Những góc Tết quê giữa lòng Sài Gòn

Thứ Năm, 11/02/2021, 09:17
Khi hương xuân luồn trong gió mới, người tha hương lại lũ lượt trên hành trình vạn dặm về quê đón Tết. Kẻ ở lại phố thị, phần vì nặng gánh mưu sinh, phần vì quê nhà xa ngái, đành vọng hoài Tết xưa trong những góc nhỏ giữa phố phường tấp nập…


Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là vùng đất biết bao người con ở mọi miền quê đến mưu sinh, lập nghiệp. Nhiều năm nay, nơi đây dành nhiều món quà ký ức để người xa quê tìm lại hương quen. Vào giữa tháng Chạp, khắp con đường Phạm Văn Hai ở đoạn ngã ba Ông Tạ, quận Tân Bình lại xanh ngắt một màu lá dong, lá chuối. Đó là lúc khu chợ lá dong có tuổi đời hơn nửa thế kỷ vào mùa. Khách đến đây như lạc vào phiên chợ Tết đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh các loại lá, còn có sợi lạt, khung làm bánh chưng..., gạo có cả nếp Bắc, trái gấc, chè Thái Nguyên... - những đặc sản để nấu mâm cỗ Tết miền Bắc. Trước, khu chợ chỉ họp một lần trong năm, chủ yếu phục vụ cho người gốc Bắc, nhưng giờ người Nam biết tiếng tìm đến cũng đông không kém. Người mua, kẻ bán nhộn nhịp, nhất vào khoảng 27, 28 tháng Chạp. Phục vụ đặc sản Bắc dịp Tết, trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), có cả chục hộ bán bánh chưng nấu sẵn, chả lụa, giò thủ, nem chua, măng khô…

Để giữ hồn quê giữa phố, Tết đến, nhiều gia đình ở TP Hồ Chí Minh quây quần gói bánh chưng, bánh tét. (Ảnh minh họa: CTV)

Riêng chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) lại là nơi để dân miền Trung tìm về mỹ vị quê nhà. Người bán ở đây đa phần gốc Quảng Nam. Đi chợ Bà Hoa, lần nào nhà văn xứ Quảng Nguyễn Nhật Ánh cũng bồi hồi khi bắt gặp những thức quà của vùng quê đầy nắng gió ấy. Đó là củ nén tròn xoe thơm nồng, ướp kho thịt hay chiên cá chuồn thì hết sảy. Là những cọng rau quế, rau mùi còi cọc mà dậy thơm có tiếng.

Là miếng kẹo kiếng, cục đường bát đen, bánh thuẫn vàng ươm, bánh in bọc giấy kiếng xanh đỏ chỉ bày trong ngày Tết mà tuổi thơ nghèo cứ ao ước như một báu vật. Mỗi lần ăn xong, đứa nào cũng cất kỹ mấy tờ giấy kiếng để lâu lâu lôi ra, thích thú đưa lên mắt mà nhìn cảnh vật xung quanh đổi màu xanh, tím, đỏ… trong tích tắc.

Nhưng để thực sự sống ở một phiên chợ quê đúng nghĩa thì người ta phải đến số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Gần Tết, vào cuối tuần, góc sân nhỏ tại đây tấp nập kẻ bán người mua các mặt hàng đậm chất quê giữa phố. Chợ do Chủ nhiệm “Hội quán các bà mẹ” sáng lập, với mong muốn níu giữ ký ức thơ ấu cho những người đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Chất nhà quê là một trong những lý do khiến chợ quê này ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

Không gian chợ tái hiện một miền quê thanh bình với các mẹt hàng trên chõng tre nép mình dưới gốc đa cổ thụ. Những cô hàng duyên dáng trong chiếc áo bà ba hay áo dài cách tân, đội nón lá đon đả mời khách. Các mặt hàng bày bán chủ yếu là rau củ, bánh trái chỉ xuất hiện ở những vùng quê. Nông sản đều là cây nhà lá vườn, không hoá chất, được chính các bà, các mẹ lặn lội đem từ vườn nhà ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây vô TP Hồ Chí Minh. Các món ăn dân dã như bánh lá, bánh ít, bánh bèo, kẹo ú, bún bò Huế, bún riêu… cũng thu hút người đi chợ với gian hàng đơn sơ. Ngoài ra, chợ còn bày bán đồ thủ công mỹ nghệ như vá, muỗng, đũa làm từ gỗ dừa, tre; guốc mộc, túi cói, rổ mây, đồ gốm… của các làng nghề truyền thống.

Một góc chợ quê tại quận 1.

Để gợi lại hồn quê xưa và bảo vệ môi trường, phiên chợ khuyến khích khách hàng mang theo túi cói, giỏ mây, hạn chế sử dụng túi nilon. Rau củ bày bán được cho vào túi giấy, gói bằng lá chuối tươi hoặc dây thừng, dây lạt. Xuân gần kề, hiếm thấy phiên chợ nào giữa phố phường náo nhiệt mà ngay cả người mua cũng xúng xính áo dài, áo bà ba xách giỏ mua con cá, mớ rau như ở phiên chợ này. Vào chợ, ngồi với những cụ già, bầy trẻ nít và cô gái trẻ được nghe họ kể chuyện phong tục ngày Tết, về ý nghĩa miếng trầu, quả cau…

Cô Loan, quê ở Tiền Giang, kể, từ ngày biết đến “Chợ quê giữa phố”, tuần nào cô cũng ghé chợ. “Đến đây tui mới thấy mình như đang ở quê nội hồi trẻ, theo mấy dì, mấy bác đi chợ. Ở đây bán nhiều thứ y như quê nội tui, lại sạch sẽ, an toàn nên tui mua rất nhiều. Đôi khi đi chợ chỉ để ghé ăn tô bún riêu nhưng tui cứ lân la cả buổi đến trưa mới về  vì quá thích không khí nơi đây”, cô Loan tâm sự. 

Không chỉ tìm lại không khí chợ Tết xưa, người tha phương còn cố gắng lưu giữ phong tục truyền thống để Tết đô thành không khác mấy Tết quê nhà. Chiều cuối năm, nhiều khu phố trên các tuyến đường nhỏ ở quận 9, quận Thủ Đức... lại xuất hiện những nồi nấu bánh chưng. Vài nhà trong một con phố, ngõ hẻm cùng chung gạo nếp, chung lá, chung đậu xanh… để hẹn nhau gói bánh. Xong đâu đấy họ mua củi về, nổi lửa lên trước cửa nhà để mọi người quây quần bên nồi bánh réo sôi ùng ục. Trong khi chờ bánh chín, ở góc sân gần đó, cánh đàn ông ngồi khề khà vài miếng mồi nhậu. Cánh phụ nữ thì túm tụm trò chuyện, kể chuyện xưa chuyện nay khi đám trẻ mải nô đùa. Chỉ thế thôi mà họ nhớ, chao ôi là nhớ ngày thơ bé, ngồi bên bà, bên mẹ canh nồi bánh trong mưa phùn rét mướt.

Gia đình cụ Nguyễn Văn Lý (82 tuổi, ngụ quận 9) là người gốc Bắc, lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã hơn 50 năm. Giữ hồn cha ông và muốn cho thế hệ con cháu không quên gốc gác xứ Kinh Bắc, Tết đến, chuyện cả nhà cùng xẻ thịt heo, tự tay gói bánh chưng, chả giò… đã trở thành lệ. Từ đầu năm, cụ đã gửi heo cho người cháu ở khu vườn dưới huyện Hóc Môn nuôi.

Gần Tết, heo đủ cân đủ ký là mấy anh trai tráng trong nhà cụ Lý xắn tay vào chuồng bắt về đụng thịt. Một con như thế chia thịt cho cả mấy nhà họ hàng, anh em. Người tay dao tay thớt, cười nói quây quần rộn cả góc nhà chiều 28. Rồi dưới sự chỉ đạo của cụ Lý, đám con cháu học cách đong từng chén nếp, cách rọc lá dong, ướp thịt, buộc lạt… sao cho khéo, cho đẹp. Vui miệng, cụ dạy con cháu đôi bài quan họ. Ở Sài Gòn, khi mọi thứ đều có thể chạy vèo ra siêu thị là sắm đầy đủ nhưng nhà cụ Lý vẫn giữ nguyên tục tự làm đồ Tết. Ngoài bánh chưng, những thứ khác như dưa hành, xôi gấc, bánh mứt… đều do con cháu trong nhà tự tay làm. Đời này bày vẽ, truyền dạy cho đời sau để hồn Tết không mai một giữa nhịp sống hiện đại.

Ngoài cái ăn thì cái chơi của mỗi người ở mỗi quê cũng khác nhau. Dân tứ xứ ở Sài Gòn không ngoại lệ. Ở hội chợ hoa xuân, kỳ hoa dị thảo từ nhiều miền quê cùng khoe sắc để người tha phương tha hồ lựa chọn. Nhiều năm nay, khi phương tiện vận chuyển ngày càng thuận lợi thì sắc đào Nhật Tân bung nở dưới cái nắng phương Nam không còn là điều xa lạ. Các loại hoa mà người miền Tây hay chuộng như cúc, vạn thọ, hoa mai… không chỉ đến từ nhà vườn ven Sài Gòn, mà còn từ miệt vườn Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang… Gặp người bán trọ trẹ tiếng quê hương, ôm chậu hoa mà mùi bùn đất đến từ miền quê xa, người tha phương nào không thấy ấm lòng.

Tết càng đến gần, những con đường phố thị càng tấp nập người xe. Người đi sắm Tết, tặng quà, kẻ làm nốt công việc dở dang cuối cùng để kịp bắt xe về quê sum họp gia đình. Và với những ai “xuân này con không về”, vẫn còn đó những góc xưa nồng đượm trong nồi bánh chưng tự nấu, trong góc chợ quê mộc mạc, trong cành hoa phương xa… để mà thương, mà nhớ, mà hít hà mùi Tết quê nhà…

Mai Quỳnh Nga
.
.
.