Tạo sức sống mới cho cải lương dịp Tết Tân Sửu 2021

Chủ Nhật, 31/01/2021, 07:43
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều phải tạm dừng, trong đó có các đơn vị sân khấu cải lương xã hội hóa. Điều này giúp cho các sân khấu có thời gian tìm tòi cái mới cho phù hợp sau khi hoạt động biểu diễn trở lại bình thường.


Với tinh thần hăng say, sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sỹ cải lương đều đặt nhiều kỳ vọng trong việc đầu tư các tác phẩm đặc sắc để sàn diễn sáng đèn phục vụ công chúng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đổi mới để bắt kịp xu thế

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 6 đơn vị xã hội hóa cải lương và công lập đang gấp rút chuẩn bị vở diễn Tết phục vụ khán giả. Năm nay, với xu hướng “giảm lượng tăng chất”, bằng mọi phương cách nhằm tập hợp lực lượng nghệ sĩ, vận dụng nhiều thủ pháp, kỹ xảo, tạo hiệu ứng sân khấu hiện đại, diễn xuất mới mẻ, các vở cải lương kinh điển đang chờ ngày đón chào khán giả đến rạp trong dịp Tết Nguyên đán.

Tết Tân Sửu 2021, khán giả cải lương có thêm một điểm hẹn mới là sân khấu Sen Việt (Quận 3) với diện tích chỉ 25m2 mang nhiều tính thể nghiệm, tương tác đặc biệt. Với ba vở diễn “Lộc phát tài” (tác giả Lê Bình - Nguyên Phương), “Cưới vợ năm Sửu” (tác giả Lê Nguyên Đạt), “Võ Tắc Thiên” (tác giả Văn Du - Nguyên Phương), Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Nguyên Đạt cho biết, tiết tấu các vở diễn sẽ được đẩy nhanh xen lẫn các tình huống bi - hài, âm nhạc sử dụng chất liệu hiện đại tiệm cận với xu hướng thời nay. Những vở mang màu sắc cổ trang sẽ khai thác tối đa phần biểu diễn vũ đạo để tạo thêm nhiều điểm nhấn.

Tiết mục biểu diễn đặc sắc tại buổi lễ Bế mạc cuộc thi tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 diễn ra tại tỉnh Cà Mau.

Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang dần hoàn tất lịch tập tuồng cho các nghệ sỹ vào mùa Tết với vở "Thủy chiến", "Tình yêu đảo chúa", "Nguyễn Hữu Cảnh"... Vở “Thủy chiến” của tác giả Quang Nhã làmột màu sắc mới khi lực lượng tham gia vở diễn đều là những gương mặt trẻ, lần đầu đảm nhận những vị trí quan trọng. Mang đề tài lịch sử, kể về chiến thắng trên sông Bạch Đằng, vở diễn lấy điểm nhấn tình yêu quê hương đất nước, tình nghĩa vợ chồng để xây dựng lớp diễn, bài ca đậm chất trữ tình, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả trong những ngày đầu Xuân.

Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, kịch bản đóng vai trò lớn trong việc đầu tư giúp vở diễn có sức sống, đặc sắc. Về cơ bản, vở diễn phải có nội dung đủ tốt, đáp ứng thị hiếu khán giả để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, sự đồng lòng, chung chí hướng của đa số nghệ sỹ trong hình thức dàn dựng, biểu diễn sẽ góp phần đem lại nhiều vở diễn đặc sắc cho sân khấu cải lương.

Trên sàn tập của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long (Quận 1), soạn giả Bạch Mai và nghệ sỹ Hữu Huệ đang cùng dàn diễn viên trẻ tập luyện võ thuật, vũ đạo. Nghệ sỹ Bạch Nga và Kim Phượng đang thiết kế các bộ trang phục đẹp mắt, nghệ sỹ Trường Lộc chế tác đạo cụ, mũ mão cho vở diễn "San hà xã tắc" sẽ được ra mắt tại sân khấu Trịnh Kim Chi (Quận 6) trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Tương tự, sân khấu Chí Linh - Vân Hà chọn vở "Tứ tử đậu tân khoa" dành cơ hội cho dàn diễn viên trẻ. Theo nghệ sỹ Chí Linh, trọng trách của đạo diễn trong việc đi tìm hình thức dàn dựng phù hợp cho cải lương Tết là điều mà các sân khấu thành phố đang hướng tới. Bên cạnh việc tìm vở diễn mới mang đầy đủ yếu tố giải trí, định hướng thẩm mỹ, việc các sân khấu xã hội hóa dựng vở cũ cũng là cách tạo điểm diễn giải trí trong ngày Tết đồng thời tạo cơ hội cho các đạo diễn, diễn viên trẻ thể hiện tài năng của mình.

Cần cách tân phù hợp

Từ sự thay đổi tư duy trong việc chọn lựa kịch bản để dựng vở Tết, năm nay là dịp để các sân khấu cải lương từ công lập đến xã hội hóa ôn lại các bài học của quá khứ, nghiền ngẫm sâu hơn về vấn đề nhận thức, tiếp biến các giá trị để chung sức xây dựng, bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương. Trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, sân khấu cải lương hiện đang phải xử lý hàng loạt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế hướng đến phát triển sân khấu cải lương theo chiến lược đầu tư hình thức dàn dựng.

Theo soạn giả Bạch Mai, nguồn nhân lực trẻ “xuất quân” trong mùa Tết 2021 có thể dễ tiếp cận với lớp khán giả trẻ, là sự đổi mới mang theo những kỳ vọng nhất định. Hầu hết họ đều là những tên tuổi không quá xa lạ, từng đoạt giải cao trong các cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, nhưng đa phần chưa có nhiều thời gian cọ xát với các vở diễn nguyên tuồng, hoặc chỉ được giao vai phụ. Vì vậy, khi được làm chủ sàn diễn, họ có thể sẽ là những ẩn số thú vị, mang nhiều màu sắc mới mẻ.

Ở góc độ cố vấn chuyên môn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng, thời điểm này, chọn vở Tết một cách qua loa, hời hợt không tồn tại trong tư duy đầu tư của nhà sản xuất. Theo đó, trong quá trình xây dựng các vở diễn Tết năm nay, các đơn vị nghệ thuật cần phải tự thích ứng để hội nhập, thay đổi từ hình thức dàn dựng, biểu diễn, cải tiến về âm nhạc, cảnh trí, trang phục, kỹ xảo.

Theo Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt, bên cạnh việc sử dụng lại kịch bản của những nghệ sỹ lâu năm, sân khấu đang ưu tiên trình diễn nhiều tác phẩm do các tác giả, đạo diễn trẻ dàn dựng. Cùng với cách dẫn dắt mới, các nghệ sĩ đặc biệt chú ý đến yếu tố âm nhạc để tạo nên điểm khác biệt, đột phá cho những vở cải lương trong dịp Tết nhằm thu hút không chỉ người trung niên mà thanh niên cũng sẽ say sưa theo dõi đến cuối buổi diễn.Theo đó, nguồn kịch bản mới phải được trang bị đồng bộ cùng dàn diễn viên tài năng, lực lượng trẻ sẽ làm cho vở Tết hấp dẫn, thăng hoa.

Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng, người gắn bó hơn 60 năm trong lĩnh vực sân khấu cho rằng, nhiều thế hệ nghệ sỹ đã chung tay gắn kết sáng tạo, để không ngừng cống hiến duy trì sức sống, sức hấp dẫn cho bộ môn nghệ thuật cải lương. Với tính năng động vốn có, tinh thần sáng tạo của nghệ sỹ, họ đã tự điều chỉnh, thích ứng để tồn tại trong đời sống sàn diễn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng, cải lương có thể kết hợp với nhạc rap, nhạc trẻ, xiếc, ảo thuật để làm cho đời sống sàn diễn sinh động nhưng vẫn giữ được sự nền nã, quý phái mang tính truyền thống. Đồng thời, tính chất đổi mới, cách tân không ngừng của nghệ thuật cải lương sẽ tạo được điểm đến trong mùa Tết này.

Song song đó, trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, khán giả có nhiều sự lựa chọn nên vở Tết cần cách tân phù hợp với yêu cầu của công chúng chính là điều mà các đạo diễn, nhà đầu tư quan tâm.

Thu Hương
.
.
.