Tết WTO nhớ về Tết xưa

Chủ Nhật, 11/02/2007, 10:18

Tết xưa ở quê tôi mọi nhà nuôi được con lợn, con gà nào cũng cứ bấm bụng dành đến Tết. Dăm ba hộ mổ chung một con lợn nhỏ nuôi bằng cám gạo, nhà nghèo thì đem nải chuối, quả cam, cân thóc ra chợ bán để mua vài cân thịt, rổ cá nướng và sắm quần áo mới cho con.

Dường như vào thời điểm cận Tết Đinh Hợi này, ai cũng có thể biết rằng đây là cái Tết đầu tiên đất nước mình hội nhập cùng WTO. Dẫu không phải ai cũng có thể hiểu rõ Tết WTO là gì, nhưng trong tiềm thức, nhiều người hiểu một cách phổ thông là chúng ta hội nhập đầy đủ với thế giới bên ngoài.

Như thế sản phẩm Tết của Việt Nam như tranh làng Hồ, bánh chưng làng Chanh, rượu nếp cái hoa vàng, bánh phở, tôm, cua, ốc, ếch đông lạnh… có thể vượt biển ra thế giới. Cũng đồng thời, hàng tứ xứ năm châu ào ào đổ vào nước ta. Mua mặc sức, chỉ sợ không có tiền.

Nhìn các bà nội trợ, các cặp vợ chồng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào siêu thị sắm Tết mà thấy sốt cả ruột: hóa đơn thanh toán lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Âu cũng là phải. Suốt cả năm làm lụng tất bật không kip thở, nay các gia đình mới có thời gian mua sắm một thể… cũng một lần cả nhà được thong dong, được du lịch một chút. Bất giác tôi lại nhớ Tết ngày xưa ở quê tôi. Gọi là ngày xưa nhưng nào đã xa xôi, cũng chỉ cách đây vài ba chục năm thôi.

Thời ấy, mọi nhà nuôi được con lợn, con gà nào cũng cứ bấm bụng dành đến Tết. Mà nào có dám mua nhiều nhặn gì đâu. Dăm ba hộ mổ chung một con lợn nhỏ nuôi bằng cám gạo, nhà nghèo thì đem nải chuối, quả cam, cân thóc ra chợ bán để mua vài cân thịt, rổ cá nướng và sắm quần áo mới cho con. Nhà đông con cái, đứa được bố mẹ mua áo thì thôi quần, đứa có quần thì thôi áo, tuy mặc cọc cạch thế nhưng trông đứa nào cũng xúng xính, vừa đi vừa tự ngắm mình, ngầm hãnh diện bởi thấy mình khác hẳn ngày thường.

Bánh chưng quê tôi hồi ấy không có thịt làm nhân, chỉ rải một củ hành dầm dập với lát mỡ ở giữa để mùi thịt có thể lan rộng khi bánh chín. Câu chuyện "Bánh chưng nhân cá rô" mà vùng chiêm trũng xứ Nghệ tự giễu mình khiến bà con nơi khác tưởng nhầm là lấy cá rô làm nhân thật. Thực ra đó là cách chơi chữ "rô" với nghĩa "không (0)", "cá rô" nghĩa là "không có gì".

Lũ trẻ chúng tôi hồi ấy thích nhất là được đi xem lễ người lớn làm thịt trâu. Cả xóm chọn con trâu già nhất của hợp tác xã để mổ thịt chia nhau. Trâu khỏe hơn còn dùng để cày. Khoảng 28 Tết, người lớn dắt con trâu ra giữa sân kho của hợp tác xã, họ buộc dây vào 4 chân trâu và hai chiếc sừng nhọn hoắt. Một tiếng lệnh của người chủ lễ, tất cả cùng giật dây, con trâu ngã kềnh ra, bọn trẻ con đứng từ xa hò reo ầm ĩ. Người ta ghì sừng con trâu xuống, nó kêu ọ lên mấy tiếng; bọn trẻ chúng tôi coi đó là tiếng chào của con trâu với những người thợ cày, lời chào vĩnh biệt cả với chúng tôi, những đứa trẻ từng cưỡi trâu chăn dắt nó gặm cỏ non nơi cánh đồng làng…

Sau nửa buổi tưng bừng không khí chiến thắng ấy, mỗi nhà được chia hai ba cân thịt tươi với cả da trâu nữa. Đêm giáp Tết, cả làng dậy lên mùi thịt trâu, mùi da trâu đang được ninh nhừ, tiếng trẻ con í ới chờ đợi, tiếng mèo nhà gọi nhau đi kiếm mồi ồn ã suốt đêm… Ấy vậy mà, Tết cũng qua rất chóng vánh, chỉ đến ngày mồng 2 Tết hầu như nhà nào cũng hết đồ ăn. Bố mẹ tôi khép lại mấy ngày thong thả, đôi mắt lo âu lại hướng về những ngày giêng hai đói kém dài lê thê đang kéo đến gần…

Kể chuyện rông dài thế, hẳn các bạn trẻ lại tưởng những người tuổi ngoài 40 như chúng tôi đang "nhắc hoài điệp khúc ngày xưa?". Nhưng không hẳn như vậy. Tôi muốn nhớ về một kỷ niệm để làm thử một phép so sánh về hai cái Tết. Một cái Tết xưa thời bao cấp, ánh sáng đổi mới chỉ đang le lói phía chân trời. Xưa gọi là ăn Tết.

Một cái Tết nay, gọi là vui Tết WTO, Tết Việt Nam sẽ ứng cử là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, cái Tết có hơn 300 ngàn bà con Việt kiều về quê, cái Tết có hàng vạn khách nước ngoài ở lại chung trên nhiều vùng đất khác nhau. Đó là gì nếu không phải là kỳ tích của 20 năm đổi mới? Phải chăng chính chất xám, chính trí tuệ Việt Nam đã làm nên kỳ tích ấy?

Nhưng lại nghĩ cho cùng, các dân tộc trên thế giới ngày nay đều có phẩm chất thông minh và cần kiệm. Vấn đề là cơ chế xã hội ở từng thời kỳ có thể phát huy, giải phóng được năng lực chất xám ấy đến mức độ nào mà thôi. Vâng, Tết thời bao cấp, ta còn khó khăn nhiều bề, "cái khó bó cái khôn", chưa giải phóng được tư duy và năng lực sản xuất.

"Cái khó ló cái khôn", sau hai mươi năm đổi mới chúng ta đã vui cái Tết đầu tiên WTO. Điều đó là đáng ghi nhận, là đáng ghi nhớ. Nhưng điều đáng nhớ hơn là ngay trong Tết WTO này, hàng hóa Tết của ta phải mang đậm dấu ấn giá trị của chất xám Việt Nam.

Thời buổi cạnh tranh quyết liệt với hàng rào kiểm định chất lượng ngặt nghèo và ngày một "khó tính" theo chuẩn quốc tế, thậm chí theo chuẩn từng quốc gia riêng rẽ, sẽ không có chỗ cho thói làm ăn chụp giật, hàng giả, chất lượng giả. Hàng trong nước cũng vậy. Hàng xuất khẩu cũng vậy. Liệu có cá cược được không, bắt đầu từ Tết WTO, đất nước sẽ đi lên bằng chất lượng của hàng hoá, bằng chất lượng của sự tăng trưởng.

Câu hỏi ấy yêu cầu mỗi người Việt Nam phải tự trả lời. Nhưng, sao lại không có thể tin, biết đâu, không cần 20 năm, chỉ là 10 năm nữa thôi, nhiều người lại gọi Tết WTO này lại là Tết… xưa!

.
.
.