TP HCM: Nỗi lo... cao ốc

Thứ Tư, 07/07/2010, 18:38
Theo như báo cáo của Sở Xây Dựng TP HCM thì từ đầu năm 2008 đến nay Sở đã cấp giấy phép cho 114 công trình cao ốc, trong đó khu vực trung tâm TP HCM chiếm đến 75%, như vậy các cơ quan chức năng đã có tính đến bài toán kẹt xe?.

Kỳ họp lần thứ 18 HĐND TP HCM khoá VII đã dành trọn ngày 6/7 để chất vấn và trả lời chất vấn của các Sở, ngành có liên quan đến những vấn đề thời sự được đông đảo cử tri (CT) và đại biểu (ĐB) quan tâm. Lần này, việc quy hoạch xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố không chỉ gây kẹt xe mà còn ảnh hưởng đến các di tích lịch sử - văn hoá cần bảo tồn là vấn đề nóng được các ĐB quan tâm.

Bên cạnh đó, tình trạng quy hoạch treo, các công trình giao thông thi công chậm tiến độ, giới trẻ ảnh hưởng bởi game online thiếu lành mạnh… cũng đang là vấn đề bức xúc của CT thành phố. Chính vì vậy mà 3 Sở được chất vấn lần này là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và Sở Thông tin - Truyền thông. Trước khi diễn ra phiên chất vấn có 217 ý kiến của CT thành phố và 96 câu chất vấn của các ĐB gửi đến các Sở, ngành nhưng xem ra những câu trả lời của người có trách nhiệm vẫn chưa làm CT, ĐB hài lòng…

Bài học "18 thôn vườn trầu"

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP HCM, chủ tọa kỳ họp lần này rất ưu tư khi nhắc đến "18 thôn vườn trầu" - một địa danh đã đi vào lịch sử cách mạng nằm trên địa bàn huyện Hóc Môn, nay chỉ còn lại một thôn và có lẽ trong tương lai thôn này cũng sẽ biến mất theo quá trình đô thị hoá. Nói như vậy, để thấy rằng công tác quy hoạch cần phải đảm bảo sự bền vững, hài hoà; vừa phát triển, vừa bảo tồn thì mới giữ được cái hồn của một vùng đất. 

Trung tâm TP HCM với diện tích khoảng 930ha bao gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4 và một phần quận Bình Thạnh vốn là một trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch cao cấp nên việc xây dựng nhà cao tầng để phục vụ phát triển là nhu cầu tất yếu. Song, ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa băn khoăn: "Theo như báo cáo của Sở Xây dựng thì từ đầu năm 2008 đến nay Sở đã cấp giấy phép cho 114 công trình cao ốc, trong đó khu vực trung tâm thành phố chiếm đến 75%, như vậy các cơ quan chức năng đã có tính đến bài toán kẹt xe?".

ĐB Huỳnh Công Hùng cùng quan điểm: "Có những con đường như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn lộ giới chỉ có 12m nhưng vẫn cho xây cao tầng trong khi bãi đậu xe thì thiếu thốn, vậy thì làm sao không ùn tắc khi nhiều người đổ xô đến đi mua sắm ở các cao ốc? Liệu các cao ốc này có xây dựng vi phạm quy hoạch hay không và từ năm 2009 đã có bao nhiêu dự án vi phạm xin giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết?".

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Trần Chí Dũng cho rằng việc quy hoạch xây dựng cao ốc này là cụ thể hoá quy hoạch chung của thành phố được Chính phủ phê duyệt và từ năm 2009 đến nay không có dự án nào vi phạm cả". ĐB Huỳnh Công Hùng bức xúc: "Giám đốc có chắc chắn là không vi phạm không?" Tuy nhiên, Giám đốc Trần Chí Dũng không trả lời câu hỏi này. Để các ĐB tường tận hơn, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Tấn Bền cho biết, theo thống kê của Sở, hiện nay trên toàn địa bàn TP HCM có 1.002 cao ốc (trên 9 tầng), trong đó có 572 cao ốc có trước 30/4/1975 và việc cấp phép xây dựng cho các cao ốc đều đúng quy định của pháp luật!".

Một cụm cao ốc nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Ở khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Thế Thanh chất vấn: "Việc xây dựng nhà cao tầng ảnh hưởng đến các di tích lịch sử - văn hoá cần được bảo tồn là một thực tế, vậy giám đốc nói sao về thực trạng này?". Giám đốc Trần Chí Dũng: "Thật ra, khi xem xét các dự án nhà cao tầng, Sở cũng đã tính toán hài hoà cảnh quan, không gian xung quanh cả. Đối với các cao ốc gần công trình kiến trúc cổ thì chúng tôi chỉ cho xây thấp tầng". Do không đồng tình với trả lời này nên để cứu di sản trong tương lai, ĐB Nguyễn Thế Thanh  kiến nghị Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch nhanh chóng lên danh sách các di sản cần được bảo tồn để tránh tình trạng "quên đi bản sắc" như đã xảy ra.

Cũng trong phiên chất vấn, Giám đốc Dũng còn cho biết thêm, trong tương lai khu vực trung tâm thành phố sẽ còn tiếp tục có nhiều cao ốc mọc lên và việc quy hoạch này cũng đã tính đến bài toán về giao thông cũng như đảm bảo sự hài hoà cảnh quan đô thị. Nói là vậy, nhưng trên thực tế diễn ra, việc xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm thành phố hiện tại là không ổn.

Ngay cả Giám đốc Sở GT-VT Trần Quang Phượng cũng nêu quan điểm là cần đưa cao ốc ra ngoài trung tâm, nếu không kẹt xe là không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, theo Giám đốc Phượng, việc quy hoạch bãi đậu xe hiện nay Sở đang gấp rút hoàn tất để trình UBND thành phố phê duyệt nhưng xem ra rất khó vì hiện tại quỹ đất dành cho quy hoạch này rất thiếu. ĐB Nguyễn Văn Trung trăn trở: "Việc quy hoạch chung phải lấy quy hoạch giao thông làm trọng tâm, đằng này, quy hoạch nhà cao tầng lại có trước giao thông thì mai mốt làm sao khắc phục?".

"Lô cốt" vẫn còn, quy hoạch "treo"  tiếp tục… "treo"!

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Phượng cho hay, tính đến ngày 5-7, toàn TP HCM còn 115 vị trí rào chắn, giảm 85 vị trí so với năm 2009 nhưng trong tương lai phải đến năm 2011 thì số "lô cốt" hiện tại ở khu vực trung tâm tháo dỡ hết nhưng lại xuất hiện "lô cốt" mới để phục vụ cho các công trình khác.

Như vậy, người dân còn phải sống chung với "lô cốt" cũng chưa biết đến bao giờ. Trong khi đó, bình quân mỗi năm TP HCM tăng thêm khoảng 400.000 xe ôtô và xe gắn máy (hiện tại toàn thành phố có gần 4,7 triệu chiếc) nên không kẹt xe mới là chuyện lạ. Để giải quyết thực trạng này, Sở Giao thông vận tải đang lập đề án xây dựng 4 tuyến đường xuyên thành phố trên không nhưng chưa biết lấy kinh phí đâu để làm.

Trước mắt, trong thời gian tới Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu UBND thành phố một số giải pháp để hạn chế sử dụng xe cá nhân như cấm xe gắn máy đi vào một số tuyến đường, thu phí xe ra vào thành phố, tăng thu phí trước bạ… Hiện tại chưa biết người dân sẽ phản ứng ra sao trước giải pháp này nhưng rõ ràng khi hệ thống vận tải hành khách công cộng (chủ yếu xe buýt) chưa đáp ứng tốt như hiện nay thì việc hạn chế xe cá nhân sẽ khó thực hiện.

Ngoài ra, người dân thành phố còn phải gồng lưng với quy hoạch "treo", có thể kéo dài mười, hai chục năm như người dân ở khu vực bán đảo Thanh Đa, phường 28, Bình Thạnh. Bởi lẽ, hiện tại TP HCM còn 310 dự án "treo" nhưng nay chỉ mới có 140 dự án đang được xem xét điều chỉnh

M.T.Hải - A.Huy
.
.
.