Chương trình “Những trang sách vàng 70 năm CAND” do Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội:

Sức sống lâu bền của những giá trị thực

Thứ Bảy, 20/06/2015, 09:14
Lần đầu tiên, một chương trình tôn vinh các nhà văn Việt Nam có những cống hiến xuất sắc về đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” trong 70 năm qua đã được tổ chức với qui mô hoành tráng tại Hà Nội vào tối 19/6.

Đến dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và các cơ quan TW, các Tổng cục, Vụ, Cục, các đơn vị thuộc Bộ Công an...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tặng hoa và trao biểu tượng tôn vinh cho các nhà văn.

Chương trình “Những trang sách vàng 70 năm CAND” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội, để tri ân các thế hệ nhà văn viết về đề tài người chiến sĩ Công an, đồng thời trao thưởng cho các tác giả được giải trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống (2012-2015). 

Chương trình còn hi vọng “sẽ giúp công chúng có cái nhìn chân thực và sinh động về cuộc chiến đấu thầm lặng, đầy cam go quyết liệt và hy sinh vất vả của các cán bộ, chiến sỹ Công an. Chúng tôi mong muốn sẽ được đón nhận nhiều và thật nhiều hơn nữa những trang sách vàng của đông đảo các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an”, như lời khai mạc của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quang Bền trao giải cho các tác giả.

Trong 70 năm qua, lực lượng Công an không chỉ giữ gìn ANTT trong thời bình, mà còn cùng nhân dân cả nước lập nên những chiến công vang dội, góp phần mang lại thắng lợi cuối cùng trong các cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Văn học đã ghi lại một phần hiện thực sinh động đó một cách chân thật và hấp dẫn, như những "bộ hồ sơ" lưu giữ sự thật lịch sử, góp phần tạo nên sự trường tồn của lực lượng Công an: “Điệp viên giữa sa mạc lửa” (Nhị Hồ), “Ông cố vấn” (Hữu Mai), “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’Inville” (Văn Phan), Ông tướng tình báo với 2 bà vợ (Nguyễn Trần Thiết), “Sao đen” (Triệu Huấn), “X.30 phá lưới” (Đặng Thanh)... 

Những phóng sự trong chương trình “Những trang sách vàng 70 năm CAND” đã tái hiện những dấu ấn nổi bật của văn học đề tài về người chiến sĩ Công an, mà những người đặt nền móng là nhà văn Lê Tri Kỷ, nhà văn Văn Phan, nhà văn Ngôn Vĩnh - những nhà văn thế hệ đầu đã dành gần như trọn nghiệp cầm bút cùng tất cả tâm huyết để viết về người chiến sỹ CAND. Lượng phát hành và tái bản rất ấn tượng của nhiều cuốn tiểu thuyết tư liệu trong 7 thập kỷ đã là minh chứng về sự hấp dẫn của dòng văn học về đề tài CAND. Điều đặc biệt, dù là tiểu thuyết tư liệu, nhưng nhiều tác phẩm lại tạo được sự cuốn hút khi đi sâu vào số phận, tâm lý con người.

18 nhà văn được Bộ Công an lựa chọn để tôn vinh dịp này là những cây bút tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho dòng văn học đề tài người chiến sĩ Công an, không chỉ bằng tác phẩm, mà còn bằng cả nhữngcống hiến lâu bền trong quá trình xây dựng đội ngũ nhà văn Công an. Họ không chỉ đóng góp "đời văn", mà có không ít tác giả còn đóng góp cả "đời người" cho lực lượng Công an. Đó là những trang viết của một thế hệ đã từng đi qua chiến tranh, gắn bó với lực lượng Công an cả thời chiến lẫn thời bình, nên trang văn của họ luôn ẩn chứa sự tự hào, tình yêu thương, sự nhiệt huyết và sẻ chia sâu sắc với các nhân vật Công an.

Thế hệ nhà văn hôm nay tiếp nối văn học đề tài này, cũng ngày càng tạo nên những thành công mới, bằng sự khám phá, sáng tạo và tâm huyết, bằng sự kế thừa những thành công của thế hệ cầm bút đi trước: như "Đơn tuyến" (Phạm Quang Đẩu), "Bão ngầm” (Đào Trung Hiếu), "Vòng nguyệt quế cô đơn" (Nguyễn Quang Thiều)… 

Không trực tiếp tham gia phá án, nhưng bằng ngòi bút, các nhà văn đã tham gia tích cực vào cuộc chiến bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu, như những chiến sỹ Công an. 12 tác giả được trao giải trong cuộc thi sáng tác về đề tài "Vì ANTQ và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, là minh chứng rõ nét điều này. 

Những chia sẻ của các cây bút từng được giải qua các cuộc thi văn học do Bộ Công an tổ chức, như nhà văn Ma Văn Kháng, tác giả "San Cha Chải" được giải cuộc thi "Cây bút vàng", tác giả Đào Trung Hiếu, giải nhất cuộc thi lần này với tác phẩm "Bão ngầm”, cùng nhiều nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an, những nguyên mẫu và cả những bạn đọc trẻ, về giá trị của dòng văn học này, là những cảm xúc về sự thật lịch sử, là suy ngẫm, trăn trở, cũng là những rung cảm, thương xót cho bao mảnh đời, số phận bất hạnh, thực sự là những dự báo về bước phát triển của văn học đề tài này.

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình. Ảnh: Thiện Hoàng.

Trong cuộc giao lưu với khán giả tại buổi lễ, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đã khẳng định: “Những trang sách, những cuốn tiểu thuyết viết về người chiến sĩ Công an có ý nghĩa rất to lớn với lực lượng Công an, với nhân dân trong 70 năm qua và mãi mãi về sau. Thông qua những trang sách này, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng hiểu hơn những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, để từ đó, nâng cao cảnh giác và nhận thức, để đấu tranh với chúng. Với lực lượng Công an, những trang sách này có sức tuyên truyền rất lớn, tăng thêm tính giáo dục tư tưởng và truyền thống cho lớp trẻ, tăng thêm lòng tin để hăng hái hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Trong 70 năm qua, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ đều đánh giá rất cao vai trò của các nhà văn, các tác giả trong và ngoài ngành viết về đề tài Vì ANTQ và bình yên cuộc sống. Chính các nhà văn đã giúp cho bạn đọc và nhân dân hiểu sâu sắc hơn sự hi sinh thầm lặng, những khó khăn, vất vả của lực lượng CAND trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Từ đó, đồng cảm, giúp đỡ, ủng hộ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. 

Bộ Công an luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn, tác giả viết về đề tài này, để có các tác phẩm có chất lượng phục vụ bạn đọc trong và ngoài lực lượng CAND. Chính những trang viết của các nhà văn đã góp phần rất thiết thực, hiệu quả vào công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia và TTAT xã hội.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, sự lớn mạnh của đội ngũ các nhà văn cùng sự tâm huyết trên mỗi trang viết, chắc chắn văn học viết về người chiến sỹ CAND sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, để những sáng tác không chỉ mang nội dung ca ngợi chiến công của lực lượng Công an, mà còn là những tác phẩm văn học đích thực, có sức lan tỏa lâu bền trong lòng bạn đọc.

Với mong muốn cổ vũ, động viên khích lệ các tác giả không ngừng say mê, sáng tạo, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Nhà tài trợ Kim Cương); Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Nhà tài trợ Vàng); Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (Nhà tài trợ Bạc); Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh (Nhà tài trợ Đồng) luôn đồng hành cùng chương trình, giúp nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân với bạn đọc cả nước.

Thanh Hằng
.
.
.