Tết xứ Huế với những lễ hội truyền thống độc đáo

Thứ Tư, 25/02/2015, 14:59
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, du khách thập phương lại háo hức chờ đợi để được hòa mình vào những lễ hội truyền thống của vùng đất Cố đô. Từ lễ dựng nêu ngày Tết trong Hoàng thành Huế cho đến các lễ hội, như: Vật làng Sình, đu tiên Phước Yên hay lễ hội bài chòi... đều mang đậm giá trị bản sắc văn hóa trong ngày Tết của người Việt.

“Dù ai đi ngược về xuôi, đến ngày hội vật nhớ quay về Sình!”, câu ca dao rất đỗi mộc mạc của người dân làng Sình (xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) được truyền tụng qua nhiều thế kỷ; nhưng đến nay vẫn còn được dân gian lưu truyền như chứng minh sự tồn tại của lễ hội vật truyền thống mang đậm chất văn hóa xứ Huế.

Theo các cụ cao niên, cứ đúng ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, ban chủ lễ của làng sẽ tập trung hàng trăm đô vật địa phương và những đô vật ở nơi khác đến để “khai hội” vật, mở đầu cho hội võ truyền thống có trên 500 năm tuổi của làng Sình.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng ban hội đồng tộc trưởng làng Sình cho hay: Mở đầu hội vật, sau tiếng trống khai hội là những màn biểu diễn đẹp mắt của các đô vật chuyên nghiệp của làng, sau đó là đến những trận tranh tài quyết liệt của thanh, thiếu niên với quy định, người nào bị vật “lấm lưng, trắng bụng” là thua. Người thắng từ trận đầu tiên đến trận cuối cùng là vô địch.

Ông Trần Vãng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu khẳng định: “Ngoài ý nghĩa mang tinh thần thượng võ, cầu mong sức khỏe và có một năm mới với mùa màng thắng lợi thì hội vật làng Sình đã trở thành mạch sống văn hóa của người dân địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh. Dù người nào đi xa “tha phương cầu thực”, nhưng đến ngày Tết vẫn muốn trở lại làng để chứng kiến lễ hội vật này. Tết Ất Mùi 2015, xã phối hợp với làng Sình để mở rộng quy mô tổ chức với trên 200 cặp đấu vật và tổ chức thêm các trò chơi dân gian khác để phục vụ du khách chơi Tết”.

Vật làng Sình, một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Du khách thập phương khi đến Cố đô Huế đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, nhưng lại không ghé tham quan lễ hội đu tiên ở xã Điền Hòa vào ngày mùng 2 Tết hay đu tiên Phước Yên (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) thì coi như chưa hưởng trọn vẹn hương vị Tết ở xứ Huế. Trong đó, lễ hội đu tiên Phước Yên được đánh giá là một trong những lễ hội đến nay vẫn còn lưu giữ được nét đẹp và phong cách truyền thống ngày xưa. Đu tiên Phước Yên được tổ chức từ ngày mùng 3 đến 5 Tết Nguyên đán.

Từ sáng sớm, các vị bô lão, những đôi nam thanh nữ tú đã tề tựu ở đình làng Phước Yên để thi thố tài năng bằng những điệu đu bay bổng. Bên cây đu, ban tổ chức sẽ treo một chiếc khăn hồng trên cao, người thi phải đánh đu bay cao, giật được chiếc khăn hồng thì mới thắng cuộc. Trong đó, phần thi “đu đôi” (một nam, một nữ) cùng so tài luôn thu hút nhiều người tham gia.

Cụ ông Lê Văn Định (70 tuổi), một trong những cụ cao niên còn tham gia lễ hội đu tiên ở Phước Yên cho biết: “Lễ hội đu tiên của làng đã có trên 300 năm tồn tại. Ngày đầu xuân, dù ai bận rộn chi mấy cũng đều đến đình làng để tham gia hoặc xem đu tiên. Khác hẳn với các lễ hội đu tiên ở nơi khác, đu tiên Phước Yên tuy không có giải thưởng lớn nhưng năm nào, làng cũng đón hàng ngàn khách về dự lễ hội. Đây là điều khích lệ để người dân trong làng quyết tâm gìn giữ lễ hội truyền thống này”.

Trong khi đó, so với các tỉnh, thành khác ở khu vực miền Trung, bài chòi xứ Huế được tổ chức ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) vẫn mang những nét riêng rất đặc sắc. Nó không chỉ là sự khác biệt về thể thức, số lượng người chơi mà nằm ở nội dung câu hò, điệu hò. Không gian hội được bố trí ngay bên cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng, trong tiếng cười nói vui vẻ của người chơi là câu hò, câu đối của người cầm hiệu để dẫn dắt hội bài chòi: “Rủ nhau đi đánh bài chòi. Để cho con khóc đến lòi rốn ra”.

Trước khi lễ hội bài chòi diễn ra, vào ngày 23 tháng Chạp, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã trang trọng tái hiện lại nghi lễ dựng nêu ngày Tết được tổ chức tại Thế Tổ Miếu - Đại nội Huế với đầy đủ các nghi thức cờ, lộng, trống, kèn cùng độ vác nêu và lính hầu.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thì vào triều Nguyễn, khi cây nêu dựng lên cũng đồng nghĩa với việc ngày Tết cổ truyền của dân tộc được bắt đầu. Đến ngày 25 tháng Chạp, triều đình không tiếp nhận văn thư và tiến hành lễ khóa ấn. Sau đó, lễ dựng nêu được viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên nhận chỉ dụ của nhà vua để làm chủ lễ. Ngày dựng nêu lên, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình đều được nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết, chơi Xuân.

Nhà nghiên cứu triều Nguyễn Vĩnh Cao nhận định: Dưới triều Nguyễn và các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, lễ dựng nêu được tiến hành vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm. Từ các triều vua Tự Đức về sau, lễ dựng nêu được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp. Khi cây nêu được dựng lên cũng đồng nghĩa công việc năm cũ đã kết thúc để chuẩn bị đón một năm mới. Vì thế, ngoài thể hiện bản sắc của văn hóa xứ Huế, nghi lễ dựng nêu được tổ chức tại Đại nội Huế sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô, đồng thời quảng bá đến du khách các lễ hội truyền thống của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán.

Anh Khoa
.
.
.