Hội thảo khoa học quốc tế về Nguyễn Du:

Tầm cao tư tưởng và chiều sâu chủ nghĩa nhân đạo

Chủ Nhật, 09/08/2015, 00:07
Ngày 8/8, tại Hà Nội, hội thảo khoa học quốc tế “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) đã diễn ra tại Hà Nội.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành và hơn 100 các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại. Di sản văn hóa của Nguyễn Du thuộc về hiện tại và tương lai. Di sản ấy đang góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của dân tộc, của mỗi người dân hôm nay.

Đặc biệt, Truyện Kiều không ngừng lan tỏa và được khám phá trên nhiều phương diện. Nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hòa hiếu, hướng tới tương lai. Vì thế, mong muốn các nhà khoa học làm sáng tỏ hơn những giá trị to lớn trong di sản văn hóa của Nguyễn Du. Đặc biệt, có những kiến giải mới về chiều sâu tư tưởng, giá trị nhân đạo và tinh thần khoan dung văn hóa, khát vọng tự do, cắt nghĩa sâu xa của Nguyễn Du từ tầm nhìn hiện đại và nhãn quan khoa học.

Ấn bản của Truyện Kiều được phát hành trong dịp này. Ảnh: Lan Nguyên.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ngoài việc khẳng định, tôn vinh tài năng và những đóng góp to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học, văn hóa Việt Nam và nhân loại, hội thảo còn là nơi gặp gỡ của các nhà Kiều học và Nguyễn Du học, nơi thể hiện những tiếng nói đồng cảm, đồng lòng, đồng vọng về những giá trị tinh thần mà Nguyễn Du trao gửi cho hậu thế, là dịp mở rộng giao lưu, quảng bá các giá trị tinh hoa của văn học cổ điển Việt Nam, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Nguyễn Du là tác giả đỉnh cao của văn học Việt Nam truyền thống, mang tinh thần nhân văn vượt biên giới và vượt thời đại, là hiện tượng có ý nghĩa lớn của giao tiếp văn hóa.

Hơn 100 tham luận của các học giả ở trong và ngoài nước, như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc… đã làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến 2 chủ đề lớn là cuộc đời, sự nghiệp, thơ chữ Hán Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Du là vấn đề được đặt ra trước tiên và được nghiên cứu sâu, nhất là những sự kiện liên quan đến chuyến đi sứ của Nguyễn Du.

Trong một giả thiết về cuộc hành trình năm 1813-1814, tác giả Mohira Munchiro (Nhật) cho rằng, Nguyễn Du đã viết “Nhạc vũ mục huỳnh” ở Hà Nam chứ không phải ở Lâm Am như nhiều người vẫn nghĩ. Với 20 bài thơ trong “Bắc hành tạp lục”, tác giả Hoàng Khôi giả định: Nguyễn Du còn một hành trình khác ngoài hành trình đi sứ mà chúng ta chưa phát hiện được.

Đại biểu CH Séc đọc tham luận về việc dịch Kiều ra tiếng Séc. Ảnh: Lan Nguyên.

Phát hiện ý nghĩa của các nhà khoa học tại hội thảo lần này là, Nguyễn Du đã hiện lên rõ nét hơn trong tư cách một nhà tư tưởng, một nhà lý luận: Nguyễn Du có nhiều nhận thức mới mẻ so với thời đại ông, đặc biệt là “vấn đề nhận thức và giải ảo Trung Hoa”, khi “Nguyễn Du không coi cuộc đi sứ là một vinh hạnh, mà chỉ là một cuộc đi về phía Bắc... Việc phát hiện ra thực tại khốn khổ, tang thương ở Trung Hoa trong những lần đi sứ đã giúp Nguyễn Du có cái nhìn tỉnh táo, giải thiêng chế độ phong kiến mạt kỳ”.

Thanh Hằng
.
.
.