TP HCM: "Rửa oan" cho tranh cổ động

Chủ Nhật, 27/04/2008, 21:30
Quan niệm tranh cổ động khô cứng, không mang tính nghệ thuật, chỉ phục vụ tuyên truyền khiến nhiều người "dị ứng", chỉ nghe ba tiếng tranh cổ động đã không muốn xem...

Tuy nhiên, với trưng bày tranh cổ động "Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước" và sự lên tiếng của những người còn yêu thích và tâm huyết với tranh cổ động tại Bảo tàng Mỹ thuật, TP HCM, ngày 25/4, nỗi "oan" của một thể loại nghệ thuật từng được phát huy và có nhiều thành tựu trong suốt thời kỳ kháng chiến cũng như sau khi đất nước thống nhất được gột rửa ít nhiều.

Tập hợp 121 bức tranh cổ động gốc của 18 nước trên thế giới, trưng bày chuyên đề "Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước" không những là tư liệu quý về các phong trào đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước, những tình cảm nồng ấm, chân thành, sự đồng cảm của rất nhiều tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới mà còn là sự khẳng định những giá trị đích thực của một loại hình nghệ thuật gần như bị bỏ rơi hiện nay.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa 33 năm nhưng người xem vẫn không thôi thổn thức khi nhìn những hình ảnh được trưng bày: khuôn mặt tròn trĩnh của bé gái Việt Nam ngây thơ, giàn giụa nước mắt lồng trong hình ảnh trái đất rạn vỡ bởi đau thương, người vợ trẻ đau đớn ôm xác con, gục ngã bên xác chồng… Tội ác ngút trời của kẻ xâm lược, nỗi đau bị đẩy lên đến cùng cực khi đối lập với hình ảnh những con người tưởng chừng gục ngã vì đau thương, chới với trong ngọn lửa chiến hừng hừng, nháo nhác trốn chạy dưới những làn bom đạn Mỹ, lại là những khuôn mặt đang cười cợt đầy thỏa mãn của hàng loạt tổng thống, tướng tá của quân đội Mỹ…

Thủ pháp sử dụng những hình ảnh đối lập trong cùng một bức tranh làm tăng cường hiệu quả tuyên truyền, tính chiến đấu được sử dụng khá phổ biến trong các bức tranh. Tuy nhiên, theo rất nhiều nghệ sĩ lão làng có mặt tại buổi triển lãm ngày 25/4 thì điều đó đòi hỏi người thực hiện phải rất tinh, thực sự có nhãn quan của người làm nghệ thuật và thậm chí mất rất nhiều công sức mới thực hiện được.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông cho biết: Những cách thể hiện này không hề mới với các họa sĩ Việt Nam. Dù điều kiện vật chất ngày ấy rất khó khăn, các họa sĩ, chiến sĩ vẫn tay súng, tay bút, vừa chung lưng chiến đấu, vừa ghi chép nhiều trang sử vẻ vang của đất nước bằng chính tranh vẽ của mình, tạo hiệu quả nghệ thuật cao, góp phần làm nên chiến thắng. Không như nhiều năm trở lại đây, người dân cứ nghe đến tranh cổ động là lắc đầu.

"Minh oan" cho tranh cổ động, Dominic Scriven, một trong những nhà sưu tập người Anh từng gắn bó nhiều năm với tranh cổ động, đặc biệt là tranh cổ động Việt Nam cũng chia sẻ: Nhiều người Việt Nam hiện nay đang hiểu lầm về tranh cổ động. Thực ra, đây cũng là một loại hình nghệ thuật cần được trân trọng chứ không đơn thuần chỉ là công cụ để tuyên truyền. Thực hiện một bức tranh cổ động có giá trị còn khó hơn rất nhiều vì người nghệ sĩ bắt buộc phải chuyển tải được nội dung tuyên truyền, vừa phải thỏa mãn yếu tố về nghệ thuật. Điều này không phải ai cũng làm được. Hiện nay, nhiều tranh cổ động chỉ đáp ứng được tính tuyên truyền, gây hiểu lầm đáng tiếc cho công chúng…

Trong số tranh tại trưng bày chuyên đề "Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước" có trên 200 bức là do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Trong số đó có nhiều tranh in trên giấy, có tranh in trên vải và đã được sử dụng trong các cuộc mít tinh, biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, hoặc là tranh được vẽ để bán lấy tiền ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cứu nước.

Tại ngày khai mạc trưng bày chuyên đề, nhà sưu tập Dominic Scriven cũng đã chọn 10 bức trong số tranh cổ động về Việt Nam mà ông sưu tập được dành tặng Bảo tàng Mỹ thuật.

Dự kiến, trưng bày chuyên đề này sẽ phục vụ người xem trong một tháng, từ ngày 25/4 đến hết ngày 25/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật, TP HCM, 97A Phó Đức Chính, quận I

N.Hoa
.
.
.