Tập sách “Hà Nội - cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” của Hồ Quang Lợi:

Sức hấp dẫn từ một bút lực tài hoa

Thứ Tư, 01/10/2014, 10:57
Tôi hết sức kinh ngạc và thán phục khi cầm trên tay mình tập sách “Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” của nhà báo tên tuổi Hồ Quang Lợi. Kinh ngạc là vì trong khi bận bịu muôn bề công việc của một Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cái thời Hà Nội như “trở mình” cho một cuộc kiến tạo lớn, cái thời mà “cơn bão táp thông tin” ào ạt đổ bộ trên các tờ báo chính thống và mạng xã hội đòi hỏi Ban Tuyên giáo phải xử lý đúng đắn và nhanh nhạy, thuyết phục, hiệu quả, thì không hiểu Hồ Quang Lợi “cướp” đâu thời gian và trí tuệ để có thể hoàn thành một cuốn sách khổng lồ các con chữ, đến gần 450 trang như thế.

Trong hơn 5 năm, nếu tính từ năm 2008 lúc Hà Nội và Hà Tây sáp nhập đến nay, trên cương vị Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới và sau là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Hồ Quang Lợi đã viết đến 4 cuốn sách, mà cuốn nào cũng dày dặn được đồng nghiệp và bạn đọc nhiệt thành đón nhận. Có thể kể đến “Xung chấn kỷ nguyên đột biến” (NXB QĐND 2011), “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc” (NXB QĐND 2012), “Những chân trời cuộc sóng” (NXB Hà Nội 2013) và nay là “Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” (NXB Hà Nội 2014). Bút lực như thế quả cũng là điều hiếm thấy. Nhưng tôi còn thán phục ông hơn chính ở ma lực hấp dẫn từ các con chữ, từ những dòng văn mang đậm phong cách của Hồ Quang Lợi là ngôn ngữ giàu hình ảnh văn chương, bình luận, phân tích bạo liệt, riết róng đi tới tận cùng để lôi kéo, thuyết phục bạn đọc khó tính đang bị mê lạc trong biển thông tin thời hội nhập.

1. Nếu như các cuốn sách trước, Hồ Quang Lợi thiên về bình luận những vấn đề hóc búa những sự kiện quốc tế và trong nước một cách rành rõi với những lát cắt bất ngờ và sáng rõ, thì lần này với “Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại”, có thể nói, với sự đa phong cách trong bút pháp, ông dành trí tuệ và tâm sức của mình cho riêng Hà Nội, một Thủ đô đang kiến tạo và phát triển trong ngổn ngang như một công trường hiện đại đang tiếp nhận hưng khí thời đại để lan tỏa như bản thể ẩn chứa của đất Thăng Long ngàn tuổi. Cuốn sách mà Hồ Quang Lợi sắp xếp có chủ ý, hay như tự nó hình thành tự nhiên được chia thành 3 phần để bạn đọc dễ tiếp nhận. Phần I là “Cuộc sát hạch nghiêm khắc” tập hợp những bài viết xung quanh dấu ấn mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, hợp nhất Hà Nội và Hà Tây bộn bề về quy hoạch, kiến trúc xây dựng để Thủ đô vươn lên tầm cao mới mà vững tin đi tới. Nhưng như tác giả nhận định, đây là cuôc sát hạch nghiêm khắc đòi hỏi trí tuệ và bản lĩnh, trí thông minh để hòa nhập và hội nhập phát triển, chứ không phải là phép cộng đơn giản. Phần II có tựa đề “Trên bệ phóng ngàn năm” lấy dấu mốc năm Đại lễ mừng Thủ đô nghìn tuổi làm điểm tựa, Hồ Quang Lợi  với cảm hứng sâu thẳm niềm tự hào mà tỉnh táo để phân tích, dẫn giải, kiến giải về những lợi thế, ưu thế sinh lực của Hà Nội trong lòng dân tộc từ “sinh lực truyền thống”, “Hội tụ kết tinh lan tỏa” đến “Rạng thế rồng bay” để có một “Tầm vóc Hà Nội - Vị thế Việt Nam” ngày nay và mai sau. Và phần III theo NXB Hà Nội là phần tâm hồn và tình cảm Hồ Quang Lợi dành trọn cho chủ đề “Dòng Văn hiến bất tận”, nơi tích tụ những dịu dàng sâu lắng của một tâm tình đa cảm đầy trách nhiệm. Qua sự trải lòng cũng là mong muốn của ông, tất cả chúng ta đều thấy mình phải có trách nhiệm cùng “Bồi đắp tâm hồn, cốt cách người Hà Nội” để “Văn hóa sẽ nâng cánh cho Thủ đô phát triển”…

Tập sách “Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại”.

2.Có thể nói, cả ba phần trong tổng thể của cuốn sách là một sự thống nhất trong tầm tư duy trí tuệ và tình cảm của Hồ Quang Lợi trở nên tự nhiên như một dòng chảy của con sông Hồng mà trong nhiều bài viết, ông như du trên sóng để tìm cảm hứng cho từng dòng văn. Cảm hứng từ sông Hồng dường như xuyên suốt các bài viết trong tập sách, vì thế đọc hết gần 450 trang sách, tựa như ta đang bơi trên dòng sông nhân từ của truyền thống. Hãy nghe ông viết về con sông này với tư cách như một nhà văn “Các nền văn minh lớn của loài người đều hình thành bên những dòng sông lớn. Sông Hồng, sông Cái, sông Mẹ của ta đã chất chứa sinh sôi phù sa cho các miền quê dọc thủy trình, những bãi bờ đồng đất,lớp lớp người nối tiếp và tỏa sáng, dồn bao phù sa về chốn Hà thành” (Tinh thần phù sa). Ở một bài báo khác “Nhịp cầu - nhịp sống” Hồ Quang Lợi tràn ngập cảm xúc: Bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc), sông Hồng- còn được gọi là sông Cái, sông Mẹ- chảy vào Việt Nam tại địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tôi cùng các đồng nghiệp báo Hà Nội mới lội xuống ngã ba sông, đúng nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, cách Đồn Biên phòng A Mú Sung khoảng 4km. Đứng ở nơi địa đầu đó, trào dâng cảm xúc về Tổ quốc linh thiêng, tôi hình dung ra hành trình dài 510km sông Hồng chảy trong đất nước ta, qua nhiều tỉnh, bồi đắp cả một vùng châu thổ trước lúc đổ ra biển Đông”. Cũng với cảm hứng ấy, ông nói về những cây cầu bắc qua sông Hồng - biểu tượng phát triển mới của Thủ đô ngày nay:“ Như những cơ thể sống, mỗi cây cầu vắt ngang sông Hồng là một dấu mốc không phai mờ trong tiến trình lịch sử, trở thành một phần máu thịt, tâm hồn của Thăng Long - Hà Nội”.

Từ cảm hứng về sông Hồng, ông dẫn dắt bạn đọc tới những phát triển mới của Hà Nội mà không cần nhiều lời thuyết giáo, điều mà có thể nhiều người chưa để tâm để nhìn thấy những vận động đi lên khó nhìn thấy: “Cách đây 112 năm, chỉ duy nhất có cầu Long Biên ngự mình trên sông Hồng. 80 năm sau mới có cây cầu thứ hai. Và cứ thế, với nhịp độ tăng dần, đến nay đã có 7, và trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có 10 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng. Rạng rỡ, lung linh, hoành tráng. Nhịp độ đó thể hiện tầm vóc của Hà Nội, sức sống của Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Những cây cầu cho phép hình dung vóc dáng một đô thị hiện đại bên bờ sống trong tương lai”. Cũng với cách diễn giải như thế, ông nói về sự phát triển vượt bậc của Hà Nội sau 5 năm sáp nhập tuy với những con số mà không hề khô khan: “Tựa lưng vào dãy Tam Đảo, Ba Vì, hướng ra biển Đông trong mạch nguồn của đất Thăng Long xưa đang hiện hữu một Hà Nội từng ngày, từng giờ vươn mình mạnh mẽ. Đây là những con số ấn tượng: 9,45% năm - tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Hà Nội trong giai đoạn 2008-2012, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257USD/ người, gấp  1,33 lần so với năm 2008. Dù phải chịu ảnh hưởng do suy thoái kinh tế quốc tế kéo dài, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô vẫn luôn gấp 1,5 lần so với mức bình quân của cả nước” (Hà Nội trên tầm cao mới). Và cũng từ đó, với tư cách là một người con của đất Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, ra Thủ đô lập nghiệp, ông tâm sự dân chủ với mọi người: “Đã đến lúc, những ai nhập cư về Hà Nội, những người vốn đang sống tại đây cần thấm sâu niềm tự hào về trách nhiệm căn bản của danh nghĩa “người Hà Nội”. Công dân Thủ đô không chỉ xác nhận bằng hộ khẩu, CMND mà cần “căn cước văn hóa”. Căn cước ấy là hình ảnh mỗi công dân Thủ đô thể hiện qua từng ngày sống nơi địa linh vốn vang danh lịch lãm, hào hoa, tinh tế” (Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại).

3. Tôi để ý thấy trong tập sách, Hồ Quang Lợi có dành những trang viết đầy suy tư, xúc động về 4 nhân vật mà nhiều người biết là “người tỉnh ngoài” nhưng đã để lại những dấu ấn đặc biệt về Hà Nội. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “vị Tướng của lòng dân, vị Tướng của hòa bình”; nhà văn hóa Vũ Khiêu, công dân ưu tú số 1 của Hà Nội; Thiếu tướng Trần Công Mân, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân và đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Với đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, ông tường thuật lại cuộc đối thoại của đồng chí Bí thư “Hai giờ đối thoại ấn tượng ở New York” tại Hội thảo Châu Á ngày 24-7-2014 với giới trí thức, học giả, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực. Qua cuộc đối thoại này cho thấy tầm vóc văn hóa, bản lĩnh của Bí thư Thành ủy “Thành phố vì hòa bình”. Với vốn ngoại ngữ thành thạo, Hồ Quang Lợi cho biết: “Ông Tom Nagorski, Phó Giám đốc điều hành Hội Châu Á nắm chặt tay chúng tôi nói: Ông ấy trả lời rất rõ ràng những câu hỏi phức tạp. Ông ấy làm chủ những điều ông ấy nói. Cách nói thuyết phục.Thú thật, thật lý thú khi chúng tôi được trực tiếp nghe một vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nói chuyện cuốn hút như vậy” (Hai giờ đối thoại ấn tượng ở New York). Còn đối với Giáo sư Vũ Khiêu, Hồ Quang Lợi đã gặp gỡ, tiếp xúc làm việc nhiều lần, tôi từng đọc nhiều bài viết về Giáo sư nhưng khi đọc bài “Một trí tuệ trác việt” thì bỗng thấy ngẩn ngơ trước những dòng văn thấm đẫm tình cảm mà Hồ Quang Lợi dành cho Giáo sư: “Chất nghệ sỹ trong tâm hồn ông là một sức hút mạnh cho nhiều nghệ sỹ bậc thầy, danh tiếng trong nước và quốc tế muốn làm bạn và là bạn của ông. Bạn không nệ tuổi. Những ai được gần gũi, là bạn của ông, là con cháu ông, là hậu bối của ông đều tự hào và tin tưởng, coi ông như một chỗ dựa lớn về tinh thần. Những nhà lãnh đạo, những người làm công tác văn hóa của thành phố văn hiến này cũng luôn coi trí giả đáng kính Vũ Khiêu là cố vấn đặc biệt, kiến giải nhiều vấn đề trong đời sống văn hóa, tinh thần của Thủ đô đương đại”. Với Thiếu tướng Trần Công Mân, một người thầy của mình, Hồ Quang Lợi đã tưởng nhớ về người thầy với những dòng văn lay động tận lòng người: “Tôi như vẫn thấy bóng ông khoan thai đi ngang qua đường Lý Nam Đế, mái tóc bạc như mây dưới tán lá xanh rì của những cây sấu già quen thuộc, như vẫn thấy dưới bóng đèn khuya, ngọn bút của ông lao đi gấp gáp như bay trên những trang bản thảo, đuổi bắt cho được những ý tưởng lóe sáng, như vẫn nghe giọng nói ấm áp, trầm tĩnh của ông trong những câu chuyện bình dị về cuộc đời, về nghề nghiệp. Như vẫn còn đâu đây dáng ông nhẹ nhàng lên xuống cầu thang bằng gỗ đã mòn vẹt qua năm tháng, tay cầm bản thảo, vẻ mặt trầm tư như đang nghĩ ngợi điều gì”. Tiếp nhận câu văn như thế, tôi vẫn thầm tiếc, do eo hẹp về thời gian, nếu không chúng ta còn được chiêm ngưỡng những tuyệt bút khác của Hồ Quang Lợi viết về các công dân Thủ đô tiêu biểu khác mà ông từng tiếp xúc, làm việc, quen thân.

Có thể nói được rằng, nhờ bút lực của một nhà báo tài hoa, với ma lực thuyết phục một cách dân chủ của những con chữ, tập sách “Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” của Hồ Quang Lợi ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, như tên một bài báo cuối sách “Một mùa thu đẹp” sẽ bồi đắp cho ta thêm yêu Hà Nội, thêm nghĩa vụ với Thủ đô yêu dấu mà ta đang sống

Hồng Thái
.
.
.