Sự thật về một di tích quốc gia vùng Bảy Núi

Thứ Sáu, 23/05/2014, 12:11
Đối với đông đảo khách thập phương hành hương về vùng Bảy Núi vào mỗi mùa Vía Bà hàng năm, Di tích Quốc gia Chùa Tây An (Tây An cổ tự, tọa lạc tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang, được xếp hạng năm 1980) là một trong những điểm dừng chân linh thiêng. Tuy nhiên, gần đây, một số tờ báo đã có một số bài viết sai sự thật, làm méo đi hình ảnh di tích đã tồn tại từ cách nay 167 năm, gây bức xúc đối với người dân địa phương và khách hành hương. Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã cho lập đoàn kiểm tra và đã có kết luận, chỉ ra từng nội dung mà một số báo đã phản ánh thiếu chính xác. Đại diện Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam cũng đã chính thức lên tiếng trước những thông tin sai lệch đối với di tích này.

Theo ông Nguyễn Văn Lên - Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh An Giang, Trưởng đoàn công tác liên ngành tỉnh An Giang, có 5 cơ quan báo, đài phản ánh 10 nội dung liên quan đến Di tích Quốc gia Chùa Tây An và đều có cùng nhận định: Sau khi tiếp quản chùa Tây An với cương vị Viện chủ và Trụ trì, Hoà thượng Thích Huệ Tài và Thượng toạ Thích Thiện Thống đã có những việc làm khiến cho Di tích bị… méo mó, biến dạng như “phá dỡ kiến trúc”, để “cổ vật không cánh mà bay”, “tự ý đập mộ 2 vị sư trong khu bảo tháp”, “đặt 33 thùng công đức”, “dẹp bỏ Huân chương kháng chiến”, dùng sắt thép “can thiệp” xung quanh mộ Phật Thầy Đoàn Minh Huyên...

Sau khi có phản ánh của một cơ quan báo chí, GHPG Việt Nam tỉnh An Giang phát hành nhiều văn bản giải thích, chứng minh việc chỉnh sửa của chùa Tây An là đảm bảo quy định của luật pháp, trong đó có Luật Di sản và Phật pháp. UBND tỉnh An Giang cũng ban hành quyết định lập Đoàn liên ngành (gồm 17 thành viên) kiểm tra và xác định có 9/10 nội dung mà một số cơ quan báo chí đã phản ánh (đối với Di tích Quốc gia Chùa Tây An) không đúng sự thật.

Chẳng hạn như chuyện báo viết “mất cổ vật”, theo giải thích của phía nhà chùa và qua kiểm tra của đoàn liên ngành, do nhận thấy việc bày trí binh khí trong chùa không phù hợp với giáo lý từ bi nhà Phật nên trụ trì đã tạm cất cổ vật vào kho. Riêng vụ dẹp bỏ “Huân chương kháng chiến của chùa” và dùng sắt thép “can thiệp” xung quanh mộ Phật Thầy Đoàn Minh Huyên là chuyện “trên trời rớt xuống” bởi theo xác nhận của cơ quan chuyên trách, chùa Tây An chưa được tặng thưởng Huân chương kháng chiến. Mặt khác, so kết quả kiểm tra với tài liệu gốc thì các yếu tố gốc của ngôi mộ Phật Thầy vẫn giữ nguyên vẹn...

Một góc Tây An Cổ Tự.

Các yếu tố gốc của Di tích kiến trúc nghệ thuật của chùa Tây An như: kết cấu, hoa văn, họa tiết... theo kết luận của ngành chức năng, đến nay vẫn được gìn giữ nguyên vẹn so với hồ sơ công nhận. Hay như thông tin “các nhà sư phá dỡ kiến trúc trong chùa mà cụ thể là lót gạch mới tại một số vị trí” – theo bà Trần Thị Thanh Mai - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng An Giang, thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành, nhận định này là chưa đúng bởi về mặt chuyên môn, nền gạch không phải là cấu kiện chính của di tích, vả lại việc này đã được thực hiện từ năm 2006 (có lập biên bản).

“Việc trùng tu, sửa chữa vừa qua là nhằm chống xuống cấp, tạo cảnh quan đẹp hơn chứ không làm biến dạng di tích như một số báo đã nêu” – bà Mai khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, từ trước khi một số báo có bài viết phản ánh, có một số “đơn tố cáo” của một nhóm người được gửi đi. Cả trong đơn này và một số cơ quan báo chí đều lặp đi, lặp lại động cơ của mình là “muốn bảo tồn di tích…”. Thế nhưng sau khi GHPG Việt Nam và UBND tỉnh An Giang có văn bản khẳng định Di tích chùa Tây An vẫn nguyên vẹn thì một số cá nhân (trong đó có tác giả của một bài báo) tỏ ra “chưa chịu” qua việc mang văn bản của cơ quan chức năng và đơn khiếu kiện của người khác đến Ban Nội chính tỉnh để “khiếu nại thay”; thậm chí tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan TW.

Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh An Giang, sự việc xuất phát từ việc một nhóm người lâu nay “gắn bó” với chùa Tây An nay đã không còn được “thoải mái” trước chính sách quản lý chặt chẽ, đi sâu vào phật pháp của các vị chức sắc mới...

Để khách quan, chúng tôi trao đổi với nhiều vị cao niên, có uy tín ở phường Núi Sam - nơi mà theo phản ánh có trên 100 phật tử ký đơn tố cáo, và cùng nhận được câu trả lời: Có một vài người tự viết đơn rồi đi vận động lấy chữ ký với ý định “đuổi 2 vị chức sắc” này ra khỏi di tích.

Ông Lê Văn Tự, 67 tuổi, ngụ tổ 13, khóm Vĩnh Đông kể lại: “Một người bạn đồng niên mang đơn đến quán cà phê vận động tôi ký tên, nhưng khi phát hiện đơn không bình thường (chỉ có phần giấy để ký tên, không có phần nội dung,…) nên tôi thắc mắc. Lúc này, người đó mới bật mí là đơn đề nghị đuổi “2 vị sư phá chùa”. Vì thấy điều này không đúng thực tế nên tôi không ký”. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng kịp nhận ra trắng đen như ông Tự, mà vẫn bị “dính bài” đã được sắp sẵn. Ông Cao Văn Hết, 77 tuổi, tổ 3 khóm Vĩnh Xuyên kể ông do tuổi cao, mắt kém và tin tưởng lời nói của người đi vận động khớp với nội dung trong đơn nên ông đã ký tên và trực tiếp “gõ cửa” cơ quan chức năng tỉnh. Đến khi được giải quyết nội dung đơn, ông mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã bị… xí gạt.

Ông Hồ Việt Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Do chưa tìm hiểu thông tin nhiều chiều, đầy đủ từ trụ trì chùa, cơ quan quản lý nhà nước, quản lý văn hóa và người dân có thiện ý nên một số báo đã thổi phồng sự việc, chưa đúng bản chất sự việc, gây hiểu lầm trong nhân dân; đặc biệt là gây bức xúc đối với sư trụ trì chùa, Ban trị sự GHPG tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý văn hóa của tỉnh và làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương”

Thái Bình
.
.
.