá đúng, cảm thông, gần gũi hơn, từ đó sẽ hỗ trợ lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ, như Bác Hồ đã từng nói, phải gần dân, phải dựa vào sức dân…

Ngẫu nhiên đến với nghiệp diễn từ lời rủ rê nộp hồ sơ thi vào ĐH Sân khấu Điện ảnh của một người bạn và chính vì “hiểu mình như thế nào”, “không hề từ chối một vai gì” đã khiến chị gặt hái nhiều thành công, trở thành một nghệ sỹ tên tuổi như ngày hôm nay.

Chúng tôi gặp NSƯT Thúy Hiền giữa buổi sáng, khi chị đang hướng dẫn các diễn viên trẻ luyện tập cho vở diễn mới. Xinh đẹp và trẻ trung hơn so với tuổi thật, chị sôi nổi trải lòng về nghề nghiệp, về những dấu mốc đáng nhớ trong các vai diễn của mình.

“Con dao pha rất tốt, cắt vuông thành vuông, cắt dài thành dài”

Vai diễn đầu đời của chị khi bước vào Đại học Sân khấu điện ảnh là thầy bói mù trong vở “Nghêu sò ốc hến”. Được đích thân thầy giáo Vũ Minh chọn vào vai, nhưng Thúy Hiền không hề ưng ý, không phải chị sợ xấu mà đơn giản là không thích đóng đàn ông. Tuy nhiên đến khi thử rồi thì Hiền lại thấy mê, vai diễn thành công, chị được thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo đánh giá tốt.

Tốt nghiệp ra trường, chị đầu quân về đoàn kịch CAND. Tự nhận thấy mình thiệt thòi, không thuộc “chân dài” như người mẫu nên ít khi được nhận vai nữ chính, nhưng Thúy Hiền không vì thế mà hờ hững với nghề. “Ban đầu mình cũng ước ao vai nọ vai kia, được lung linh tỏa sáng trên sân khấu, nhưng rồi vì biết được ưu nhược điểm của bản thân, đồng thời mình nghĩ đã là diễn viên thì có rất nhiều cách để thể hiện trên sân khấu và đi vào lòng khán giả nên mình không ngại vai nào cả”. Chị tâm sự. Và rồi chị cứ bước những bước chậm rãi nhưng tự tin, chắc chắn vào làng kịch bằng tâm niệm như thế.

Mới chân ướt chân ráo về đoàn kịch CAND thì có hội diễn sân khấu nhỏ ở Ninh Bình. Trước thời gian thi 1 tuần, Trưởng đoàn kịch lúc bấy giờ là NSƯT Trần Nhượng đã hỏi chị có làm được vai này không? Thì chị nhận lời ngay, rồi về nhà tích cực học lời thoại, hôm sau bắt đầu tập. Lần đầu tiên trình làng bằng vai diễn chỉ tập trong 1 tuần ngắn ngủi – vai người vợ quê của một đồng chí Công an trong vở “Đám cưới đêm mưa”, chị nhận giải B, một giải thưởng đã phần nào giúp chị chứng tỏ được năng lực và tạo được niềm tin nơi lãnh đạo, đồng nghiệp.

NSƯT Thúy Hiền trong vở “Đường đua trong bóng tối”.

Hội diễn tài năng trẻ toàn quốc ở Đà Nẵng năm 1998, chị mang vai diễn thầy bói mù đi thi và nhận giải nhì (không có giải nhất). Thú vị ở chỗ, lần này chị nhập vai quá tốt, khi diễn xong rồi khán giả mới vỡ lẽ rằng thầy bói thực ra là… con gái. Năm 2009 tham gia vở “Hoa Hải đường” tại sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc ở TP HCM chị nhận được Huy chương vàng (HCV) cá nhân khi vào vai một bà nông dân quê mùa nhai trầu bỏm bẻm.

Tham gia sân khấu hài toàn quốc lần đầu tiên tổ chức ở Hạ Long (Quảng Ninh) năm 2011, chị hóa thân vào bà bán xôi và lại thành công, lại nhận HCV. Từ vai cá tính, chính diện, đến vai hài, vai nào cũng làm được, chị thuộc tuýp nghệ sỹ đa năng. Đến nghệ sỹ Châu Giang, Trưởng đoàn kịch Thanh Hóa cũng phải thốt lên rằng: “Đoàn kịch Công an có một con dao pha rất tốt, có thể vào được các loại vai, muốn cắt vuông thành vuông, cắt dài thành dài…”

“Mỗi vở kịch là cấp số nhân về tuyên truyền”

Về việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND trong thời gian vừa qua, Thúy Hiền chia sẻ: “Mỗi đơn vị có một công việc đặc thù cụ thể, đối với đơn vị mình, phải hiểu 6 điều Bác Hồ dạy và biết sử dụng vào công việc sao cho phù hợp, vì nhiệm vụ của đoàn kịch là nhiệm vụ tuyên truyền”. Trước hết, chị luôn là gương mẫu trong công việc, hoàn thành xuất sắc các vai diễn của mình. Còn “bí quyết” để thành công trong từng vai diễn, theo Hiền phải hội tụ các yếu tố: năng khiếu, niềm say mê và khả năng quan sát, học hỏi.

“Sân khấu là cuộc sống thu nhỏ, nếu thực sự yêu nghiệp diễn thì mình sẽ thực sự tận tâm và hóa thân được vào nhân vật thôi…”. Nắm được bí quyết ấy, Hiền trong vai trò là người lãnh đạo nhiệt tình hướng dẫn lại cho lớp trẻ, giúp các em có chỗ đứng, tiếp nhận tốt công việc và dần dần có thể thay thế các anh các chị…

Vừa là nghệ sỹ vừa là chiến sỹ nên chị luôn xác định phải tuyên truyền cho các chiến sỹ trẻ, học viên các trường CAND - những người đang ngồi trên ghế nhà trường có thể xem, cảm nhận, tự rút ra bài học cho bản thân mình. Đối với khán giả bình thường, khi xem chị biểu diễn, họ sẽ hiểu thêm về lực lượng Công an, có đánh giá đúng, cảm thông, gần gũi hơn, từ đó sẽ hỗ trợ lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ, như Bác Hồ đã từng nói, phải gần dân, phải dựa vào sức dân…

“Công việc của đoàn kịch luôn đem lại những hiệu quả cụ thể và sâu rộng, bởi vì mỗi buổi biểu diễn là cấp số nhân về tuyên truyền”. Thúy Hiền phân tích. Mỗi đêm diễn, bình quân có 600 - 700 khán giả đến xem, khi đem nhân với gần 100 đêm diễn/năm sẽ cho ra một con số rất lớn. Công tác tuyên truyền ở đây không chỉ bằng lý thuyết mà sử dụng cả hình ảnh, âm thanh, giúp người xem cảm thụ nghệ thuật, đồng thời những bài học, triết lý sâu xa được gửi gắm trong đó cứ ngấm dần, ngấm dần vào tâm thức người xem. Khi cảm thụ bằng nhiều giác quan một lúc, khán giả còn có thể tự chỉnh sửa nhận thức, suy nghĩ của họ một cách đúng đắn hơn, sức lan tỏa của công tác tuyên truyền vì thế mà càng sâu rộng hơn…

Là một trong nhiều gương mặt của lực lượng CAND học tập, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy, Thúy Hiền thuấn nhuần lời dạy của Bác trong từng vai diễn, dù lớn hay nhỏ. Gần đây nhất, tại Lễ trao giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chị được trao giải B về quảng bá tác phẩm. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu tôi gọi chị là nghệ sỹ của các giải thưởng. Chúc chị ngày càng tỏa sáng trên sân khấu, bằng chính năng khiếu, tâm huyết, và sự quan sát tinh tế của mình

Quỳnh Vinh
.
.
.