Tác phẩm đỉnh cao: Ước mơ còn ở phía chân trời?

Chủ Nhật, 28/09/2008, 19:35
Có một hiện tượng rất lạ là tôi đã gặp một số nhà văn, khi bàn tới công việc sáng tác là lập tức họ hoặc cao giọng hoặc thì thào với vẻ quan trọng rằng đang xúc tiến viết một tác phẩm tầm cỡ, nhất định khó in và có in thì chắc chắn sẽ bị "đánh". Đợi mãi chẳng thấy cái tác phẩm tầm cỡ kia đâu, có lần tôi đã viết nửa đùa nửa thật là đối với một số nhà văn "tác phẩm lớn được chia ở thì quá khứ"!

Riêng cái lần tôi giữ chân thư ký cho một chương trình sáng tác văn học thì lại được mục kích nhiều chuyện bi hài. Một số nhà văn gửi đề cương tới đăng ký tham dự đã trực tiếp trình bày (hoặc qua thư gửi kèm) là tác phẩm của mình đề cập tới vấn đề lớn, chắc chắn sẽ làm xôn xao dư luận.

 Thậm chí có vị hoàn thành được vài chương bản thảo, gửi đến cho tôi còn kèm theo vài cú điện thoại dặn dò nhất quyết không cho thằng A, thằng B thẩm định, vì "chúng nó không đủ tư cách đọc văn của tôi".

Nhớ cái lúc làm anh "thư ký lâm thời" cũng khổ, vừa tốn tiền điện thoại vừa phải ngọt nhạt nỉ non đề nghị nhà văn viết xong sớm cho, đôi khi còn phải kính cẩn xin lỗi vì... kinh phí chưa rót!

Riêng nhà văn Nam Hà là tôi bái phục, để hoàn thành tác phẩm, anh lên hồ Núi Cốc vào mùa đông, ở liền tù tì hơn một tháng trời. Hàng ngày đóng cửa cặm cụi ngồi viết, duy nhất một lần ra Thái Nguyên mua thêm giấy bút. Kết quả là anh nộp hai tập bản thảo tiểu thuyết "Ngày rất dài" dày cộp, mà tôi đã gọi đùa là "hai cục gạch".

Vào chiến trường từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, sống và chiến đấu hơn 10 năm ở vùng chiến tranh ác liệt nhất, đất nước có hòa bình, Nam Hà mới ra Hà Nội. Vốn sống chiến trường đầy mình, số đầu sách đáng nể: "Đất miền Đông", "Trong vùng Tam giác sắt", "Mùa rẫy”, “Ngày rất dài", lại là tác giả của bài thơ nổi tiếng “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi”, theo tôi điều Nam Hà còn thiếu là khả năng hình thành ý tưởng văn chương vượt qua giới hạn của tầm nhìn "chiến thuật" vươn tới tầm nhìn "chiến lược".

Nhìn rộng ra, Nam Hà không phải là một trường hợp riêng và loại biệt. Đa số nhà văn Việt Nam cùng thời cũng ở trong hoàn cảnh như anh. Đầy nhiệt huyết, ít nhiều có tài năng văn chương, dám dấn thân vào nơi nguy hiểm, lấy trách nhiệm của ngòi bút làm trách nhiệm của công dân,... các anh viết như là niềm say mê, bạn đọc biết tới các anh như là nhà văn của một thời giặc giã, của các câu chuyện mà ở đó sự sống, cái chết chỉ cách nhau trong tấc gang.

Rồi đã một thời, chúng ta gửi hy vọng vào "các nhà văn trung úy" - một định danh thân ái dành cho những cây bút trưởng thành từ chiến tranh, có xu hướng viết về chiến tranh, song sau hơn 30 năm, các anh cũng đã xấp xỉ lục tuần và hình như "vốn liếng" đã khai thác gần hết?

Nhìn lại, nhỉnh lên thấy có "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), "Ăn mày dĩ vãng" (Chu Lai), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), "Lạc rừng" (Trung Trung Đỉnh), "Rừng thiêng nước trong" (Trần Văn Tuấn)...

Các nhà văn thế hệ sau các anh, họ viết văn trong một bối cảnh lịch sử đã hoàn toàn khác trước. Các biến đổi của xã hội - con người từ trạng thái thời chiến sang trạng thái thời bình, đặc biệt lại là một thời bình "không bình thường" với những chuyển dịch, những biến động chưa từng có dấu hiệu trong lịch sử - văn hóa dân tộc... đã làm nảy sinh những vấn đề xã hội - con người mới, với các biến thiên vật chất - tinh thần phức tạp mà chỉ bằng lối tả kể truyền thống, nhà văn khó có thể nhận thức, phản ánh.

Nếu so sánh về đội ngũ, chắc chắn số nhà văn Việt Nam hôm nay đông đảo hơn số nhà văn vài chục năm trước. Nếu so sánh về đầu sách, số đầu sách được xuất bản ngày nay hẳn là lớn hơn ngày trước rất nhiều. Vậy tại sao câu hỏi về "tác phẩm lớn" vẫn được đặt ra? Tại sao lời kêu gọi thiết tha cùng tiền bạc đầu tư của Nhà nước cho văn chương vẫn chưa đưa tới kết quả như chúng ta mong muốn?...

Nhìn vào đời sống văn học, ít nhất trong mười năm trở lại đây, nếu chỉ căn cứ vào một số bài điểm sách, bài phê bình thì xem ra tác phẩm "để đời" đã xuất hiện. Song rồi mấy lời tán dương dễ dãi nhanh chóng rơi vào dĩ vãng và tác phẩm tưởng chừng đã "đóng dấu" vào nền văn chương cũng nhanh chóng bị lãng quên, lãng quên cả trong bạn đọc ngỡ là "đặc tuyển". Và tôi thấy e ngại thay cho một vài nhà lý luận - phê bình đã tốn giấy mực để euréka năm bảy phẩm chất chưa hội đủ khả năng xuyên thời gian.

Dù nói ra hay không nói ra, mọi người đều nhận thấy văn học đã và đang vận hành trong một bối cảnh lịch sử xã hội - con người đã khác trước, đều biết văn học phải đổi mới để phát triển, và hình như điều đáng quan ngại nhất lại là: không phải người nào cũng có thể trả lời được câu hỏi cần phải làm gì đây để văn học phát triển? Ngay với kẻ viết bài này, cũng chỉ có khả năng đi tìm một vài nguyên nhân từ một góc nhìn chủ quan.

Trong thực tế, đã có một số nhà văn cố gắng tự thay đổi để làm ra cái mới cho văn học. Nhưng cái mới là hệ quả của bước phát triển tư tưởng - thẩm mỹ khác với cái mới là sản phẩm của sự biến đổi tự phát, cho dù sự tích hợp của nhiều hành vi sáng tạo tự phát cũng có thể đưa tới một điều gì đó cần quan tâm.

Viết đến đây, tôi muốn đề cập tới cây bút văn xuôi Tạ Duy Anh, bởi xem ra đây đang là một trong số vài ba tác giả đang có chiều "nổi trội" trên văn đàn. Đọc các tác phẩm Tạ Duy Anh viết sau "Bước qua lời nguyền", tôi muốn đặt câu hỏi rằng phải chăng cây bút này đã hoàn tất sự nghiệp và "Bước qua lời nguyền" có phải là mở đầu, đồng thời cũng là kết thúc của văn chương Tạ Duy Anh?

Theo ý kiến của tôi, một vài tiểu thuyết của cây bút này được chú ý không phải vì giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao, hay tác giả là tài năng lớn mà chỉ là sự phơi bày thô tục về một hiện thực mà tác giả không biết chia sẻ, và điều đó làm một số cây bút văn xuôi, một vài cây bút lý luận - phê bình thích thú.

Thích thú bởi họ không có gan viết những gì như Tạ Duy Anh đã viết? Để chứng tỏ thích thú là "có lý", người ta cố vẽ rắn thêm chân, gán cho tác phẩm của Tạ Duy Anh những "thành công" về nội dung và hình thức, thậm chí còn tri hô phải có cách đọc khác mới hiểu được tác phẩm của Tạ Duy Anh.

Nhưng than ôi, trong khi khua bút viết ra những điều kỳ quặc, họ đã quên rằng nhà văn lớn không phải ở chỗ anh ta chửi đời có hay hay không, hoặc anh ta dám viết ra những lời ám chỉ mà là ở chỗ anh ta biết trải lòng nhân ái để sẻ chia với những số phận.

Tạ Duy Anh không làm được điều này, và tôi tin anh cũng chẳng bao giờ làm được hơn thế nếu vẫn trung thành với lối viết mà tôi hình dung như là đang mang nặng nỗi oán hận với những điều không vừa ý từ cuộc sống. Nhà văn lớn không giải tỏa oán hận bằng chửi, người ta vượt qua để làm cho bản thân sáng láng hơn, giúp đồng loại nhân tính hơn...

Hôm nay, câu hỏi về "tác phẩm lớn" vẫn đang được đặt ra, một câu hỏi quả là khó có thể trả lời trong một sớm một chiều khi nhìn vào thực tế sáng tác. Có thể là bi quan, tôi vẫn đồ rằng điều chúng ta mong muốn vẫn lấp ló đâu đó ở phía chân trời chứ không phải đang nằm trong thực lực của các nhà văn chỉ chờ ngày phát lộ. Vì thế, đôi khi tôi thấy khôi hài vì nhiều nhà báo xứ ta có vẻ khoái chí khi đặt câu hỏi bao giờ Việt Nam sẽ có giải Nobel.

Ước mơ thì tốt thôi, song hãy là ước mơ có nguồn gốc hiện thực, đừng ước mơ viển vông để khi thất vọng lại quay sang trách móc các nhà văn. Đối với văn chương nước nhà, nếu có mơ, xin hãy mơ một giải thưởng nào đó nho nhỏ và xinh xinh ở châu Á này là may lắm rồi, đừng mơ về một cái gì đó ngoài tầm tay, ít nhất là trong thời gian trước mắt

Hà Yên
.
.
.