Sự thật luôn sáng tỏ

Thứ Hai, 25/01/2010, 12:59
Mấy ngày nay, sau phiên toà xét xử 4 công dân Việt Nam vi phạm pháp luật là Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (theo Điều 79 BLHS nước CHXHCN Việt Nam) tiếp tục được báo chí trong nước và nước ngoài đưa tin khá đậm nét.

Điều không bình thường là ở chỗ, một số phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ngoài đã có nhiều bình luận chưa đúng với sự thật phiên tòa, chưa đúng với nhân thân và hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của các bị cáo.

Như nhiều người từng biết, bị cáo Lê Công Định, sinh năm 1968, tại TP HCM, tốt nghiệp Khoa Luật và hành nghề luật sư. Còn Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, tại TP HCM, tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa TP HCM, từng là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại trên Internet. Lê Thăng Long, sinh năm 1967, tại Quảng Ngãi, từng tốt nghiệp Khoa Viễn thông ĐHBK TP HCM năm 1990 và năm 1994 cùng với Trần Huỳnh Duy Thức thành lập Công ty Tin học Duy Việt tại Hà Nội. Còn Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, quê Thái Bình, từng là sinh viên Trường ĐHBK TP HCM, sau đó sang Pháp học và tốt nghiệp thạc sỹ thông tin. Như thế họ đều là người có học.

Những ai theo dõi phiên toà này đều thấy ngạc nhiên để đặt câu hỏi, vì sao các bị cáo Thức, Định, Trung, Long là những người có học thức, còn trẻ,… lại có hành động điên rồ theo đuôi bọn phản động nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam? Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra và tại phiên toà, Lê Công Định đã khai vanh vách về những hành vi vi phạm pháp luật của mình và đồng phạm.

Tại phiên toà, Lê Công Định một lần nữa thừa nhận: "Lúc đầu, tôi chỉ muốn góp ý cải cách về kinh tế, pháp luật, nhưng sau đó, tôi đã đi quá xa. Tôi biết rõ những điều mình làm đã vi phạm luật pháp Việt Nam mà nguyên nhân xuất phát từ nhận thức chủ quan, nên đã bị lôi kéo vào những âm mưu hòng lật đổ chính quyền Nhà nước...".

Trần Huỳnh Duy Thức từng khai "Cái giải pháp tổng thể mà tôi vừa nói tôi gọi nó là quyển sách "Con đường Việt Nam", cái thời điểm mà chúng tôi dự kiến vào cuối năm 2010 là thời điểm mà tôi gọi là lúc phất cờ tức là lúc đó, theo chủ quan của tôi là sẽ có khủng hoảng kinh tế trầm trọng... Có một vấn đề mà trước đó chúng tôi cũng đã có trao đổi, đó là vấn đề lập nên 2 cái đảng mới là "đảng Lao động Việt Nam" và "đảng Xã hội Việt Nam", thì tôi đã nhận giúp cho ông Tâm lập ra một blog mang tên là "đảng Xã hội Việt Nam", còn ông Định sẽ chịu trách nhiệm lập blog có tên "đảng Lao động Việt Nam"...

Còn Nguyễn Tiến Trung thì khai: Vào cuối năm 2007, ban đại diện của "Tập hợp Thanh niên dân chủ" có chủ trương ủng hộ biểu tình và mong muốn tôi tham gia, đến đầu năm 2008 thì ông Hoàng Minh Chính là Tổng thư ký của "đảng Dân chủ Việt Nam" qua đời, Ban thường vụ đảng Dân chủ Việt Nam đã cử tôi đại diện dự lễ tang, đồng thời đây cũng là dịp để công khai hoạt động của "đảng Dân chủ Việt Nam" ở trong nước...".

Ngay trước khi kết thúc phiên tòa, Trung có vẻ thành khẩn thừa nhận vì tuổi trẻ bồng bột, "nóng vội nên bị cáo mới có những sai lầm đáng tiếc này". Riêng Lê Thăng Long từng tham gia "Nhóm nghiên cứu Chấn" với Trần Huỳnh Duy Thức, sau đó tách ra từ tháng 4/2007. Thế nhưng trước đó, Long đã cùng Trần Huỳnh Duy Thức xây dựng kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Xin trích một đoạn do chính tay Long viết trong tài liệu "Tuyên ngôn dân chủ": "... Làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải là đổi mới từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh...Cụ thể phải chuyển từ thể chế nhất nguyên, độc đảng sang thể chế đa nguyên, đa đảng...".

Tại phiên toà ngày 21/1, Long tìm cách chối tội, và cho rằng những việc làm cùng với Trần Huỳnh Duy Thức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là… "yêu nước" (!).Thực ra các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung nhầm tưởng về trí tuệ và vai trò của mình, muốn làm "một điều gì đó" cho "trời long đất lở" để leo lên tiếm quyền. Mình họ không làm được thì phải cầu viện. Có thể, họ học những kẻ phản bội dân tộc trong lịch sử, phải cầu "ngoại binh".

"Ngoại binh" ở đây trước hết là Nguyễn Sỹ Bình (cái gọi là “đảng nhân dân hành động” ở Mỹ), "ngoại binh" ở đây là một số nhân viên, quan chức đại sứ quán nước ngoài ở châu Âu, châu Mỹ. Nhiều người cho rằng, các ông Công Định, Duy Thức, Thăng Long, Tiến Trung chưa hẳn đã cần tiền bạc như cái ông Trần Anh Kim - kẻ bất mãn ở Thái Bình - cũng không phải họ tôn sùng gì cái ông Nguyễn Sỹ Bình thua kém về trí tuệ. Chẳng qua họ cần một thế lực ở nước ngoài. Vì thế, họ sẽ "cầu viện" qua ông Bình để các thế lực thù địch với Việt Nam biết mặt, điểm tên. Họ hi vọng đến lúc ấy sẽ hợp lực để lật đổ Nhà nước Việt Nam để "chia bánh" kẻ làm thủ tướng, kẻ làm bộ trưởng kinh tế như lời thú nhận của Trần Huỳnh Duy Thức.

Họ nói yêu nước ư? Lo cứu dân ư? Nhưng dân nào cần họ? Vì họ là những người hoạt động nhằm lật đổ chính quyền của dân - chính quyền đã và đang lo cho cuộc sống ấm no của dân. Rất may hành động chống phá đất nước của họ bị lực lượng Công an chặn đứng và họ không thể chối tội trước Tòa án.Cần khẳng định rằng, trong quá trình điều tra cũng như ở phiên toà xét xử các bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, sự thật là sáng rõ.

Trong khi các bị cáo Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung thừa nhận mình vi phạm pháp luật và xin Nhà nước khoan hồng thì ngược lại ở một số tờ báo đăng tin có cá nhân đòi thả họ ra, lấy cớ rằng, "họ chỉ chống Nhà nước trên Internet"(!). Pháp luật Việt Nam là do Nhà nước CHXHCN Việt Nam xây dựng nên. Pháp luật ấy thể hiện ý chí của hơn 85 triệu dân Việt Nam. Trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng. Những ai ở nước ngoài hoặc do không hiểu biết, hoặc do mục đích không trong sáng, đòi hỏi vô lý cho một vài cá nhân cụ thể vi phạm pháp luật, chắc chắn khó nhận được sự tôn trọng của đa số người dân Việt Nam. Người ta nói: "Một bàn tay không che nổi mặt trời", là như vậy

Thái Hồng
.
.
.