Tấu hài thật khó... cười

Thứ Hai, 25/02/2008, 09:16
Có lẽ nắm được tâm lý dể cười, dễ quên của một bộ phận khán giả, nhất là những ngày tết nên các nhóm hài thi nhau nở rộ. Chỉ riêng năm qua đã có 10 nhóm hài đã ra đời, nâng tổng số nhóm hài tại TP HCM lên tới hơn 50 nhóm, nhưng có điều số lượng tăng khí thế là vậy còn chất lượng thì phải xem lại.

Bởi không nhất thiết phải nhiều người có tài năng mới thành nhóm mà chỉ cần 2 người là đủ làm mưa làm gió. Rảo một vòng qua các sân khấu, tụ điểm, công viên trong mấy ngày Tết mới thấy hết cái được và mất trong làng tấu hài.

Không thể phủ nhận có những nhóm hài, có tâm huyết, tài năng thực sự, họ đưa tiếng cười đến với khán giả một cách nhẹ nhàng, thâm thúy, cười mà ra nước mắt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những tác phẩm của họ có kịch bản, đạo diễn và lao động nghệ thuật nghiêm túc như nhóm hài: Hoài Linh, Xuân Hương, Trung Dân… Còn lại đa phần các nhóm hài khác hầu như làm theo kiểu mì ăn liền, thậm chí không cần kịch bản.

Trong mấy ngày Tết, do phải chạy sô nhiều (có người một ngày diễn ở 15 điểm khác nhau), nên chất lượng càng giảm. Vì có quá nhiều nhóm hài và cũng nghèo kịch bản nên hầu như khi lên sân khấu họ chỉ biết lấy ngoại hình của nhau ra mà trêu chọc (nhóm Minh Béo, Ngọc  Giàu - Hiếu Hiền, Hồng Tơ…), hay dùng những từ ngữ hết sức khó nghe: "Nào là: Mày tin tao đập cái này vô mặt mày má mày nhìn không ra hôn!! Rồi: “Bộ cái mả cha mày nằm đó à…". Đó là chưa kể họ ca cải biên và nói tục một cách lộ liễu trên sân khấu, rồi nhại tiếng địa phương.

Nội dung một tiết mục thường là thi ca, thi hoa hậu, thi người mẫu giả gái hay bắt chước người khuyết tật một cách cường điệu quá mức để làm trò cười cho khán giả. Trang phục của các nhóm hài chạy sô tụ điểm thường có 2 phong cách: Một là không giống ai: Như người của hành tinh lạ, hai là mặc quá mức bình thường (nếu không được giới thiệu thì không nhận ra họ là nghệ sĩ).

Thông điệp của họ là "làm một mùa Tết bằng cày bốn mùa" nên các nhóm hài phải vừa chạy sô vừa nghĩ cách cắt gọt tiết mục để vừa đảm bảo không bị bể sô mà catsê vẫn trọn… Nhưng họ có biết rằng chỉ có khán giả là người lãnh đủ. Có đi xem sân khấu ngoài trời mới thấy rõ cái bát nháo của hài kịch.

Thường thì mỗi tiết mục có thời lượng từ 12- 15 phút mới đủ thời gian chuyển tải nội dung đến cho khán giả, vậy mà nhiều khi họ cắt gọn chỉ còn bảy, tám phút. Nhóm Thanh Long diễn 10'20", nhóm Cát Phượng 8'40".

Còn nhóm Bảo Chung còn siêu hơn vì diễn đúng 6 phút với những lời chúc xuân khi khán giả chưa kịp cười và vỗ tay chưa kịp dứt đã thấy nghệ sĩ vội vàng tạm biệt và sau cánh gà đã có người cầm sẵn phong bì tiền catsê, xe nổ máy chờ sẵn chở nghệ sĩ đến điểm khác.

Còn đâu nữa những trận cười chảy ra nước mắt vào tối thứ năm hằng tuần bên chiếc tivi trắng đen trong những chương trình "Chuyện trong nhà ngoài phố" ở thời bao cấp. Tuy thiếu thốn nhưng tiếng cười đó có ý nghĩa làm sao, cười mà lòng đau như cắt, cười để sống tốt hơn, chứ không phải tiếng cười  gượng, nhạt nhẽo để rồi, cười đó lại quên ngay

Đình Đình
.
.
.