Thăm chủ nhiệm Báo Công an mới

Thứ Bảy, 25/11/2006, 08:56

Lâu lắm rồi bác Thức không được nhìn thấy tờ báo mà mình đã làm chủ nhiệm. Khi tôi đưa những bức ảnh chụp Báo Công an mới để bác xem thì bác rất xúc động.

Một buổi sáng đầu thu, tôi phóng xe đến đường Âu Cơ thăm một nhà báo lão thành, một trong những người đầu tiên làm báo trong lực lượng Công an nhân dân. Đó là nhà báo Nguyễn Tuấn Thức, nguyên Chủ nhiệm Báo Công an mới, tờ báo xuất bản từ năm1946, tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay.

Đã 97 tuổi nhưng bác Thức vẫn khoẻ mạnh nhanh nhẹn và minh mẫn. Tôi đề nghị bác kể cho nghe những kỷ niệm thời làm Báo Công an mới. Bác Thức bảo, muốn biết hoàn cảnh ra đời của Báo cần phải thấy những chiến công của Công an ta lúc bấy giờ, nhất là sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bác kể cho tôi nghe chuyện mất xe ôtô của cơ quan đại diện chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Hà Nội. Giữa năm 1946, Vương Chính Ngũ, Trưởng ban tình báo của cơ quan đại diện chính quyền Tưởng Giới Thạch đã trực tiếp báo cáo với Nha Công an Trung ương và Ty Công an Hà Nội rằng: buổi tối xe đi công tác về để trong  gara, sáng ra đã mất, đề nghị cơ quan Công an Việt Nam điều tra tìm giúp.

Đồng chí Lê Giản đã giao nhiệm vụ truy tìm chiếc xe cho đồng chí Lê Văn Lăng, Trưởng phòng Cảnh sát lưu động của Nha Công an. Sau 3 ngày huy động lực lượng truy tìm, đơn vị đồng chí Lê Văn Lăng đã phát hiện ra thủ phạm lấy trộm và đã thu hồi được xe, trả cho Vương Chính Ngũ.

Sau khi nhận lại chiếc xe ôtô bị mất, Vương Chính Ngũ đã mở tiệc ăn mừng và đích thân mời các đồng chí Lê Giản, Lê Văn Lăng và Nguyễn Tuấn Thức đến dự tiệc. Trong bữa tiệc, đại diện chính quyền Tưởng Giới Thạch đã hết lời khen ngợi và cảm ơn Công an Việt Nam đã nhanh chóng tìm ra chiếc ôtô bị mất…

Chiến công của lực lượng Công an rất lớn, cần phải tuyên truyền cho dân chúng hiểu Công an và giúp đỡ Công an, làm cho Công an càng ngày càng mạnh. Mặt khác, cán bộ, chiến sỹ Công an cũng cần phải nhanh chóng nâng cao nhận thức về thời sự, chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Mà phương tiện tuyên truyền hữu hiệu nhất lúc bấy giờ là báo chí. Vì vậy, Nha Công an Trung ương đã quyết định xuất bản một tờ báo riêng lấy tên là Công an mới.

Sau khi đồng chí Nguyễn Tài làm xong thủ tục ra báo, đồng chí Lê Giản đã quyết định giao cho đồng chí Nguyễn Tuấn Thức làm chủ nhiệm, còn đồng chí Phan Mạnh Hân làm chủ bút. Chức uỷ viên trị sự giao cho đồng chí Phùng Duy Tiếu. Báo đặt trụ sở tại số nhà 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội.

Bác Thức cho biết, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo, bác còn sửa bài và viết bài. Bác Thức đã viết bài cho mục "Xa... gần". Bài đăng trên Công an mới số 2 ra ngày 15/11/1946 là bài "Thế giới 15 ngày qua" nêu lên vai trò to lớn của Liên Xô trong việc diệt trừ phát xít, kết liễu Chiến tranh thế giới thứ hai, đem lại hoà bình cho nhân loại.

Cũng trên mục "Xa... gần" ở Báo Công an mới số 3, ra ngày 1/12/1946, tác giả Nguyễn Tuấn Thức viết về cuộc bầu cử ở Pháp, về nền kinh tế Pháp kiệt quệ, giá sinh hoạt mỗi ngày một tăng, ngân quỹ thiếu hụt 200 ngàn triệu quan, đã vay của Mỹ tới gần 2 ngàn triệu mỹ kim. Nhưng thực dân Pháp vẫn duy trì chính sách thổ phỉ, dùng bom đạn tiến công ta ở Lạng Sơn, Hải Phòng.

Lâu lắm rồi bác Thức không được nhìn thấy tờ báo mà mình đã làm chủ nhiệm. Khi tôi đưa những bức ảnh chụp Báo Công an mới để bác xem thì bác rất xúc động. Tôi đã thông tin với bác rằng: lực lượng Công an hiện nay có đến hàng chục đầu báo như Báo Công an nhân dân, Chuyên đề Văn nghệ Công an và An ninh thế giới... rồi Báo An ninh thủ đô, An ninh Hải Phòng, Công an thành phố Hồ Chí Minh...

Nhưng với đội ngũ những người làm báo cùng các ấn phẩm phong phú của báo chí CAND hôm nay thì Báo Công an mới vẫn là nền tảng, là những viên gạch đầu tiên đáng trân trọng và gìn giữ

Trung Xuyền
.
.
.