Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ giải Hoa sen vàng 2015:

Tạo sân chơi xứng đáng với tiềm lực

Thứ Hai, 13/07/2015, 08:00
Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ giải Hoa sen vàng 2015 diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7 tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh do Sở Văn hóa, Thể thao và Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Đây là dịp để các đội nhóm, câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử (ĐCTT) trên địa bàn thành phố hội ngộ, tranh tài, đồng thời nhìn lại đời sống của di sản dân gian này tại thành phố sôi động bậc nhất cả nước.

Tiết mục dự thi của CLB đờn ca tài tử quận Tân Phú.

Liên hoan quy tụ hơn 250 tài tử đờn và tài tử ca thuộc 24 CLB ĐCTT ở Trung tâm văn hóa quận, huyện của thành phố. Điều đáng ghi nhận của liên hoan năm nay là ngoài các làn điệu trong 20 bài bản Tổ và Vọng cổ còn có nhiều bài ca do chính các thành viên CLB tự biên.

Nội dung tác phẩm đa dạng từ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, phản ánh thành tựu của đất nước đến hướng về biển đảo quê hương, lòng yêu nước thương nòi...

Ban tổ chức cũng khuyến khích các đội thi sử dụng tác phẩm đã được chọn lọc trong “Cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bản Tổ nhạc tài tử Nam Bộ, bài ca Vọng cổ và chặp cải lương năm 2012”.

Rõ ràng, hơn một năm từ khi UNESCO vinh danh ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đời sống ĐCTT trên địa bàn thành phố có chiều hướng phát triển khởi sắc.

Nhiều lớp, lò truyền dạy đờn, ca và các CLB liên lục ra đời ở các cơ quan, đơn vị, trường học, trong đó số lượng thành viên trẻ không ngừng gia tăng. Hầu hết các Trung tâm Văn hóa quận, huyện của thành phố đều có CLB ĐCTT.

Theo thống kế của Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 200 đội nhóm, CLB đờn ca với 3.000 người.

Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ nhiệm CLB ĐCTT quận 4 cho hay: “CLB chúng tôi hiện có khoảng 30 người, trong đó đa phần các thành viên đều là lao động bình dân như xích lô, tiểu thương, công nhân, xe ôm... Tuy công việc vất vả, bận rộn nhưng cứ mỗi tháng hai lần họ lại dành thời gian đến CLB ngân nga câu hát, điệu đàn”.

Thời gian qua, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực thiết thực để bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT, đặc biệt là chú trọng đến thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “TP Hồ Chí Minh là một trong 21 địa phương có di sản ĐCTT.  Để thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT một cách có bài bản và hiệu quả, sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức biên soạn và xuất bản tài liệu 20 bài bản Tổ; tăng cường tổ chức các liên hoan cấp cơ sở quận, huyện hằng năm cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB hoạt động...

Bản đồ điện tử hệ thống di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT sẽ hoàn thiện và ra mắt thời gian tới nhằm giúp người dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu. Chúng tôi cũng đang đề xuất về chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp và lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong đợt xét tặng năm nay”.

Q. Nga – B.Phượng
.
.
.