Tài trợ làm liveshow thời “gian khó”: Méo mó có hơn không?

Thứ Năm, 27/03/2014, 13:05
Việc khó tìm kiếm được nhà tài trợ chấp nhận đầu tư kinh phí trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay là nguyên nhân khiến ít cá nhân, đơn vị dám mạo hiểm làm chương trình. Nếu vài năm trước, doanh thu được trông chờ vào nhà tài trợ thì hiện nay, tiền bán vé được coi là nguồn doanh thu chủ yếu...

Trong buổi công bố chuẩn bị đưa chương trình ca nhạc thời trang “Duyên dáng Việt Nam” lần thứ 27 về Đà Nẵng tổ chức vào ngày 27 và 28/3 tới đây, đạo diễn Tất My Loan, người được Ban tổ chức tín nhiệm giao vai trò làm Tổng đạo diễn chương trình lần này tự trào mà rằng: Tôi ví mình như Tổng Giám đốc nhưng là Tổng Giám đốc xoay xở. Lý do là kinh tế khó khăn, tài trợ ít nhưng càng đòi hỏi chương trình phải hay thì mới thuyết phục được khán giả mua vé. “Duyên dáng Việt Nam” lần thứ 27 lại không theo lối cũ, không phải làm chương trình quy mô nhỏ trong khán phòng vài trăm người với cách “kể chuyện” trữ tình mà làm trong không gian rộng. Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng có sức chứa đến 6.000 người. Rộng quá nên “dễ loãng”. Không thể sử dụng sân khấu hộp thông thường, những người làm chương trình phải tính đến sân khấu 360 độ, không gian sân khấu mở rộng để diễn viên, người mẫu có thể tiếp cận khán giả ở nhiều góc độ và cự ly gần. Làm được điều này, ê kíp thực hiện bắt buộc phải sử dụng đến các hiệu ứng hỗ trợ trong khi kinh phí đầu tư theo kiểu “cắt giảm tối đa” của nhà sản xuất nên đã khó càng thêm khó.

Ông Nguyễn Công Khế, người “khai sinh” và dẫn dắt chương trình từ trước đến nay chia sẻ một thực trạng khá ảm đạm: Người xem có thể thấy khá nhiều logo của các nhà tài trợ nhưng không hẳn tài trợ bằng tiền. Giúp đỡ về khách sạn, ăn ở đi lại cũng là tài trợ. Thực tế, việc khó tìm kiếm được nhà tài trợ chấp nhận đầu tư kinh phí trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay là nguyên nhân khiến ít cá nhân, đơn vị dám mạo hiểm làm chương trình. Nếu vài năm trước, doanh thu được trông chờ vào nhà tài trợ thì hiện nay, tiền bán vé được coi là nguồn doanh thu chủ yếu...

Không giống chương trình “Duyên dáng Việt Nam” lần thứ 27, đêm nhạc “Những sớm mai Việt Nam” và 3 đêm nhạc “Chiếc vòng cầu hôn” của Đàm Vĩnh Hưng tại TP HCM (ngày 20/3), Hà Nội, Đà Nẵng không nhằm tìm kiếm doanh thu từ bán vé. Nếu “Chiếc vòng cầu hôn” được tuyên bố là chương trình tri ân của Đàm Vĩnh Hưng với người hâm mộ khi ủng hộ anh tranh giải Bài hát yêu thích thì “Những sớm mai Việt Nam” là chương trình kỷ niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trở thành điểm hẹn của hàng vạn người yêu thích nhạc Trịnh, chương trình được tổ chức với quy mô lớn, có sự xuất hiện của khá nhiều ngôi sao lớn, lại phục vụ miễn phí nên kinh phí đều trông chờ vào nhà tài trợ. Nhưng trong hoàn cảnh “người khôn của khó”, sự “gồng gánh” quá sức đến khiên cưỡng các logo của nhà tài trợ làm hằn lên những ấn tượng không hề đẹp về chương trình. Thế nên, thật khó có thể không hoài nghi về một chương trình “sạch” dù chỉ ở mức tương đối trong những trường hợp làm chương trình phục vụ miễn phí theo cách nói trên

N.H.
.
.
.