Tang lễ nhà thơ Hoàng Cầm được tổ chức trọng thể

Thứ Tư, 12/05/2010, 13:09
Trời chiều bỗng se se lạnh giữa những ngày đầu hè đang nắng chang chang, khi phút đưa thi sĩ Hoàng Cầm rời miền dương thế vào ngày 11/5.

Với những tác phẩm còn mãi với thời gian, Hoàng Cầm đã có những đóng góp không nhỏ cho thi ca đất Việt. Thay mặt các thế hệ nhà văn Việt Nam trong buổi tiễn đưa tác giả "Bên kia sông Đuống" về miền gió cát, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động đọc điếu văn nêu rõ: Điều đáng quý của Hoàng Cầm là ông đã vượt qua những hệ lụy, để giữ được tuổi thanh xuân của tài năng qua những tác phẩm như "Men đá vàng" (1989), "Mưa Thuận Thành" (1991), "Lá diêu bông" (1993) v.v… Như những người nông dân gieo mùa mới trên những cánh đồng cũ.

Hoàng Cầm trở lại hồn quê, làm mới nó bằng một cách cảm riêng, một tài năng riêng, khiến những vườn chanh, con chim bạc má, cho đến cả những đám vỏ ốc, bờ tre, những quần áo nâu sột soạt trở nên lạ lẫm, mới mẻ, độc đáo, như được sống một cuộc đời khác, tương thích với trực giác đang thăng hoa, với trái tim đa đoan của ông đang cất tiếng.

Hoàng Cầm viết về hồn Việt rất tự do, mới mẻ, hoàn toàn là giọng riêng của chính ông, làm cho người ta sững sờ trước những cái quen thuộc. Hoàng Cầm tinh chế những chất liệu cũ để tạo ra một ám ảnh, một quyến rũ, một thảng thốt mà người ta chỉ gặp trong mối tình đầu. Như những ngọn gió tìm đến cây sáo để thốt lên lời ca, Hoàng Cầm đã tìm đến thơ, đặc biệt là thơ, để bày tỏ những nặng lòng với cuộc sống, với đất Việt, với hồn Việt.

Và qua thơ, ông đã tạo nên những cơn địa chấn trong trái tim con người. Đó là thành công in dấu tài năng ông. Độc đáo mà tự nhiên, là mình mà cũng là tất cả. Hoàng Cầm đã bật nảy những dây đàn căng trong mỗi con người, hòa điệu và đắm say, một lần và mãi mãi. Giờ đây, nhớ lại tất cả, chúng ta bàng hoàng, cảm thấy đã mất đi một cái gì đó thân thiết và ấm áp không bao giờ lặp lại.

Năm 2006, Hoàng Cầm bước lên sân khấu Nhà hát Lớn, nơi công diễn Kiều Loan nửa thế kỷ trước để nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Với tất cả những gì đã cống  hiến cho đất nước, cho thơ ca dân tộc, giờ đây, thi sĩ tài hoa có quyền được yên nghỉ. Phía sau ông, sông Đuống vẫn nghiêng nghiêng mang thơ ông về với biển lớn. Đông đảo các nhà văn, bạn yêu thơ đã tiễn đưa nhà thơ Hoàng Cầm về an táng tại khu A nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội

Thanh Hằng
.
.
.