Tài năng không nên bị động

Thứ Sáu, 21/04/2006, 13:12

Đã làm vua ai cũng mong có hiền thần. Đúng như trong huyền tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã kể, để "Lê Lợi vi quân" thì rất cần những "vi thần" như Nguyễn Trãi. Sách sử còn ghi, các đời vua nhà Lê, những đấng minh quân biết trọng dụng hiền tài đều mang lại cho đất nước những đổi thay tốt đẹp.

Vua Lê Thái Tổ trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đã biết tụ nghĩa tất cả những anh hùng hào kiệt đương thời "đem hết của nhà hậu đãi tân khách" (lời bàn của Đại Việt sử ký toàn thư), dẫu rằng khi đó "nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm" ("Bình Ngô Đại cáo" - Nguyễn Trãi).

Còn danh sĩ Bắc Hà Thân Nhân Trung năm 1442, đời vua Lê Thái Tông, trong bài bia ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhân Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba phụng mệnh vua đã cho khắc vào tấm bia đặt trong Văn Miếu Quốc Tử Giám câu danh ngôn bất hủ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"...

Cũng trong bài văn ghi trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên của nước Việt, Thân Nhân Trung còn ghi: "Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì thế, cái ý tôn trọng họ thật là vô cùng, nên đã ban ân sủng bằng khoa danh, lại gia thêm tước trật, ơn ban cho đã lớn, vẫn cho còn chưa đủ...".

Những lời này không chỉ là riêng ý của Thân Nhân Trung mà chính là tinh thần của vua Lê Thái Tông (trị vì từ năm 1334 tới 1442). Đây là người "nối theo nghiệp lớn, mở rộng nếp xưa, xem xét văn hóa con người, thành công trong việc giáo hóa thiên hạ, lấy việc sùng Nho trọng đạo làm đầu, tìm tòi trân trọng hiền tài làm chước tốt. Ngài nghĩ rằng, mở khoa thi kén chọn kẻ sĩ là làm việc trước tiên trong phép trị nước. Tổ tiên cơ đồ, mở mang giáo hóa thịnh trị, chính là ở việc này. Sửa sang và xây dựng chính trị, dạy dân những phong tục hay cũng là nhờ đó. Các bậc đế vương ngày xưa làm nên sự nghiệp thịnh trị, không ai không bắt đầu từ đấy" (đây cũng là nhận xét của Thân Nhân Trung về đấng minh quân của ông, khắc ở tấm bia năm 1442).

Chính vì tuân thủ theo những "nguyên tắc vàng" như thế nên những năm vua Lê Thái Tông ngự trên ngôi đã giúp cho nước Việt có được những sự phát triển xán lạn. Lời bàn của Đại Việt sử ký toàn thư về vua Lê Thánh Tông cũng phải trầm trồ: "Vua là bậc hùng tài đại lược, quyết đoán chủ động. Khi mới lên ngôi, nghiền ngẫm tìm phương trị nước, đặt chế độ, ban sách vở, chế tác lễ nhạc, sáng suốt trong chính sự, thận trọng việc hình ngục, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đổi thay tốt đẹp...".

Có lẽ vì thế nên nói chung, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất cứ một chính thể nào nếu không muốn suy vong đều cố gắng chiêu mộ nhân tài. Không cứ minh quân mà ngay cả những thủ lĩnh mà trí lự không lấy gì làm xuất chúng cũng hiểu rằng, không có hiền tài thì không thể làm nên sự nghiệp. Tục ngữ có câu: "Không thầy đố mày làm nên".

Nhìn từ một góc độ nào đó, những bậc hiền tài vừa là quần thần vừa là thầy học của các "chủ xị". Và một tài năng đích thực thì không bao giờ để mình rơi vào thế bị động, xa lạ với thời mình đang sống. Trần Quốc Toản tự mình tìm đến bến Bình Than, tự giương cao lá cờ thêu sáu chữ vàng để hiến dâng thân mình cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống giặc Nguyên Mông... Nguyễn Trãi đã chẳng tự tìm đường vào đất Lam Sơn để dâng sách diệt giặc Minh cho Lê Lợi hay sao?! Rồi bao nhiêu kẻ sĩ đời xưa đã không nề hà những vất vả, sôi kinh nấu sử, vượt qua mọi lận đận trường thi để mong có ngày đỗ đạt, được quốc gia tin dùng...

Tài năng không thể bị động khoanh tay thúc thủ ngồi chờ được vời, được gọi... Những tài năng đích thực thường rất chủ động và bằng những nỗ lực, phấn đấu cá nhân góp phần cùng xã hội tạo dựng nên những cơ chế mới tốt đẹp hơn. Sự thực là, đôi khi những giọng kêu ca to tát nhất về việc tài năng không được trọng dụng lại chỉ xuất phát từ những người thường là vừa kém tài vừa kém đức.

Có ngẫu nhiên mà đức Khổng Tử ngày xưa đã có lần thốt lên rằng, kẻ ngốc luôn than phiền là thiên hạ không hiểu hắn, còn người thông thái lại cứ tự trách là mình không hiểu hết được người...

Ngay cả khi bị lâm vào những cảnh khốn cùng, những tài năng đích thực cũng vẫn lạc quan. Đến như Lý Bạch ngay cả khi sa cơ lỡ vận, mịt mù chè rượu, vẫn còn giữ được niềm tin "Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng" (Trời sinh ta ắt có khi dùng)...

.
.
.