Tây Nguyên trước ngày hội lớn

Thứ Tư, 11/11/2009, 10:29
Tối 11/11/2009, Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 sẽ được tổ chức tại tỉnh Gia Lai , quy tụ nhiều đoàn cồng chiêng trong nước và 6 đoàn đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Không khí chuẩn bị cho ngày hội lớn đã lan tỏa khắp Tây Nguyên. Tiếng cồng, chiêng-tiếng nói của văn hóa Tây Nguyên lại có dịp ngân nga, lắng đọng trong lòng anh em, bầu bạn xa, gần...

Cồng chiêng với cuộc sống người dân Tây Nguyên

Tháng 11/2005, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”. Trong cuộc sống của người dân Tây Nguyên, cồng chiêng thực sự là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày của họ.  

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng khắp địa bàn 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng. Các dân tộc Giơ rai, Bana, Xê đăng, Giẻ Triêng, Cơho, Ê-đê... là chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này.  

Già làng Chư Ráp tập đánh cồng chiêng cho trai làng.

Già làng Đinh Nhân (70 tuổi), người Bana ở huyện Kbang (Gia Lai), một trong những người am hiểu và giữ được nhiều bộ cồng chiêng nhất ở Tây Nguyên (5 bộ), cho biết, người Tây Nguyên có nhiều dàn cồng chiêng khác nhau: Dàn 2 chiêng bằng, gọi là chiêng Tha của người Brâu; dàn 3 cồng núm của người Churu, Bana, Giơ rai và Giẻ Triêng...; dàn có 6 chiêng bằng của người Mạ; dàn Stang của người Xê đăng; dàn chiêng Diek của nhóm Kpạ người Ê-đê... Cũng có dàn gồm 6 cồng núm như nhóm Bih thuộc dân tộc Ê-đê. Dàn chiêng 11 hoặc 12 chiếc gồm 3 cồng núm và từ 8 đến 9 chiếc chiêng bằng của các tộc người Giơ rai (ngành Aráp), Bana (ngành TồLồ, Kon K’Đeh), người Xê đăng (ngành Steng)...

Cồng chiêng được các tộc người thiểu số quan niệm là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với Yang (thần linh) và thế giới siêu nhiên. Âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện tiếng suối, tiếng gió với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... đều phải có tiếng cồng, tiếng chiêng. Tiếng cồng, tiếng chiêng dài hơn đời người, nối liền, kết nối những thế hệ.

Có thể nói, văn hóa cồng chiêng là lẽ sống của người dân tộc thiểu số được gắn bó mật thiết từ khi con người cất tiếng khóc chào đời đến khi về với thế giới vĩnh hằng. Cồng chiêng còn là tài sản quí giá, biểu trưng cho sự giàu có của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

“Chủ nhà” chuẩn bị chu đáo  

Vinh dự là địa phương được tổ chức Festival cồng chiêng Quốc tế năm 2009, thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tích cực tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu biết thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng của cồng chiêng trong đời sống thường nhật, nhất là trong các lễ hội...; các nghệ nhân và các đoàn cồng chiêng tập trung tập luyện các “bài diễn” để đạt được kết quả tốt nhất.  

Đến nay, tỉnh Gia Lai đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động về thương mại, văn hóa như khai trương Bảo tàng tỉnh, khai mạc triển lãm "Không gian văn hóa của các dân tộc có cồng chiêng ở Việt Nam", triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và "Tây Nguyên tự tình";  khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, triển lãm sinh vật cảnh…

Người dân làng Đê Ôr luyện tập cồng chiêng chuẩn bị cho lễ hội.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, trong buổi họp báo tại TP HCM, ông Phạm Thế Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: những năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng như UBND tỉnh đã có nhiều văn bản quy định về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Gia Lai. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng ở các cấp nhằm bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng như: Tổ chức định kỳ 2 năm một lần ở cấp xã và huyện, 4 năm một lần ở cấp tỉnh nhằm duy trì việc giao lưu truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng và kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi của nghệ nhân; khuyến khích các lễ hội có sử dụng cồng chiêng tại các buôn làng, tạo mọi điều kiện cho việc truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng, đưa việc truyền dạy cồng chiêng vào các trường dân tộc nội trú, trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số bản địa.  

Festival cồng chiêng Quốc tế năm 2009 được tổ chức tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai là một sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế, có ý nghĩa chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội không chỉ cho Gia Lai mà của cả nước. Đây cũng là dịp nhằm tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Vì thế, việc tổ chức Festiaval cồng chiêng không chỉ có tác dụng giáo dục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà còn khẳng định quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn  hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai còn là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh, là sự kiện văn hóa quan trọng ở khu vực Tây Nguyên và cả nước.  

Cũng như tâm trạng vui mừng của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên, già làng Chư Ráp ở thôn Đê Ôr, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) thổ lộ: “Được biết tỉnh Gia Lai tổ chức lễ hội cồng chiêng quốc tế, bà con mình mừng cái bụng lắm. Đây là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc anh em, là sự kiện văn hoá quan trọng ở khu vực và cả nước. Đây cũng là dịp để người Bana, Giơ rai, Ê-đê, Xê đăng... và các tộc người khác trong nước và trong vùng gặp nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như giao lưu văn hóa cồng chiêng... Đảng, Nhà nước thực sự  quan tâm đến văn hóa của bà con các dân tộc mình; hơn ai hết, chúng ta phải vừa học tập, vừa bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng trong đời sống. Hơn hai tháng nay, mình đã tích cực truyền dạy cách đánh các bài cồng chiêng cho con cháu trong làng và chọn lựa thành lập một đội để đi dự lễ hội”.

Được biết, trong thời gian diễn ra lễ hội sẽ trình diễn cồng chiêng tại các điểm du lịch về nguồn, Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Quảng trường 17-3, tái hiện lễ hội đâm trâu tại Khu du lịch Về Nguồn, lễ bỏ mả tại Công viên Đồng Xanh, TP Pleiku. Tại Hội trường 2-9 sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến Đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai và ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh…

Bài và ảnh: Lê Quang
.
.
.