“Sư tử đá vốn chỉ là linh vật canh mộ người chết”

Chủ Nhật, 23/11/2014, 09:00
Đó là điều được TS. Tống Trung Tín (nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam) cho biết tại hội thảo về vấn đề sử dụng các mẫu biểu tượng linh vật ở Việt Nam, do Bộ VH,TT&DL tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11.

Việc sử dụng linh vật ngoại lai lan tràn, có nguy cơ xâm lấn văn hóa truyền thống, đang được dư luận chú ý và Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo không khuyến khích sử dụng trong các công trình tâm linh, công cộng. 

Các nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà quản lý đều thống nhất về thực trạng sử dụng mỹ thuật ứng dụng hiện nay của nước ta là thiếu vắng nét riêng của bản sắc Việt. Họa sỹ Lê Huy Văn (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) nhấn mạnh về những lỗ hổng về kiến thức và trình độ quản lý khi đến chợ Gốm Bát Tràng chỉ thấy các mẫu gốm của nước ngoài tràn ngập với những chú chó béc giê màu vàng, tai vểnh, thè lưỡi đỏ lòm nghênh ngang đứng ngay cửa chợ khiến người ta tưởng đây là chợ chó. Đi đến các đình, đền, chùa để cầu sự bình an thì từ xa đã thấy hai con sư tử đá chễm trệ nhe nanh, giơ vuốt như hăm dọa, như giận dữ, nhiều con cao gấp rưỡi con người, che lấp cả cửa Phật linh thiêng.

Từ thực tế nghiên cứu qua các di vật khảo cổ, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, dưới mọi thời đại, các trang trí trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam đều thể hiện rõ bản sắc Việt: Oai linh nhưng gần gũi, trang nghiêm nhưng bình dị, phù hợp với đặc trưng văn hóa của một dân tộc yêu hòa bình trong sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là bản lĩnh mỹ thuật Việt Nam trải qua hàng nghìn năm bị đồng hóa mà “ta vẫn là ta”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhiều năm trước con sư tử xuất hiện ở chùa Một Cột, Từ Sơn (Bắc Ninh), rồi mới tràn lan như hiện nay. Lỗi là do chúng ta không có gì thay thế. Đây là vấn đề quan trọng để giải quyết thực trạng và những người giữ vai trò chính là giới mỹ thuật. Nhưng chúng ta không nên kỳ thị văn hóa, mà vẫn tôn trọng những doanh nghiệp nước ngoài muốn đặt linh vật của dân tộc họ, hoặc doanh nghiệp trong nước đặt, khi họ thấy có thông điệp trong đó.

Một số nhà chuyên môn đề xuất: Bộ VH,TT&DL nên có văn bản cho các làng nghề sử dụng, giảng dạy trong nhà trường, kết nối giữa nghệ nhân và sinh viên để có được mối liên hệ giữa học thuật và thực tế. Đó là một cách để tránh người Việt tự “xâm lăng văn hóa” của chính mình

Dạ Miên
.
.
.