Tạo môi trường văn chương để có tác phẩm đỉnh cao

Chủ Nhật, 08/08/2010, 08:18
Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII đã thành công tốt đẹp. Một Ban Chấp hành (BCH) mới đã được bầu với 15 gương mặt. Nhiệm vụ đặt lên vai BCH mới không kém phần nặng nề với câu hỏi được các hội viên và bạn đọc trông đợi, khi nhiều vấn đề được đặt ra tại Đại hội: "Làm thế nào để có tác phẩm hay? Làm gì để có được môi trường tốt nhất cho nhà văn sáng tạo?".

Trong không khí sôi động của kỳ Đại hội vừa kết thúc, chiều 6/8, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số thành viên BCH Hội Nhà văn:

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: BCH mới phải tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề Đại hội quan tâm

Nguyễn Quang Thiều là một trong những cái tên được nhắc đến với sự kỳ vọng tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII. Vì thế, ngay sau khi anh đắc cử Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những nhiệm vụ trong thời gian trước mắt của anh.

PV: Trước hết, xin chúc mừng anh, anh có thể cho biết, trong vai trò mới của mình, anh sẽ có sáng kiến gì để thúc đẩy phong trào sáng tác của Hội?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: BCH sẽ là một sáng kiến tập thể, cộng lại của những sáng kiến cá nhân. Những gì Đại hội nhận thấy là yếu kém của các cơ quan Hội: báo chí, xuất bản, giải thưởng, kết nạp hội viên và lớn hơn là thái độ nhà văn đối với những vấn đề số phận con người trong cuộc đời và của dân tộc chúng ta trước thế giới, thì đó chính là những mục tiêu trước hết BCH mới phải tập trung để giải quyết. BCH cũng sẽ tạo mọi điều kiện để mỗi hội viên luôn tự trách nhiệm, phát huy được khả năng, được cá tính sáng tạo trong từng trang viết của họ. Nhưng những trang viết dù cá tính đến đâu, thì người viết vẫn phải đồng hành cùng hạnh phúc, khổ đau, công bằng và bác ái của một người dân bên cạnh họ và rộng lớn hơn là của dân tộc mình.

PV: Đại hội đã kỳ vọng thay đổi tờ Văn Nghệ, như mọi người nói là đã không còn sang trọng, thu hút bạn đọc. BCH sẽ làm gì để xứng với sự kỳ vọng đó?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi rất cảm ơn sự tín nhiệm của Đại hội. Nhưng ai làm Báo Văn Nghệ lại không phụ thuộc vào việc anh ta muốn hay không muốn. Niềm hy vọng thay đổi Báo Văn Nghệ không phải đặt vào riêng Nguyễn Quang Thiều mà đặt vào cả BCH. Để làm được, tôi cho rằng, phải là tổng lực trí tuệ, tinh thần và sự hy sinh của BCH, phải khơi mở, kêu gọi, tập hợp được năng lực, trí tuệ của các hội viên và những người viết ngoài Hội và cả các nhà báo nữa.

Một cá nhân cho dù tài giỏi đến đâu cũng không thể là tất cả. Dù anh ta đầy năng lực, đầy khát vọng và đầy ý tưởng, nhưng phải đứng trên một nền vững chắc và đằng sau là một tập thể lớn. Trần Đức Tiến, Nguyễn Thị Thu Huệ hay là tôi hay bất kỳ ai được phân công làm Báo Văn Nghệ đều phải có sự hỗ trợ của BCH, của hội viên và sau đó, phải đồng hành cùng con người, với bạn đọc, mới làm được.

Phút hội ngộ của các Nhà văn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Làm báo hiện nay rất khó, vì TV, Internet, các thứ giải trí khác đang đẩy báo viết vào con đường hẹp hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi người làm báo viết phải có năng lực mạnh mẽ, có khát vọng, ý chí và phải hiến dâng. Đặc biệt, tờ Văn Nghệ là gương mặt, tiếng nói của nhà văn Việt Nam thì phải trở nên sang trọng, sự sang trọng này phải đồng hành, hiện thực trên đời sống của con người.

Báo Văn Nghệ không chỉ để phát hay cho hội viên đọc, tự cảm thấy thỏa mãn với những trang đã in bài của mình, mà phải cất tiếng nói của những con người đau đớn nhất, bất hạnh nhất, phải làm hiển lộ một nền văn hóa và Cái đẹp đang mỗi ngày bị chủ nghĩa thực dụng tấn công. BCH phải nhận ra, nếu không làm được thì họ có lỗi với hội viên và quan trọng nhất là, với những con người đang cần họ lên tiếng về giấc mơ của họ, về số phận của họ

PV: Nếu được phân công, anh sẽ tạo được dấu ấn với tờ Văn Nghệ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tờ Văn Nghệ đã làm được một số điều cần thiết, nhưng đòi hỏi phải trí tuệ hơn, sang trọng hơn, hấp dẫn hơn và hiện thực hơn nữa. Nếu tôi phải làm tờ Văn Nghệ thì điều tôi cần mà nó lại ở bên ngoài khả năng của tôi là sự ủng hộ, sự đồng thuận của các hội viên, của BCH và của những người quản lý báo chí và văn hóa nữa.

Tôi cảm giác rằng: Hơn 500 nhà văn bỏ phiếu cho tôi là vì họ muốn tôi sẽ mang những gì bé nhỏ của mình để cùng với Hội Nhà văn làm cho tờ Văn Nghệ khởi sắc. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi lo, vì thách thức rất lớn. Tôi không thể nói mình sẽ làm đến đâu, nhưng tôi tin, với ý chí, sự trong sáng của tôi hay bất kỳ ai, chắc chắn nó sẽ mang lại những điều gì tốt đẹp.

PV: BCH sẽ làm gì để kích thích sự sáng tạo của nhà văn, bởi với nhà văn, đầu tư không phải là tất cả, mà là không khí sáng tác?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi hoàn toàn nhất trí điều đó. Trong những lúc đói nghèo, những tác phẩm kỳ diệu đã sinh ra. Lúc chúng ta đầy đủ về vật chất, lại là những tác phẩm buồn tẻ, nhạt nhẽo, không đúng với người đọc mong đợi. Tôi nghĩ rằng, trước hết phải tạo ra không khí sáng tác. Nếu có sự mâu thuẫn trong BCH, mâu thuẫn giữa BCH với hội viên, sẽ không gợi được.

Tại sao một nhóm nhỏ chúng tôi ngồi với nhau suốt 10 năm, 20 năm trước trong 1 quán cà phê nhỏ, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp nhất, hứng khởi nhất và truyền cảm hứng sáng tạo cho nhau, còn trong một Hội Nhà văn lớn hơn hết, chính thức hơn, tập hợp tất cả những nhà văn tài năng, lại chưa làm điều đó? BCH phải cùng từng nhà văn làm thức dậy mạnh mẽ hơn nữa lòng kiêu hãnh và khát vọng đấu tranh cho dân chủ, cho tự do, cho những điều tốt đẹp của con người. BCH không phải là nơi đến đó để hưởng lợi, mà nơi kêu gọi mọi người đoàn kết, thống nhất.

Khi mỗi nhà văn không tôn trọng nhau, không trân trọng khuynh hướng sáng tác của nhau thì đã loại trừ nghệ thuật. Mà không ai có quyền hay có khả năng độc quyền về cái đẹp, hay độc quyền về nghệ thuật. Mỗi vẻ đẹp hiện lên khác nhau trong mỗi nhà văn và khi chúng ta tôn trọng, công bằng thì điều đó sẽ là nguồn lực khích lệ họ. Chúng ta đang ngồi ở đây với khát vọng chung nhất, tiếng nói chung nhất trong những cá tính khác biệt và cái nhìn khác biệt. Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi những cái nhìn khác biệt dựa trên nền tảng nhân văn và vì cái chung.

PV: Anh sẽ dành sự quan tâm đến văn học trẻ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Năm tôi 20-30 tuổi, tôi đã xuất hiện với một cái gì đó và đã thay thế một chút những người hơn tôi 10 tuổi. Giờ đây, lớp trẻ lại vượt lên. 15 năm trước, tôi đã nói, sự bùng nổ của văn học Việt Nam chỉ chờ đợi ở những người dưới 40 tuổi, còn những người trên 50 tuổi như chúng tôi, có thể sâu sắc hơn, kỹ lưỡng hơn, thâm trầm hơn, nhưng sự bùng nổ trong thi pháp hay tư tưởng thì phải đợi những người trẻ. Khi còn làm biên tập ở Báo Văn nghệ, tôi luôn luôn hồi hộp bóc những phong bì có tên lạ nhất, để chờ đợi sự xuất hiện một tác phẩm của những nhà văn mới khiến mình có thể cúi đầu kinh ngạc vì vẻ đẹp và sự quyến rũ.

PV: Xin cảm ơn sự chia sẻ của anh!

Thanh Hằng (thực hiện)

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam: Chất lượng sáng tác là điều quan tâm nhất

PV: Anh có thể chia sẻ cảm xúc cũng như vài nét chương trình hoạt động của anh trong vai trò mới?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Những người viết trong lực lượng vũ trang (LLVT) trưởng thành nhanh và rất đông đảo, việc quan tâm đến đội ngũ này là cần thiết. Vì thế, đại diện cho các nhà văn Công an và Quân đội lần đầu tiên trúng cử vào BCH Hội Nhà văn Việt Nam, là niềm vui không chỉ của cá nhân tôi mà của cả các nhà văn trong LLVT.

Từ trước đến nay, lực lượng sáng tác bên Quân đội luôn có mối quan hệ rất đặc biệt với các nhà văn bên Công an. Đó là thuận lợi lớn để việc sáng tác giữa 2 lực lượng ngày càng gắn bó mật thiết. Thời gian tới, nhiệm vụ sáng tác của những người viết trong Quân đội và Công an rất nặng nề, nhất là trách nhiệm với quá khứ còn rất nhiều. Những năm qua, chúng ta làm được nhiều nhưng vẫn còn rất lớn và chưa có những tác phẩm để anh em trong ngành và bạn đọc thật an tâm. Vì thế, nâng cao chất lượng sáng tác của đội ngũ các nhà văn Công an và Quân đội sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cũng cần phát triển đội ngũ rộng rãi hơn trong thời gian tới. Trong thời chiến, Quân đội có vai trò to lớn, nhưng trong thời bình, nhiệm vụ của những người sáng tác bên Công an sẽ nặng nề hơn. Tôi hy vọng, các nhà văn Công an không chỉ viết riêng về Công an, mà còn viết về quá trình hình thành con người mới, xã hội mới với tất cả những ngổn ngang của nó. Điều quan trọng là tập hợp được lực lượng, không phải chỉ trong đội ngũ của mình, mà cả các nhà văn bên ngoài, để các nhà văn cùng tham gia thì mới phát triển tốt.

Các đại biểu tham dự Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

PV: Trong tư cách một Ủy viên BCH, mối quan tâm nhiều nhất với anh là gì?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi cho rằng, chất lượng sáng tác là điều cần quan tâm nhất. Còn những vấn đề khác sẽ dần dần khắc phục được. Chất lượng sáng tác của toàn hội đòi hỏi nỗ lực của từng hội viên, nhưng vai trò của BCH, những người tổ chức sáng tác rất quan trọng. Đặc thù lớn nhất văn học của chúng ta là có tổ chức sáng tác. Ngoài ra, việc kích thích sáng tác còn có cả các chương trình đầu tư của Hội, việc trao giải thưởng làm sao để khẳng định được giá trị mới trong giai đoạn hiện nay.

PV: Mảng đề tài Vì an ninh Tổ quốc đã đạt được nhiều thành tựu. Là đại diện duy nhất của LLVT trong BCH, anh có dành sự quan tâm đến việc mở rộng việc sáng tác cũng như tiếp tục khẳng định mảng đề tài này trong nền văn học?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tất nhiên là tới đây, sẽ có các hội đồng văn học, và sẽ có mặt các nhà văn Công an. Đó chính là những người trực tiếp tổ chức và sáng tác ở mảng đề tài này. BCH chắc sẽ liên hệ trực tiếp với Chi hội Nhà văn Công an để đẩy mạnh việc tập hợp lực lượng sáng tác, nhằm có được những sáng tác có chất lượng tốt hơn.

Đề tài Vì an ninh Tổ quốc là mảng đề tài rất hay, cần được coi trọng, đặc biệt là trong thời bình. Hơn nữa, đề tài này cũng còn đầy tiềm năng, cần được khai thác tốt nhất. Thực tế, các nhà văn viết về đề tài này đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng, khẳng định giá trị văn học của nó, bằng việc đi sâu vào vấn đề nuôi dưỡng mầm thiện trong con người, căn nguyên của tội ác, dưới góc nhìn thấm đẫm chất văn chương, chứ hoàn toàn không phải là viết về các vụ điều tra hay phá án, nên đã ít nhiều khẳng định được vị trí trong nền văn học nước nhà.

PV: Xin cảm ơn anh!

Dạ Miên (thực hiện)

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam: Vẫn gắn bó với những người làm công tác trẻ

PV: Là đại diện ít ỏi của các nữ nhà văn trong BCH khóa mới, chị có thể cho biết ưu tiên của mình trong nhiệm kỳ này là gì?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi cho rằng, để một người làm mãi một vị trí, nhất là chuyên trách về trẻ mãi, là không nên, vì trẻ thì phải đổi mới. Nhưng tôi vẫn gắn bó với những người làm công tác trẻ, nhận nhiệm vụ đứng cùng họ và sẵn sàng gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm để họ làm tốt.

PV: Chị có sáng kiến gì để có thể tạo bước đi mới khác với bước đi của Hội Nhà văn khóa trước?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Có thể sáng kiến của mình các cụ đã làm rồi, nhưng ở thời điểm hiện tại cứ coi như là sáng kiến cho phù hợp. Khi được phân công nhiệm vụ nào tôi cũng lập một bản lộ trình dự thảo và đưa vào những việc mình thấy cần thiết nhất để BCH quyết định.

PV: Chị có thể nói cụ thể hơn?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tăng cường đội ngũ làm công tác trẻ, tác động cho họ tâm thế cũng như vị thế để họ có khả năng giúp các tác giả trẻ. Tôi xác định các tác giả trẻ có nhiều đối tượng: những người trẻ đã vào Hội Nhà văn Việt Nam, những người trẻ có thể trở thành hội viên, những tác giả trẻ hoặc chưa nghĩ đến việc vào Hội, cũng có thể họ không bao giờ vào Hội, nhưng là những tác giả chững chạc mà mình hình dung ra tiến trình của họ, để giúp đỡ, động viên họ sáng tác, chia sẻ sáng tác.

Có thể là tổ chức các buổi tọa đàm mini, đưa lên các hệ thống truyền thông một cách chính thống, nhưng không thể định hướng cho họ và cũng không nên vội vàng phê phán những thử nghiệm cách tân. Ngoài ra, còn tổ chức xét giải, xét duyệt đầu tư hằng năm, đưa nhà văn đi thực tế, đi trại, tập hợp những cuốn sách để hội đồng xét giải, cùng với Ban hội viên xét kết nạp hội viên v.v…

Tới đây, chắc sẽ phải thay đổi nhiều, ví như kết nối với các nhà văn ở các địa phương để tổ chức các chuyến đi thực tế nhỏ lẻ, hay kết nối với các Hội VHNT địa phương, đưa một vài nhà văn viết về các vấn đề liên quan đến vùng miền đó, đến thực tế. Chắc chắn như thế sẽ tạo hiệu quả rất lớn, vì nhà văn sẽ có sức sáng tạo hơn khi họ được thực tế tốt.

PV: Chị cho rằng, không khí sáng tác của các tác giả trẻ hiện nay đã được chưa hay vẫn cần sự thúc đẩy?

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Đương nhiên là tôi chưa thấy hài lòng, vì cũng mới chỉ là manh nha. Nếu khơi gợi cho mọi người một không khí sáng tác mang tính chuyên nghiệp, mở rộng ngôi nhà thân thiện của Hội Nhà văn Việt Nam để các tác giả trẻ mạnh dạn bước vào và tiếp xúc với các nhà văn đi trước, với bạn bè, đồng nghiệp, để người ta có chất xúc tác, phấn khởi tự tin, tiếp bước trên con đường này, thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, đừng hình dung văn học như một ngày hội lớn, kể cả sân thơ trẻ, tưng bừng náo nhiệt đấy, vẫn rồi cứ là sáng tạo cá nhân. Vì dù có làm gì thì làm, cũng chỉ là tạo ra chất xúc tác lớn hay nhỏ, tác động đến người viết nhiều hay ít, để họ thu nhận và có được vốn trải nghiệm.

PV: Xin được cảm ơn chị!

PV
.
.
.