Nhạc sĩ Xuân Thủy và ca khúc “Nhớ Bác”:

Tấm gương và đạo đức của Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận

Thứ Ba, 12/05/2015, 08:20
Nghe ca khúc “Nhớ Bác” của nhạc sĩ Xuân Thủy, tôi chợt nhớ đến lời nhận xét về Người của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Bác Hồ là một người lão thực” (nghĩa là người rất mực chân thực).
Sự chân thực đến độ bình dị, giản dị đến không ngờ ấy chứa đựng tầm vóc lớn lao về tư tưởng, trí tuệ, lòng yêu thương con người và vạn vật cùng với đức hi sinh “nâng niu tất cả chỉ quên mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhân vật kiệt xuất.

Chọn cho mình một lối đi riêng, khi bắt gặp ý thơ của cố nhà thơ Tố Hữu thì cuộc gặp gỡ giữa âm nhạc và thi ca, thi sĩ và nhạc sĩ cùng sự kết hợp âm hưởng trữ tình với giai điệu hùng tráng đã tạo nên nét duyên cho ca khúc, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, niềm thương nhớ khôn nguôi vị Cha già dân tộc, lãnh tụ thiên tài và vĩ đại Hồ Chí Minh, ca khúc “Nhớ Bác” của nhạc sĩ Xuân Thủy ngay từ khi mới ra đời đã bắt được tần số cảm xúc, tình cảm thiêng liêng của muôn trái tim người Việt Nam dành cho Người, có lẽ vì thế đã chạm được tới miền sâu thẳm của tâm hồn con người.

Có ý kiến cho rằng, mỗi tác phẩm nghệ thuật là một thế giới riêng của tâm hồn người nghệ sĩ. Trong thế giới ấy, người thưởng thức cảm nhận hiện thực cuộc sống, con người qua cách nhìn, cách nghĩ suy của người sáng tạo ra nó. Như một sự mặc định về lòng kính yêu, niềm thương nỗi nhớ của cả dân tộc Việt Nam về Hồ Chủ tịch, cho nên, ra đời trong bối cảnh viết tác phẩm âm nhạc cho một kỳ hội diễn, ca khúc “Nhớ Bác” đã nhanh chóng hòa cùng dòng chảy xúc cảm với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác viết về Người.

Ca khúc là tiếng lòng của người con xứ Nghệ dành cho Bác Hồ muôn vàn kính yêu, chân thành mà sâu sắc, kính yêu và biết ơn, quyết tâm và tự nguyện đứng vào đội ngũ những nghệ sĩ - chiến sĩ, góp sức cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua ca khúc, vẻ đẹp của lòng nhân ái bao la, đức hi sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm một lần được khắc tạc và tỏa sáng.

Thượng tá, nhạc sĩ Xuân Thủy.

Giai điệu trữ tình, mênh mang mà da diết của câu hát “Bác ngồi đó giữa núi rừng mênh mông ngày ấy/Thuốc cháy trên môi như đốt cháy nỗi lòng/Điện Biên ơi gió cũng nặng mùi khói bom” đã đưa người nghe ngược dòng thời gian, đến miền Tây Bắc xa xôi và dừng lại ở Điện Biên, nơi cách đây hơn nửa thế kỷ là chiến trường ác liệt, là mảnh đất ghi dấu lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu anh dũng và sẵn sàng hi sinh của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc để làm nên chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”.

Còn nhớ, trên Báo Cứu quốc thời ấy có đăng lời Hồ Chủ tịch khi nói trước quốc dân, đại ý rằng: Bác chỉ có một ham muốn là nước nhà được độc lập, đồng bào ấm no, hạnh phúc, còn thú riêng của Bác thì chỉ muốn một gian nhà cỏ, cuốc vườn, câu cá, làm bạn với vầng trăng, chim hạc và mùa xuân… Thử hỏi có gì sâu sắc hơn, bao la hơn, nhân ái hơn cái “ham muốn tột bậc” ấy! Nhạc sĩ Xuân Thủy đã diễn tả thật thành công vẻ đẹp của hình tượng âm nhạc: “Bác ngồi đó giữa núi rừng mênh mông ngày ấy/Thuốc cháy trên môi như đốt cháy nỗi lòng”.

Giữa cảnh u tịch vắng vẻ của núi rừng, lòng Bác luôn đau đáu vận nước “Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” và thường trực một tình thương yêu: “thương đoàn dân công đêm ngày vượt núi, thồ đạn tiếp lương lên chiến trường/Thương người chiến sĩ mưa dầm cơm vắt, gan không núng chí không mòn/Thương đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn, dù gian khổ không sờn lòng son”.

Tính biểu đạt tạo nên sức hấp dẫn của ca khúc còn ở sự đan xen, giao hòa, khó tách bạch được giữa bi và hùng, giữa da diết và mạnh mẽ, tất cả làm nên tính chỉnh thể nghệ thuật của một khúc tráng ca kép về con người tuyệt đẹp Hồ Chí Minh, về những con người bình thường, bình dị nhưng anh hùng bất khuất biết mấy.

Người xưa nói: “đối diện đàm tâm”, nghĩa là mặt nhìn nhau, miệng không nói mà hai tâm hồn trò chuyện, như vậy là tinh vi lắm. Trong ca khúc “Nhớ Bác” không chỉ có người nghệ sĩ đối diện đàm tâm với tâm hồn mình mà còn là sự đồng điệu tâm hồn của tất thảy người Việt Nam yêu Bác, ơn Bác, nguyện làm theo Bác: “Ngày thống nhất Bác dù đã xa, nhưng trong tim ta vẫn vẹn nguyên, một khí phách, một tượng đài, một tấm gương còn soi sáng trong muôn triệu trái tim mãi mãi”.

Âm hưởng hào sảng, tươi tắn ở đoạn cuối ca khúc ngân vang đã mở lối cho tâm nguyện của nhạc sĩ Xuân Thủy “dâng câu hát lòng con, nguyện hát mãi, hát mãi ngàn năm ơn Người” dâng trào. Tâm nguyện ấy cũng là sự “đồng thanh tương ý, đồng khí tương cầu” của đội ngũ văn nghệ sĩ thành tâm dâng lên Bác lòng biết ơn, ý chí quyết phấn đấu làm theo lời Bác dạy, góp sức mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng để xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Mặc dù ca khúc được viết dành cho giọng nam cao, âm vực rộng, yêu cầu cao về kỹ thuật thanh nhạc đối với ca sĩ biểu diễn nhưng không vì thế mà làm mất đi cái mộc mạc, chân thực, cái da diết của một tấm lòng thành kính. Xúc cảm chân thành ấy, lòng kính yêu và niềm biết ơn sâu sắc một con người vĩ đại, đã hi sinh cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân đã hòa quyện trong âm hưởng vừa trữ tình vừa rắn rỏi, hùng tráng của nhạc hành khúc đã để lại sự lắng đọng trong lòng người. Và ta hiểu rằng khi chất người cộng sản Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người là niềm giác ngộ cao nhất của mỗi tâm hồn thì “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, sinh năm 1970, quê quán: Hà Tĩnh, hiện là Thượng tá, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Các tác phẩm và những giải thưởng: Mảng ca khúc: Hành trang người lính hát (Giải C, Giải thưởng Văn hóa – Nghệ thuật - Báo chí 1999-2004 – Bộ Quốc phòng); Chiến sĩ khỏe (Giải tư cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 2004); Bước chân người lính (Giải B Liên hoan đơn ca và ban nhạc do Tổng cục Chính trị QĐND tổ chức năm 2000).

Ngoài ra, các ca khúc: Khát vọng bầu trời, Lính trẻ trên quê hương Bác, Lính nhà giàn, Đến với Trường Sa, Phố đảo, Hạ Long thần tiên, Cửa Lò biển hẹn, Lời con muốn nói, Chuyện tình Mị Châu (viết cho dàn nhạc giao hưởng, tứ tấu đàn dây; tam tấu bộ gõ; sonate cho piano); Nguồn sáng, Bà mẹ Vân Kiều, Con đường huyền thoại… (nhạc cho múa) các tác phẩm này đã đoạt Huy chương vàng, bạc trong các hội diễn nghệ thuật toàn quốc.

Phạm Hoa Quỳnh
.
.
.