Tái hiện một phần lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 26/01/2015, 10:06
Từng thành công trong nhiều phim về chiến tranh như “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại”, “Đường lên Điện Biên” với hàng loạt giải thưởng, giờ đây, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mạnh dạn làm phim về đề tài Bác Hồ.

“Thầu Chín ở Xiêm” là bộ phim do Bộ VH-TT&DL đặt hàng, tái hiện thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan năm 1928 - 1929, khoảng thời gian gần nhất trước sự kiện thành lập Đảng ngày 3-2-1930. Bộ phim sẽ được chiếu trên cả nước trong Tuần phim kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng 3-2-2015. Để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về bộ phim, PV Báo CAND trò chuyện với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (ĐD BTD):

+ Đề tài về Bác Hồ không dễ làm khi đã có nhiều đạo diễn thành công. Vậy, lý do nào để anh chọn làm đạo diễn phim “Thầu Chín ở Xiêm”?

ĐD BTD: Đây là kịch bản của tác giả Đinh Thiên Phúc giành giải nhất trong cuộc thi sáng tác để hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tôi được Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam chọn làm đạo diễn. Làm phim về một vị lãnh tụ mà tôi luôn kính trọng, là niềm tự hào của tôi. Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một thách thức với bất kỳ đạo diễn nào, nhất là đạo diễn trẻ như tôi, nhưng bù lại, tôi lại được nhiều đạo diễn lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và có uy tín giúp đỡ như NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, hay sự cố vấn  của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW.

+ Chọn diễn viên vào vai Nguyễn Ái Quốc luôn là một áp lực với đạo diễn. Nhưng lý do nào để anh lựa chọn diễn viên Xuân Trường vào vai Thầu Chín - tên của Bác Hồ hồi ở Thái Lan?

ĐD BTD: Tôi không chọn diễn viên vì sự tương đồng hình thức với nhân vật, mà điều quan trọng là diễn viên phải hiểu được Bác Hồ là ai, nắm bắt được phong cách của nhân vật, từ đi, đứng, ăn nói, suy nghĩ… để nhập vai hoàn toàn, mới có thể bộc lộ được tâm tư, tình cảm của vai diễn. tôi chọn Trường vì cậu ấy có đôi mắt sáng, giàu biểu cảm, bởi thần thái phải được toát ra từ đôi mắt. Tôi có thói quen không cho diễn viên xem kịch bản, hoặc có khi chỉ cho xem một phần kịch bản, nhưng không cho diễn viên biết cái kết. Khi chọn Mạnh Trường, tôi đã phải trò chuyện với cậu ấy cả năm để thuyết phục, động viên. Diễn viên không thấy được mình giống nhân vật, nhưng đạo diễn được xem nhiều tư liệu và ảnh về Bác, trong đó, có cái chưa công bố, nên tôi biết thần thái Trường có thể làm được. Tôi muốn bộ phim khác đạo diễn trước làm. Tôi không dán râu cho Bác Hồ, tôi không làm tuồng.

Cảnh trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”.

+ Trong phim, có nhân vật o Hoàn xinh đẹp rất cảm mến Thầu Chín. Anh có thể nói thêm về nhân vật này?

ĐD BTD: Đây là nhân vật tưởng tượng. Một người như Nguyễn Ái Quốc khi đó được nhiều người yêu quí là bình thường và điều này tài liệu còn ghi lại nhiều. Vấn đề là tình cảm đó có được đáp lại hay không. Phim này không có bạo lực, không tình yêu, không sex, không kinh dị, không có mấu chốt cơ bản để hấp dẫn, thì phải có “mẹo mực” để cho phim hấp dẫn. Vì thế, o Hoàn là nhân vật hư cấu, có tính chất mấu chốt làm mềm phim đi. Người ta có thể kết nối những cảm xúc mà nếu không có thì khó có thể tải câu chuyện. Thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan không có gì bí mật, mà nếu ai nghiên cứu về Hồ Chí Minh thì phim có thể giải mã một số vấn đề.

+ Làm phim về nhân vật lịch sử đòi hỏi đạo diễn phải vừa sáng tạo, lại vừa trung thực. Anh  đã xử lý thế nào với phim này?

ĐD BTD: Tôi làm “Thầu Chín ở Xiêm” theo thể loại phim tài liệu lịch sử hư cấu. Các chi tiết đều có thật, được chắp nối lại. Các nhân vật quan trọng trong phim cũng đều theo nguyên mẫu ngoài đời, có lai lịch cụ thể, như nhà hoạt động cách mạng Đặng Thúc Hứa, vợ chồng bà Đặng Quỳnh Anh (o Nho). Thậm chí, chúng tôi phải tìm hiểu ông Toàn quyền Pháp ở Đông Dương người gốc ở đâu, để phát âm đúng giọng vùng đó. Cách nói tiếng Anh, Pháp cũng theo đầu thế kỷ 20 ở Thái Lan. Diễn viên Hoàng Hải khi nói tiếng Thái, phải phiên âm ra tiếng Việt, để nhớ và khớp khẩu hình khi mang sang Thái lồng tiếng.

+ Nhiều người muốn tìm hiểu kỹ hơn về việc đầu tư cho bộ phim có kinh phí tới hơn 10 tỷ đồng này?

ĐD BTD: Mọi người kể cho tôi nghe rất nhiều tư liệu về Bác Hồ, nghe xong tôi quên hết đi, để có thể có một câu chuyện khác, của mình, với sự tổng hòa nhiều yếu tố. Tôi muốn một bộ phim khác với những phim đã từng làm và phải chạm đến cảm xúc khán giả. Tôi đã sang Pháp, đến những nơi Bác Hồ đã tới, ngồi ở chiếc ghế đá trong công viên, ngược dòng thời gian để tìm câu hỏi: Vào thời điểm cỡ tuổi tôi, Bác sang đây làm gì? Tôi cũng tìm đến Bảo tàng ở Pháp, tìm hiểu các chi tiết lịch sử liên quan đến Người, rồi cùng họa sĩ thiết kế và phục trang rong ruổi trên đất Thái cả tháng trời để tìm bối cảnh, trang phục cũng như tư liệu về thời gian Bác Hồ sống ở mảnh đất này. Chúng tôi phải phục dựng lại hoàn toàn sân bay Udon, sân bay Bangkok và bến cảng, cho giống với đầu thế kỷ 20 ở Thái Lan. Vì đây là bộ phim chiếu cho khán giả cả hai đất nước Việt và Thái Lan, nên mọi chi tiết càng phải chính xác.

+ Phim đã hoàn thành, anh có thực sự hài lòng với dàn diễn viên trong phim?

ĐD BTD: Tôi hoàn toàn hài lòng với các diễn viên tham gia. Nếu có gì chưa hài lòng, thì là do chính tôi chưa biết khai thác hết khả năng ở họ mà thôi!

+ Xin hỏi anh câu cuối: Anh có định đưa “Thầu Chín ở Xiêm” ra rạp, như “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân?

ĐD BTD: Tôi chỉ là đạo diễn, việc đưa phim ra rạp hay không là do Cục Điện ảnh. Các đạo diễn đều muốn tác phẩm của mình thử sức ở rạp. Tuy nhiên, đã làm phim nghệ thuật thì phải chấp nhận không được lựa chọn và tùy thuộc vào khán giả, vào dân trí. Tôi không làm phim Tết cho một vài tháng, mà là làm phim lịch sử.

+ Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.