Tạp chí Văn nghệ Quân đội đổi mới trên nền của truyền thống

Thứ Năm, 12/01/2012, 10:42
"Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quan niệm viết về chiến tranh bởi như trên đã nói chiến tranh đã lùi xa 30, 40 năm. Đề tài chiến tranh đã trở thành đề tài lịch sử, nhà văn không thể viết được những trang tả trận “nóng bỏng hơi thở mặt trận” nữa. Nhưng màu áo lính thì không thể nhạt phai trong những trang viết của các nhà văn quân đội được", Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình, TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chia sẻ.

Sáng 11/1, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 55 năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội - tạp chí sáng tác văn học và bình luận văn học nghệ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Văn nghệ Quân đội đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ cầm bút trên cả nước. Nhân dịp này, CAND đã có cuộc trò chuyện với Đại tá - nhà văn Ngô Vĩnh Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

- Thưa Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nhìn lại 55 năm chặng đường đã qua của Văn nghệ Quân đội, xin ông cho một vài đánh giá cơ bản về đội ngũ nhà văn quân đội gắn liền với thương hiệu của tạp chí trong suốt chặng đường lịch sử đã qua?

- Văn nghệ bộ đội là nét độc đáo của văn học Việt Nam, bởi không phải một dân tộc nào, nước nào cũng có văn nghệ bộ đội và không phải quân đội nào cũng có một lực lượng viết văn, thế hệ này tiếp thế hệ khác đông đảo và khỏe khoắn như của quân đội ta – một lực lượng đặc biệt trong đội ngũ các nhà văn Cách mạng Việt Nam đã góp phần chính yếu để tạo nên một mảng văn học viết về chiến tranh cách mạng – một mảng sách đồ sộ và sáng đẹp; đồng thời tạo dựng nên nhân vật người chiến sĩ, một trong những nhân vật trung tâm của văn học những năm nửa sau thế kỷ XX.

Hầu hết các đồng chí lãnh đạo, biên tập viên, cán bộ sáng tác đã và đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Văn nghệ quân đội có 3 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải) và gần ba chục nhà văn khác được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Bộ Quốc phòng, Giải văn học ASEAN, Giải thưởng văn học Sông Mêkông, Giải thưởng văn học Á - Phi... cùng những giải thưởng văn học lớn và có uy tín trong và ngoài nước khác. Lại có những nhà văn được phong hàm cấp tướng (Văn Phác, Hồ Phương, Dũng Hà, Nguyễn Chí Trung), được đặt tên đường, tên trường (Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều).

Văn nghệ Quân đội cũng là một tờ báo văn chương duy nhất và là một trong không nhiều tờ báo có phóng viên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đóng góp của Văn nghệ Quân đội, của các nhà văn quân đội những năm kháng chiến không chỉ động viên đồng chí, đồng bào chiến đấu bằng những bài báo, bài thơ, cuốn tiểu thuyết, trong đó có những tác phẩm có sức lay động, cổ vũ, vẫy gọi toàn quân toàn dân ta hăng hái giết giặc lập công vì độc lập dân tộc, vì thống nhất đất nước rất lớn mà còn góp phần làm sáng đẹp lên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; đồng thời đã làm rõ nét hơn các khái niệm văn nghệ bộ đội, văn nghệ sĩ – chiến sĩ, nhà văn – chiến sĩ, một nét độc đáo của văn hoá quân sự cũng như văn học đương đại Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945...

- Văn nghệ Quân đội, với những đóng góp tích cực của mình, đã thực sự trở thành một mảnh đất văn chương có uy tín, có thương hiệu, nơi gửi gắm những tác phẩm văn học của người viết trong và ngoài quân đội, đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ và đổi mới đã qua. Vậy thưa ông, những người làm Văn nghệ Quân đội hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống đó như thế nào?

- Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn là một tờ tạp chí văn nghệ có “thương hiệu”. Tạp chí ra một tháng hai kỳ với số lượng phát hành hơn 50.000 bản/tháng, vẫn là một tờ tạp chí văn nghệ có số lượng phát hành lớn nhất nước. Từ tháng Giêng năm 2011, sau một thời gian thử nghiệm, Văn nghệ Quân đội điện tử – một trong hai tờ báo điện tử của quân đội đã ra đời. Mới tròn một năm vannghequandoi.com đã có hơn 4 triệu lượt người truy cập và được xếp trong tốp 5 các trang báo điện tử chuyên văn học.

Lực lượng viết của “nhà số 4”, tuy có sự thay đổi lớn, lớp trẻ kế tiếp đã có mặt kịp thời và dần khẳng định được tên tuổi. Họ là những người còn rất trẻ, được đào tạo cơ bản và được khẳng định qua các cuộc thi, các giải thưởng văn học. Chính họ đang là những nhà văn làm nên “thương hiệu” của Văn nghệ Quân đội hôm nay – một “thương hiệu, một “văn hiệu” mà các thế hệ nhà văn đi trước đã dày công vun đắp!

“Văn hiệu” Văn nghệ Quân đội 55 năm nay luôn được dệt nên bởi sợi dọc là truyền thống và sợi ngang là những tên tuổi. Những “sợi ngang” hôm nay là những Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng...

 - Những thành viên của “nhà số 4” hôm nay phần lớn đều là những người cầm bút trẻ, không trải qua chiến tranh, không gắn bó nhiều với Quân đội. Trong tác phẩm của họ, chiến tranh không phải là đề tài ưu tiên hàng đầu. Ông có lo rằng, đến một lúc nào đó, những dấu ấn mà những nhà văn quân đội đi trước đã tạo dựng được sẽ phai nhạt dần đi trong lòng chiến sĩ và bạn đọc cả nước?

- Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quan niệm viết về chiến tranh bởi như trên đã nói chiến tranh đã lùi xa 30, 40 năm. Đề tài chiến tranh đã trở thành đề tài lịch sử, nhà văn không thể viết được những trang tả trận “nóng bỏng hơi thở mặt trận” nữa. Nhưng màu áo lính thì không thể nhạt phai trong những trang viết của các nhà văn quân đội được. Chúng tôi là Văn nghệ Quân đội, văn nghệ và quân đội như hai mặt của một tờ giấy. Thiếu một thứ chúng tôi không còn lý do gì để tồn tại. Là vậy, vẫn phải là những trang viết về người lính – bộ đội Cụ Hồ với những phẩm chất tốt đẹp nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Như vậy có thể nói đề tài ưu tiên đối với các nhà văn quân đội hôm nay là đề tài bảo vệ Tổ quốc với nhân vật trung tâm là người lính...

Nhân ngày truyền thống 55 năm của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thay mặt các nhà văn quân đội, cán bộ chiến sỹ trong cơ quan tạp chí, tôi xin được bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ nhà văn đã không quản gian khổ hy sinh để viết nên những tác phẩm có giá trị về những người lính, cho những người lính chúng tôi; cám ơn các thế hệ bạn đọc, bạn viết, các ban, ngành hữu quan, các địa phương, các báo và tạp chí bạn... đã bền bỉ cộng tác, vô tư giúp đỡ Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong nhiều năm qua góp phần quan trọng làm nên sức sống, làm nên văn hiệu và truyền thống 55 năm của đơn vị.

- Xin cảm ơn Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình

B.N.T.
.
.
.