Hấp dẫn mô hình Hội quán ở đất Sen hồng

Thứ Tư, 29/04/2020, 08:59
Từ Canh Tân Hội quán thành lập vào năm 2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, đến nay Đồng Tháp có 90 hội quán, với hơn 5.000 thành viên. 90 hội quán là 90 không gian cộng đồng được thành lập theo nguyên tắc “tự nguyện, tự lực, tự quản” và được xem là “đặc sản” của vùng đất Sen hồng. Đây cũng là địa phương đầu tiên ở miền Tây hình thành, phát huy hiệu quả mô hình hội quán dựa vào nhu cầu thực tiễn của người dân.


Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Tháp khuyến khích thành lập mô hình hội quán theo hình thức liên kết sự tự nguyện của nông dân, hỗ trợ nhau trong sản xuất, hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới.

Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường và vận động hỗ trợ các trang thiết bị cho các hội quán.

Chiều cuối tuần, các hội quán quy tụ nông dân lại với nhau cùng sinh hoạt, bàn chuyện sản xuất. Tại đây, kỹ sư nông nghiệp và nhà khoa học hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả và định hướng thời gian tới, triển khai biện pháp bao tiêu, thu mua sản phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cùng các thành viên Hội quán cùng nhau làm du lịch tại TP Sa Đéc. Ảnh: Bùi Hùng.

Điển hình, Hội quán trồng nhãn và thanh long huyện Châu Thành liên kết với Công ty VINA T&T xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ, giá bán từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg. Công ty Thành Vũ và Công ty Vạn Phát liên kết tiêu thụ thanh long với giá cả ổn định, hợp lý, tạo đầu ra luôn ổn định và nâng cao thu nhập cho thành viên. Đến nay, các giống nhãn được người dân lai tạo, trồng trên diện tích 300 hécta, trong đó có 200 hécta trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thương hiệu “nhãn Châu Thành” đã được đăng ký bản quyền.

Từ hội quán đã tạo ra nhiều mô hình mới, cách làm hay như: Mô hình “Cây cam vườn tôi” của Đông Tân Hội quán, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh đến nay đã bán được 40 cây, với 400 triệu đồng. Mô hình “Cây xoài nhà tôi” xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh bán được 340 cây, tổng số tiền thu được gần 1,4 tỷ đồng. Các hội quán xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù như: Xoài Cao Lãnh, xoài Cát chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung…

Thuận Tân Hội quán ở ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh là hội quán thứ 14 của tỉnh Đồng Tháp, có hơn 50 thành viên. Hội quán tập hợp những người nông dân trồng xoài và hoa kiểng có cùng mục đích, nguyện vọng chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm, thông tin về sản xuất nông nghiệp.

Qua ba năm thực hiện đến nay, vùng quê Tân Dân có nhiều khởi sắc và là điểm đến lý tưởng dành cho du khách gần xa khi muốn tìm về một không gian sinh thái yên bình vùng sông nước. Dọc theo các con đường bê tông rợp bóng xoài, người dân trồng thêm hoa ven các con đường phục vụ du khách tham quan, góp phần tô thêm sắc đẹp vùng quê. Địa điểm sinh hoạt của hội quán là ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của ông Hai Tánh (Lê Phước Thánh), Phó chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán.

Ra mắt cách nay tròn 1 năm, Hội quán cùng nhau làm du lịch tại TP Sa Đéc tập hợp những người tâm huyết làm du lịch homestay, phối hợp với sản xuất hoa kiểng. Anh Trần Thanh Hùng, người khởi xướng thành lập hội quán khi phát huy nghề trồng hoa truyền thống của gia đình và nuôi ếch, cải tạo hơn 3.000m2 khuôn viên nhà và vườn hoa phát triển làm du lịch homestay Ngôi nhà hoa và ếch.

“Khởi xướng ban đầu là vậy nhưng khi thực hiện gặp nhiều khó khăn. Khi đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi tôi mới nhận ra mình không thể làm một mình riêng lẻ. Vì vậy, tôi đã cùng những người có chung ý tưởng bằng việc kết nối những điểm du lịch lại với nhau”, anh Hùng bày tỏ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp dự lễ ra mắt Phú Thành Hội quán tại huyện Tam Nông. Ảnh: Bùi Hùng.

Anh Hùng gắn kết với các hộ trồng hoa kiểng, làm du lịch, từ đó hỗ trợ lẫn nhau và phân chia lượng khách đều tại các điểm tham quan. Du lịch Sa Đéc đã có bước tiến rõ nét, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú tăng lên.

Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 17 hợp tác xã (HTX) và nhiều tổ hợp tác từ mô hình hội quán, góp phần lớn trong việc tiêu thụ nông sản cho thành viên. Trong đó, HTX xoài Mỹ Xương xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc vào năm 2019, ước giá trị sản xuất ngành hàng xoài đạt 1.900 tỷ đồng; HTX Chanh Bình Thạnh đã bán được sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, các hội quán tham gia huy động nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới như: xây cầu bêtông, nhà tình thương, vận động nhân dân hiến đất và vật kiến trúc thực hiện tuyến đường bêtông nông thôn, tạo sự đồng thuận cao, động lực mới cho phát triển nông thôn bền vững. Các hội quán vận động cất được 988 căn nhà tình thương trị giá 64,2 tỷ đồng, vận động trên 500 nghìn suất quà tổng trị giá 7,5 tỷ đồng, 13.069 suất học bổng tổng trị giá 4,7 tỷ đồng, 2.578 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo…

Trong các chuyến thăm và làm việc tại Đồng Tháp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao mô hình Hội quán, cần tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước. Hội quán không chỉ là mô hình tập hợp nông dân sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà còn mang ý nghĩa xã hội rất lớn.

Phát biểu tại Hội thảo Đề tài “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình hội quán” mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả đạt được, dần khẳng định sự ra đời của hội quán là tất yếu khách quan, nguyện vọng của người dân, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Hội quán ra đời góp phần đưa hình ảnh của Đảng ngày càng đến gần dân hơn, công tác phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh được thuận lợi hơn. Hội quán phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển các loại hình hợp tác, liên kết hiệu quả hơn, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bí thư Lê Minh Hoan cho rằng tính chuyên nghiệp, sự tử tế trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế nông nghiệp. Ở đó người nông dân, những người biết tạo ra nhiều giá trị và chia sẻ giá trị đó cho cả cộng đồng, biết liên kết và tạo thêm nhiều giá trị để cộng đồng cùng phát triển.

Từ mô hình hội quán sẽ phát triển chương trình “OCOP - Mỗi làng một sản phẩm”, “Chắp cánh cho tài nguyên bản địa và giá trị cộng đồng”, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản Đồng Tháp. Đồng thời thực hiện thí điểm hình thành “Làng thông minh” trên nền tảng hội quán, giúp cho người nông dân có tầm nhìn đến tương lai và vượt ra khỏi không gian làng xã để kết nối ra bên ngoài dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Như Anh
.
.
.