Sự yên bình của xã hội là cảm hứng sáng tác của nhà văn

Thứ Sáu, 06/07/2012, 08:56
"Sự yên bình, trật tự xã hội chính là cảm hứng sáng tác cho nhà văn sáng tác về người CSND... Người cầm bút phải nhìn đúng bản chất, mới thấy được hiện thực và vẻ đẹp của người Cảnh sát nhân dân và sẽ rung động, thay vì chỉ nhìn cái xấu nhỏ mà kêu ca phàn nàn!" - Nhà văn Dương Duy Ngữ.

2 cuốn tiểu thuyết cùng gần 20 truyện ngắn với những góc nhìn riêng biệt, đầy xúc cảm và sẻ chia về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân (CSND), là những rung động sâu thẳm trong tâm hồn nhà văn Dương Duy Ngữ, một Đại tá Quân đội. Cái nhìn ấm áp của một người lính già về những điều diễn ra trong cuộc sống, chiến đấu của người Cảnh sát, đã dễ dàng đi vào lòng người đọc, góp phần tạo nên sự hiểu biết, cảm thông với những người làm nhiệm vụ gìn giữ ANTT. Để bạn đọc hiểu thêm về những sáng tác của nhà văn Dương Duy Ngữ,  PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông:

PV: Vốn là một nhà văn gắn bó với những tác phẩm về văn hóa làng xã rất sâu sắc, cảm hứng nào đã đưa ông đến với đề tài về người chiến sĩ Công an nói chung, người CSND nói riêng,  một cách thành công?

NV Dương Duy Ngữ: Lực lượng CSND có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội. Trên đường phố, có Cảnh sát giao thông (CSGT) mà vẫn xảy ra tình trạng chen lấn, vượt đèn đỏ. Vậy thử hình dung nếu không có họ, xã hội sẽ rối loạn thế nào? Ở nhiều nước ngay bên cạnh ta, vẫn diễn ra cảnh khủng bố, đánh bom liều chết, trong khi Việt Nam lại là nước rất ổn định. Trong các vụ án, lực lượng Cảnh sát còn luôn điều tra, khám phá nhanh, cho thấy, ngoài nghiệp vụ giỏi, các anh còn là những người có trách nhiệm cao với dân.

Sự yên bình, trật tự xã hội chính là cảm hứng sáng tác cho nhà văn sáng tác về người CSND. Những hiện tượng không lành như mãi lộ, ứng xử chưa văn hóa, chỉ là chuyện vặt, mang tính cá thể, không đáng ngại. Người cầm bút phải nhìn đúng bản chất, mới thấy được hiện thực và vẻ đẹp của người Cảnh sát nhân dân  và sẽ rung động, thay vì chỉ nhìn cái xấu nhỏ mà kêu ca phàn nàn!

PV: Ông có thể chia sẻ với bạn đọc sự thấu hiểu của mình với lực lượng CSND qua những tác phẩm đã có?

NV Dương Duy Ngữ: Những gì tôi cảm nhận từ thực tế, đều được thể hiện trong các tác phẩm: “Đi trực với chồng” là câu chuyện vợ một anh Cảnh sát hình sự hay nghi ngờ chồng, đã “tình nguyện” đi trực cùng anh, để rồi, cùng chồng trải qua bao nguy hiểm của cuộc săn bắt tội phạm trong đêm đông rét mướt. Sự trải nghiệm cho chị hiểu thêm công việc hy sinh thầm lặng của chồng, để cảm thông và yêu thương nhiều hơn.

“Bụi đường” kể về một người CSGT làm nhiệm vụ ở ngã ba đường. Một ngày, không thấy anh, hỏi ra mới biết, anh phải nằm viện vì lao phổi, do ngày ngày hít phải quá nhiều bụi bặm.

Tôi cũng dành sự chia sẻ đặc biệt với lực lượng Cảnh sát trại giam, bởi những chuyến thực tế từng khiến tôi rơi nước mắt. Do đặc thù công việc, họ phải sống ở nơi rừng xanh núi thẳm, xa gia đình biền biệt, vợ con không được nhờ, cuộc sống thiếu thốn. Nhiều anh quản giáo chưa một lần trực vợ đẻ, hiếm khi được chăm sóc con mình, nhưng lại nhiều lần phải trực phạm nhân đẻ và chăm sóc con cái phạm nhân. Nữ quản giáo lại càng nhiều khó khăn: Con cái sinh ra học hành ở đâu? chơi với ai, nếu không chơi với con cái phạm nhân? Sự hy sinh quá lớn này nếu không chứng kiến, sẽ khó thấu hiểu.

PV: Thực tế, còn nhiều người không thiện cảm với lực lượng CSGT, nhưng ngòi bút của ông lại dành cho họ những tình cảm nhân ái?

NV Dương Duy Ngữ: CSGT là lực lượng “va chạm” nhiều nhất với dân, nhưng là để giữ nguyên kỷ cương pháp luật. Một bộ phận dân mình không quen với sự qui củ, nền nếp của Luật Giao thông nên tự cho mình “quyền” vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách vv… và CSGT phải xử lý những “quyền lợi” không chính đáng đó, lại khiến một số người bức xúc. Chúng ta cần nhìn rộng ra: nếu không có lực lượng CSGT, thì giao thông sẽ hỗn loạn, vi phạm sẽ nhiều, gây ùn, ách tắc giao thông, thậm chí, còn gia tăng số người bị thương và tử vong.

PV: Các câu chuyện của ông đều có nguyên mẫu? Đặc điểm chung hình tượng người CSND của ông?

NV Dương Duy Ngữ: Từ nguyên mẫu, tôi mới triển khai các mối quan hệ của nhân vật. Các nhân vật Cảnh sát của tôi có chung đặc điểm: là những người hàng ngày sống lặng lẽ, tưởng như không biết gì. Nhưng khi vào việc, thì họ lại thông minh, nhanh nhẹn và hiểu biết sâu sắc, đặc biệt là văn hóa ứng xử, để từ đó, giải quyết tốt các vấn đề ở cơ sở.

PV: Lực lượng Công an đã tổ chức nhiều trại viết, các đợt thực tế cho các nhà văn. Điều đó đã đủ để làm nên những nhịp cầu đến với các tác phẩm văn học xứng tầm về đề tài này, thưa nhà văn?

NV Dương Duy Ngữ: Theo tôi, các trại viết, các chuyến thực tế là những xúc tác cực quí và cực mạnh với nhà văn để hình thành các tác phẩm tốt. Nhưng điều rất quan trọng là nhà văn phải có cái nhìn về người CSND đúng mức, vì không phải ai cũng có cái nhìn chuẩn về lực lượng này.

PV: Lực lượng Công an có cần phải tạo thêm nhiều nhịp cầu, giúp nhà văn hiểu biết nhiều hơn, để viết sâu và hay hơn?

NV Dương Duy Ngữ: Chỉ cần lực lượng CSND làm đúng chức trách, phận sự, chính là cách để tạo lòng tin với nhân dân, chứ không cần phải làm để lấy lòng ai. Khi anh đã làm tốt trách nhiệm, thì nhà văn nhìn thế nào là con mắt và cái tâm của họ!

PV: Lịch sử đã ghi nhận những chiến công của lực lượng CSND là vô cùng to lớn đối với đất nước . Nhưng theo ông, đến nay, đã có tác phẩm văn học xứng tầm chưa ạ?

NV Dương Duy Ngữ: Có lẽ là chưa, kể cả bản thân tôi và những tác giả khác!

PV: Điều kiện để có những tác phẩm lớn, xứng đáng với sự hy sinh kỳ vĩ của lực lượng CSND là gì, thưa ông?

NV Dương Duy Ngữ: Tài năng và nhân cách nhà văn. Hai cái đó phải kết hợp chặt chẽ. Có nhân cách mà thiếu tài năng sẽ không thể có tác phẩm tốt. Có tài năng mà thiếu nhân cách thì thành độc hại!

PV: Là một nhà văn, quan điểm của ông về đề tài người CSND?

NV Dương Duy Ngữ: Đó là một khu mỏ nguyên sinh lộ thiên, dồi dào mà cho đến nay, việc khai thác vẫn chỉ mới bắt đầu.

PV: Ông có tiếp tục gắn bó với những trang viết về đề tài lực lượng CSND hay không và dự định gần nhất của ông là gì?

NV Dương Duy Ngữ: Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát đẹp và hay đến thế, khiến nhà văn như bắt được “mỏ vàng” thì chả có lý do gì để bỏ! Tôi đang viết một truyện vừa về người Công an xã, có thể sẽ chuyển thể thành kịch bản. Sẽ có những tình tiết thú vị, hấp dẫn mà phải sau nhiều thời gian đắm mình ở cơ sở, tôi mới có được.

PV: Cám ơn nhà văn

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.