Tài năng và đức độ của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp

Chủ Nhật, 13/04/2008, 13:20
Căn nhà của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp ở số 14 Hoàng Văn Thái đã lâu cửa đóng, then cài. Đã lâu Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp gần như tạm trú ở Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Mới đây thôi, Tết Mậu Tý, ông còn tổ chức sinh nhật tuổi 80, các bạn thời học sinh trường Bưởi giờ đã lên lão, móm mém răng lợi, vẫn chống gậy đến dự sinh nhật ông, cười nói tao mày như thuở hàn vi. Thế mà bây giờ, người chỉ huy của Mặt trận Tây Nguyên, lão tướng lẫy lừng một thuở giờ nằm lặng yên trong căn phòng trắng toát, hơi thở nặng nhọc xanh xao.

Chỉ còn đôi mắt là biết nói, đôi mắt chịu đựng, ẩn chứa bao nỗi u hoài của một lão tướng trận mạc vào sinh ra tử. Nhưng cho đến 10h30' ngày 11/4/2008, đôi mắt ấy cũng đã vĩnh viễn khép lại mất rồi, kết thúc một chuỗi ngày khó khăn giành giật giữa sự sống và cái chết.

Chỉ cách đây mấy hôm, khi tôi đến bệnh viện thăm ông, bà Nguyễn Thị Quý, vợ Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, đôi mắt hoe đỏ nói với tôi trong nỗi xót xa: "Cháu ơi, ông vừa mổ xong yếu lắm, đang phải mở nội khí quản để thở. Ông biết hết, hiểu hết nhưng không nói được nữa rồi. Cháu đến tìm anh Lê Hải Triều, anh Triều đang nắm giữ toàn bộ tư liệu về cuộc đời hoạt động và chiến đấu của ông. Anh Triều sẽ kể cho cháu nghe tất cả. Có những điều ông chỉ nói được với Triều mà không nói với bà. Có những buồn vui, chia sẻ mà chỉ có Triều mới cảm thấu lòng ông được. Họ là đôi bạn thân của nhau từ chiến trường cho đến hôm nay. Cháu cứ đến đó, khắc Triều sẽ nói”.

Tôi tìm đến Đại tá Lê Hải Triều, tác giả của các bộ hồi ký của một loạt tướng lĩnh gần đây, trong đó nổi bật nhất là "Ký ức Tây Nguyên" của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp vừa tái bản lần thứ 4. Người được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp tin cẩn giao cho 40 cuốn sổ tay công tác ghi chép liền mạch từ năm 1965 cho đến kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

40 cuốn sổ tay ghi chép tỉ mỉ từng giờ, từng phút, từng ngày một những sự kiện, công việc xảy ra trong mỗi một ngày được viết liền mạch trong 10 năm lăn lộn ở chiến trường Tây Nguyên của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Ông đã trao cho người bạn cách nhiều thế hệ, một người bạn thân thiết hiếm có giữa một người cấp tá, nhỏ tuổi hơn nhiều với một vị tướng dày dạn về tuổi đời lẫn kinh nghiệm trận mạc ở chiến trường để người bạn trẻ ấy thể hiện lại cái ký ức Tây Nguyên bi tráng trong đời lính của một vị tướng.

"Ký ức Tây Nguyên" là cuốn hồi ký tướng lĩnh đầu tiên mà Đại tá Lê Hải Triều chấp bút, để sau này làm tiền đề cho một loạt các hồi ký tướng lĩnh khác. Và đây là một cuốn hồi ký rất thành công của Lê Hải Triều, và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Cuốn sách được tái bản nhiều lần và có được lượng bạn đọc đông đảo.

Sự thành công ấy là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách làm việc khoa học, tỉ mỉ, thông minh và sắc sảo của một vị tướng trí tuệ mẫn tiệp trong suốt những năm tháng tham gia trận mạc. Rung động và thấu hiểu, người lính trẻ tuổi hơn cũng trưởng thành từ chiến trường Tây Nguyên đã làm nên những trang hồi ký sống động, ngồn ngộn chất liệu thực tế...

Lê Hải Triều gặp Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp lần đầu tiên vào năm 1968, trong một lần anh được phong tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ (trận đó anh diệt được 17 tên lính Mỹ) cùng với đoàn Dũng sỹ diệt Mỹ lên Mặt trận Tây Nguyên gặp mặt Tướng Hiệp lúc này là Chủ nhiệm chính trị Mặt trận Tây Nguyên.

Lê Hải Triều nhớ lại: Lúc đó, trông bác Hiệp rất thư sinh, dáng người cao dong dỏng, gương mặt rất đẹp. Bác nói chuyện với đoàn chúng tôi khoảng 15 phút. Giọng nói của bác trầm ấm, có tính thuyết phục cao. Câu chuyện của bác rất dí dỏm, hài hước, bác hay pha trò. Khi bình luận về một vấn đề gì đó, bác rất sắc sảo. Bác biết nhiều ngoại ngữ, tiếng Pháp và tiếng Nga rất giỏi. Sau này, càng sống gần bác, được tiếp xúc và làm việc với bác Hiệp, càng thấy bác không phải là một vị chỉ huy bình thường, mà ở bác đầy sức thuyết phục bởi lòng dũng cảm, tình yêu thương đối với những người lính nơi trận mạc.

Bác Hiệp là người giữ chức Chính ủy Bộ Tư lệnh tiền phương trong một loạt các chiến dịch Đak Siêng, Chiến dịch Xuân 1969, Chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh, và đặc biệt nhất là chiến dịch nổi tiếng đánh Sư đoàn kỵ binh bay số 1 - một đơn vị mạnh nhất của lục quân Mỹ ở Tây Nguyên vào tháng 11/1965.

Trong cuốn hồi ký của mình, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã có những dòng tự sự ghi chép trong cuốn sổ tay công tác ngay sau trận đánh: "Trên đường trở về Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tôi suy nghĩ và tự rút ra cho mình một điều: Tất cả mọi chiến thắng ở chiến trường, mọi kỳ tích anh hùng trước hết và trực tiếp đều do những người chiến sỹ binh nhất, binh nhì, những người cán bộ phân đội làm nên dưới sự lãnh đạo vững mạnh của các tổ chức Đảng mà nổi bật là vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên... Đối với những người lính Mỹ được ném vào cuộc chiến ở thung lũng Ia Đrăng may mắn thoát chết, họ chắc không thể nào quên trận đánh đẫm máu ấy với những đường lê sáng quắc của người chiến sỹ Tây Nguyên".

Chính quan điểm, cách nhìn nhận thấu đáo về vai trò của những người lính binh nhất, binh nhì trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường mà Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp thương yêu lính, đồng cam cộng khổ với lính mà không có một sự phân biệt giữa người chỉ huy và lính chiến.

Ông sinh hoạt cùng anh em, hành quân trèo đèo lội suối cùng những người lính. Mỗi một ngày, chế độ của lính là 1,5 lạng gạo, còn lại là độn khoai, sắn, ngô, rau củ. Sinh hoạt cùng lính, ăn cùng với lính, bữa cơm của ông cũng đạm bạc như những người lính. Chế độ bồi dưỡng của người chỉ huy có khác hơn chăng ở mấy hộp sữa, cân đường và số đạn thể thao. Người lính cần vụ nhận số đạn thể thao ấy và vào rừng săn chim, thú để cải thiện bữa cơm cho người chỉ huy.

Chế độ bồi dưỡng hơn chỉ có vậy thôi. Nhưng hầu hết, số đường sữa ông Hiệp để dành không ăn. Mỗi lần đến thăm lính, thấy ai đau ốm, sốt rét, hay vết thương nặng, ông đều sai cần vụ lấy phần đường sữa của mình nhường cho anh em bồi dưỡng. Có trận đánh giữ chốt năm 1973, đích thân ông Hiệp đã ra tận chốt giữa trận địa nằm ngủ một đêm cùng với những người lính ở trên chốt trong khi đó tình hình chiến trường rất khốc liệt. Những hành động dũng cảm, ân cần đầy tình thương của ông Hiệp khiến cho anh em binh lính yêu quý ông, tâm phục, khẩu phục.

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã cùng với cấp trên của ông và những đồng sự gần gũi, động viên lính vượt qua khó khăn gian khổ, vượt qua thử thách, bám trụ chiến trường. Trong cuốn sổ tay ghi chép của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp hồi đó, ông chép lại những bài thơ, những câu ca, kể về cái khổ, cái thiếu của bộ đội nhưng bao hàm tinh thần lạc quan của những người lính.

Trong đó có bài ca ống coóng của nhà thơ Thanh Thảo: "Bài ca của chúng tôi/ Là lời ca ống coóng/ Hành trang quân giải phóng/ Đơn giản nhất trên đời/ Tháng năm sẽ dần phai/ Bao bài ca duyên dáng/ Nhưng tôi biết từ đây/ Như khắc vào đá tảng/ Như vạch vào thân cây/ Bài ca của hôm nay/ Thô sơ và rực sáng".

Hay như: "Những chiếc võng mục giữa rừng nguyên thuỷ/ Còn ôm bạn ta cơn sốt rét cuối cùng/ Những lán hầm nửa đêm mưa xối xả/ Giấc ngủ vùi bên nhau khô ướt mấy mươi lần".

Trong cuốn "Ký ức Tây Nguyên", Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp cũng dành nhiều trang để nói về những vườn sắn của bộ đội. Khắp chiến trường Tây Nguyên hồi đó chỗ nào cũng thấy hình ảnh cây sắn và những câu chuyện về cây sắn. Những năm thiếu đói ở Tây Nguyên, mặt trận quy định mỗi người lính phải trồng 500 gốc sắn. Đó là chỉ tiêu bắt buộc. Theo chỉ tiêu đó, sắn dường như được độn thổ, đồng loạt nảy mầm, xoè tán khắp Tây Nguyên.

Theo thống kê của các đơn vị lúc bấy giờ thì toàn Tây Nguyên có chừng trên 20 triệu gốc sắn. Những câu chuyện về sắn trong bộ đội Tây Nguyên lúc ấy thật nhiều.

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã ghi lại trong sổ ghi chép của mình những ký ức Tây Nguyên đầy ám ảnh. Chuyện kể rằng có một đơn vị sau này hành quân qua Tây Nguyên, thấy có nương sắn già, gốc thân như cây cổ thụ mà chẳng có ai thu hoạch. Hỏi, dân địa phương trả lời đó là nương sắn của bộ đội trồng hồi bảy mươi.

Lại hỏi sao không nhổ, không thu hoạch đi. Trả lời, đợi bộ đội về mà mãi chẳng thấy. Thì ra theo chủ trương của mặt trận lúc ấy thì bộ đội đi đến đâu phải trồng sắn đến đó; mai hành quân di chuyển đơn vị, hôm nay cũng phải trồng sắn để người sau, đơn vị sau đến có cái ăn. Nương sắn này đã bị quên lãng vì địa bàn ấy không đơn vị nào qua, hoá thành "nương sắn cổ thụ".

Và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã chép bài thơ ông đọc được của ai đó về vườn sắn Tây Nguyên: "Bọn tôi tới những nơi tưởng không có hơi người/ Thì nương sắn lại hiện ra xoè lá vẫy/ Sắn rồi sắn, cứ biếc lên như vậy/ Khắp một vùng lũng hẹp, dốc cao/ Như là sắn của trời cho, muốn dỡ, có sao đâu/ Dỡ để luộc, dỡ để gùi, được tất/ Một trung đoàn ư? Một sư đoàn ư? Thả sức!/ Đây nồi sắn Thạch Sanh mà, không thể hết, đừng lo!/ Vào đây lần đầu xin bạn nhớ cho/ Có thói quen của người đi trước ta để lại/ Dỡ một gốc hãy trồng thêm mấy gốc/ Gặp bom phạt cây nào, nhặt cành gãy, trồng thay/ Bọn tôi đi vào những rừng sắn ở đây/ Cây mới nhú mầm, cây đã tầm tay với/ Đội ngũ sắn cũng có nhiều lứa tuổi/ Cũng như là trong đội ngũ chúng ta".

Tất cả những ký ức về Tây Nguyên ấy luôn trở đi trở lại trong trái tim của vị tướng già Đặng Vũ Hiệp. Cuộc đời của người lính vào sinh ra tử lẫy lừng là thế, cái chết kề bên cũng không lung lạc sức mạnh chiến đấu của ông, thế nhưng về già, những năm tháng cuối đời, trái tim kiêu hãnh của ông đã tưởng chừng không đập qua được nỗi đau tận cùng sau cái chết thương tâm của người con gái mà ông vô cùng thương quý. Cú sốc lớn về tinh thần khiến ông quỵ ngã.

Đại tá Lê Hải Triều kể rằng, khó khăn lắm ông mới gượng qua được nỗi đau. Những ngày đó, ông lặng lẽ, thẫn thờ nhốt mình trong phòng làm việc. Anh Triều đến thăm ông, lần nào cũng thấy ông cầm trên tay cuốn "Ký ức Tây Nguyên". Anh Triều đến, ông mừng lắm, mắt ông ánh lên nụ cười. Cả buổi trò chuyện ông chỉ nhắc đến Tây Nguyên, nói về Tây Nguyên.

Lâu lâu, ông lại thủ thỉ với anh Triều: "Triều ơi, những lúc nào buồn, mình lại giở "Ký ức Tây Nguyên" ra đọc”.

Rồi gượng qua được nỗi đau, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp tham gia Chủ tịch Hội chất độc điôxin. Đó là giai đoạn giúp ông thoát khỏi nỗi đau, sự mất mát của riêng mình để tham gia công tác xã hội, giúp đỡ những nạn nhân đang phải chịu nỗi đau đớn bất hạnh do chất độc điôxin mang lại.

Nhưng số phận tai ương cứ như ập xuống cuộc đời những người lính này. Đến lượt đứa con trai duy nhất của Đại tá Lê Hải Triều bị ung thư rồi mất khi mới 16 tuổi, thêm một lần nữa, vị tướng già suy sụp trong nỗi đau của người bạn thân ông thương quý nhất. Liên tiếp những cú sốc tinh thần đã làm cho trái tim của người lính già yếu đi, rơi vào những nhịp đập mệt mỏi và thắc thỏm.

Ông ốm nhiều hơn, sức khỏe suy sụp không cưỡng nổi. Và giờ đây, ông đã nhẹ gót trần ai bước vào cõi vĩnh hằng, đã cởi bỏ mọi ràng buộc dương gian để đến một nơi thanh tịnh.

Huyền thoại Tây Nguyên, ký ức và những trận đánh máu lửa của ông vẫn mãi còn, chỉ có chủ nhân là không trở lại. Cầu mong ông an lạc trong cõi vĩnh hằng ấy

Lê Thị Thanh Bình
.
.
.