Tản Đà và những ngày ba mươi Tết

Thứ Bảy, 28/01/2006, 07:05

Nếu đời Tản Đà đã là một chuỗi giai thoại, những tết của Tản Đà có thể cũng là giai thoại Tản Đà. Nhân dịp đầu xuân “Đốt làn hương hỏi chuyện người ngày xưa”, chúng ta cùng tìm đến với những cái tết của Tản Đà.

Năm Nhâm Tý (1912) ấm Hiếu trượt thi Hương thành Nam, cuối năm về nhà một người quen là ông anh Nguyễn Tái Tích ở thành phố Nam Định. Ở đây ấm Hiếu đã dệt nên tình cảm thơ mộng với một nữ sinh tiểu học mới 13 tuổi. Vào ngày cuối cùng của năm Nhâm Tý, ngày ba mươi tháng chạp vẫn được gọi là ba mươi tết, nhà chủ về quê ăn tết, ấm Hiếu ở lại trông nhà và một kỷ niệm đẹp đã diễn ra. Tản Đà thuật lại:

“Trưa hôm ba mươi tết, nhà lan thanh vắng, xảy một người bạn cũng ngụ cư ở láng giềng đến đây chơi, 13 tuổi, tóc dở lòa xòa buông quá vai. Nhân tắm gội xong, thay quần áo sạch, cùng ra vườn sau hái hoa đào. Một người trèo lên cây hái hoa đưa một người đứng dưới cầm. Người nọ lên, người kia lại xuống, khách địa tha hương, giai nhân tài tử, đầu xanh mây biếc, người trắng hoa hồng, giời Nam ai vẽ bức Thiên Thai mà mỗi bên bước đi một”. Dưới bài ghi: “Nay kỷ niệm riêng một sự hái đào ấy là trưa ngày hôm ba mươi tháng chạp năm Duy Tân thứ 6 (bạn đọc chú ý: tháng chạp ngày ba mươi là thuộc Duy Tân thứ 6, còn tết lại là về năm Duy Tân thứ 7).

Ba mươi tết Kỷ Mùi (1919) nhà nhà náo nức mổ lợn gói bánh đón tết Canh Thân, đầm ấm gia đình sum họp một ngày cuối năm, Tản Đà lại đi ngược dòng đời, ra đi từ làng quê Khê Thượng:

Chơi xuân kể lại hành trình
Ngày ba mươi tết hứng tình ra đi…
Để rồi lại đến với một tết tha hương:
Từ Bất Bạt qua Việt Trì
Còn năm Kỷ Tỵ còn thì tiết đông
Canh Thân ăn tết Thăng Long
Sang ngày mồng bốn vào trong Trung Kỳ.

Tết Thăng Long, Tản Đà ở nhà ông phán Nguyễn Văn Xước ngõ Hồng Phúc, mồng bốn vào Trung Kỳ ăn tết với Bùi Huy Tín chủ nhân nhà in Đắc Lập ở Huế. Ở đây ta được thấy tính lãng tử của Tản Đà qua những vần thơ tự họa:

Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có cửa nhà thời không.
Nửa đời Nam Bắc Tây Đông
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly…

Năm Bính Dần, An Nam Tạp chí ra số 1 (tháng 7/1926), tòa báo đặt ở số nhà 52 phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn đoạn gần Cửa Nam). Sớm tinh mơ mồng một đầu năm Đinh Mão (1927), ai đi qua đoạn đường này đều phải ngước nhìn một lá cờ lớn màu vàng phấp phới ở tầng gác hai, trên cờ có hai chữ An Nam to màu trắng, hai chữ Tạp chí nhỏ ở dưới và một dấu đỏ hình ấn vuông “Tản Đà” chữ to.

Cái lá cờ ấy có phần đóng góp của bà vợ Tản Đà. Cả ngày ba mươi tết, bà tìm mua vải và cắt may theo chỉ dẫn của đức ông chồng tính khí khác đời… Hai chữ “An Nam” ông định múa bút viết đại tự… chữ quốc ngữ nhưng bà bảo vải trắng cắt chữ rõ hơn. Lá cờ được hoàn thành, nhà thơ bèn trải vải vàng lên bàn ghế, lấy cái màu vàng hoàng đế trang trí căn phòng nhỏ rồi mời vợ lên cùng đón giao thừa. Tiếng pháo nổ vang cả phố “đón mới tiễn cũ”, riêng Tòa báo An Nam không có pháo, cờ được treo lên, ông chủ báo ngông có tiếng ngất ngưởng với be rượu, khai bút mấy vần thơ:

Năm xưa tết nhất đã suông suồng!
Tết nhất năm nay lại quá tuồng!
Tiếng pháo nghe nhờ thiên hạ đốt
Cờ vàng dấu đỏ đế vương suông.

Lại là một đêm ba mươi tết tha hương, Tản Đà đón giao thừa ở Sài Gòn. Đó là vào năm Mậu Thìn (1928), Tản Đà cùng Ngô Tất Tố phụ trách trang “văn chương” trên tờ Đông Pháp Thời Báo của Diệp Văn Kỳ. Vào đêm giao thừa Mậu Thìn, Tản Đà có năm đồng bạc, thuê xe lôcaxông (xe taxi) đón ông bạn Tùng Lâm hết một đồng, đưa Ngô Tất Tố ba đồng tiêu tết, còn lại đúng một đồng, mua một lít rượu ba cắc còn ba cắc đưa Tùng Lâm mua thức nhắm. Tùng Lâm mua một chai Mai Quế Lộ và một con gà quay. Khi trở về, vì đứng xem một đám cãi cọ, Tùng Lâm bị cảnh sát “hót” về bót. Tản Đà chờ Tùng Lâm, đúng hơn là chờ thức nhắm, mãi không thấy về. Đồng hồ chỉ đúng mười hai giờ đêm, Tản Đà mở rượu uống suông. Trong bót, cũng giờ này, Tùng Lâm mở rượu Mai Quế Lộ nhắm với gà quay. Sớm mồng một, Tùng Lâm được tha về, đến nhà thấy ông bạn Tản Đà ngủ say bên hũ rượu rỗng, Tùng Lâm đánh thức bạn dậy, kể chuyện bị bắt “vơ đũa” cho bạn nghe rồi gõ chai đọc mấy câu thơ:

Cao hứng vì yêu bác Tản Đà
Một chai Quế Lộ một con gà.
Suốt đêm trừ tịch nằm trong bót
Nhớ lại buồn cười lúc tỉnh ra.

Tản Đà cũng gõ hũ rỗng, đọc mấy câu thơ Đái Thúc Luân đời Đường:

Lũy quán thùy tương vấn
Cô đăng độc khả thân.
Nhất niên tương tận dạ
Vạn lý vị quy nhân.
(Ngậm ngùi quán vắng tanh
Đêm khuya một bóng với mình là hai.
Đêm này năm cũ bước qua
Mà người muôn dặm đường xa chưa về)

Nguyễn Khắc Xương
.
.
.