Tấm lòng của một người Pháp với các liệt sỹ vô danh

Thứ Ba, 25/07/2006, 10:30

"Tôi là một người nước ngoài, tôi đến đây chỉ cầu xin điều duy nhất: hãy giúp tôi làm một bộ phim hay để thế giới biết các anh đã sống và hi sinh như thế nào" - Boris nói khi thắp những nén hương tại nghĩa trang Trường Sơn, bắt đầu thực hiện bộ phim "Những linh hồn phiêu dạt"...

Tối 24/7, vào lúc 20h, bộ phim tài liệu "Những linh hồn phiêu dạt" của đạo diễn người Pháp Boris Lojkine đã được phát sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Không lời bình, không có sự sắp đặt, bộ phim dẫn dắt người xem bằng những lời thoại của các nhân vật. Nó không chỉ thể hiện quan điểm của một người Pháp đối với cuộc chiến tranh tại Việt Nam, mà còn là sự am tường về những mất mát của bao người dân Việt ở ngay một chủ đề mà có lẽ không ít người trong chúng ta còn bỡ ngỡ, đó là đi tìm những liệt sỹ vô danh.

Phim bắt đầu bằng những nhát cuốc của hai cựu binh Thơ và Đoàn, tìm mộ của đồng đội tại Dốc Dầu, Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị. Và họ nhớ lại trận đánh năm ấy. Họ đi tìm những đồng đội của mình, bắt đầu từ năm 2004, khi bất ngờ tại một bụi tre ở Quảng Trị, người ta tìm thấy một thùng đại liên, trong đó có một cuốn sổ ghi lại tên, địa chỉ và ngày mất, địa điểm mất của những người lính. Và từ đó, những đồng đội cũ, người may mắn còn sống, người âm thầm nằm lại trên những cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn, sau 30 năm chiến tranh tàn, đã đi tìm nhau.

Thơ và Đoàn, hai người lính già, lặn lội trên những chuyến tàu, đi vào Trường Sơn, đi vào những chiến trường đã bị lãng quên, nơi cất giấu những người lính đã hy sinh chưa được biết đến. Họ chia đôi tai nghe headphone, cùng hát những bài ca về người lính. Họ trở về quá khứ, trở về với thời trai trẻ của mình, tắm lại dòng suối mà mình đã tắm trong cuộc chiến, tìm lại những ngôi làng ngày xưa mình đã đi qua. Nhưng những người đồng đội, họ tìm mãi mà vẫn chưa thấy...

Ông Đoàn nhìn lại mảnh đất ấy, ông nhớ người đại đội trưởng luôn đi đầu khi xung trận, người mỗi buổi chiều ngồi thổi harmonica cho chiến sỹ của mình nghe và ngã xuống ngay chiến hào, vào đúng thời khắc họ chiến thắng trong trận đấu đó. Thế nhưng, giờ đây, người đại đội trưởng ấy nằm đâu trong hàng vạn bia mộ những liệt sỹ chưa biết tên, được đánh số thứ tự và sơn trắng miệt mài giữa nghĩa trang Trường Sơn? Đó là một câu hỏi mà đến hôm nay, những người đồng đội của anh vẫn tiếp tục tìm câu trả lời...

Bà Trần Thị Tiếp, nhân vật chính của bộ phim, ở Việt Yên, Bắc Giang, người đàn bà tảo tần suốt một đời, nhưng suốt 40 năm chưa đêm nào thôi thao thức. Chồng bà, liệt sỹ Tống Ngọc Lưu, đã ra đi trong khu rừng nào đó tại Quảng Trị, nơi mà bốn chục năm sau, ở tuổi 60, bà đi tìm mãi, bà tìm theo tiếng gọi của tâm linh mà cũng chẳng tìm ra.

Tại nghĩa trang, bà chỉ còn trông chờ vào niềm tin tâm linh, bà nín thở để gieo quẻ xin âm dương, thốt lên mừng vì được sự báo ứng. Bà thao thức, bà kiếm tìm từ mờ tối đến sáng. Bà cầu khấn, bà hy vọng, mong chờ, bà gọi tên chồng bà trong đêm vắng, nhưng chồng bà vẫn im lìm đâu đó, giữa Trường Sơn.

Người đàn bà mất chồng khi tuổi mới 20, xa chồng cả một đời, giờ chỉ còn biết xin một nắm đất nghĩa trang, mang về Bắc Giang làm niềm tin để phụng thờ cho linh hồn chồng siêu thoát...

Có những người đồng đội đi tìm nhau, có những người vợ đi tìm chồng và cả người mẹ đi tìm con. Họ đến Trường Sơn. Họ mang theo niềm tin tâm linh nhiều hơn là những dấu vết thực địa. Họ đi và hy vọng. Để rồi, họ trở về, mang theo những nắm đất, với niềm tin mong manh rằng, hơi ấm người thân ẩn trong lòng đất ấy. Bởi nơi đó chiến tranh đã đi qua, nơi đó người thân yêu nhất của họ đã nằm xuống...

Bộ phim được làm theo lối trực tiếp, một thể loại phim tài liệu còn thiếu vắng tại Việt Nam. Không lời bình, tất cả chỉ là hình ảnh, tiếng động, những cuộc trò chuyện, tiếng tàu xe, tiếng nhạc... Có rất nhiều trường đoạn gây xúc động mạnh. Cuộc trò chuyện giữa bà Tiếp và người mẹ già chờ con tại gian thờ với khuôn hình mẫu mực như một bộ phim truyện, đẹp và thật nhiều cảm xúc. Cảnh bà Tiếp hờ khóc tìm chồng từ chập tối đến tảng sáng khiến bộ phim đạt đến cao trào và khiến không ít khán giả bật khóc...

Boris là tiến sỹ Triết học, đã tham gia giảng dạy tại Đại học Sorbone, Paris, nhưng anh đã rời bỏ nơi đó để đến với Việt Nam, làm những bộ phim tài liệu về chiến tranh. Với vỏn vẹn 6 tháng học tiếng Việt, nhưng để làm phim tài liệu, để giao tiếp được với nhân vật của mình, Boris đã học tiếng Việt tại đường phố và giờ anh nói tiếng Việt như... người Việt.

4 năm trước, Boris đã làm một bộ phim tài liệu nói về tình cảm của những cựu chiến binh Việt Nam mang tên "Những người còn lại". Nhưng sau khi phim hoàn thành, Boris mới nhận ra rằng, đó chưa phải là đề tài xúc động nhất. Và đề tài tìm mộ liệt sỹ đã nảy ra trong đầu anh từ đó. 4 năm theo đuổi đề tài với muôn vàn khó khăn, nhưng Boris vẫn đi đến cùng hành trình của mình.

Boris nói, khó khăn nhất với anh và người trợ lý Lê Tuấn Anh là tìm nhân vật. Họ đã chọn được một người mẹ già chờ con và đi tìm con, nhưng khi phim khởi quay thì bà đã mất. Vậy là họ lại rong ruổi tìm nhân vật. Bộ phim của họ được thực hiện như "nhật ký xe máy", bởi họ chỉ có hai chiếc xe làm phương tiện đi cả chục vạn cây số. Họ không có nhiều tiền, và Boris chỉ thích đi xe máy mà thôi. Anh làm bộ phim không phải vì ca ngợi chiến thắng, cũng không vì điều gì lớn lao, mà bởi đó là sự say mê tìm kiếm đến cùng những giá trị và để hiểu sâu hơn những số phận con người

Toàn Nguyễn
.
.
.