Thượng tá, nhà văn Bùi Anh Tấn:

Sự thành công luôn phụ thuộc vào tài năng của người sáng tạo

Chủ Nhật, 03/08/2014, 09:01
Nhắc đến nhà văn Bùi Anh Tấn, là nhớ đến những tác phẩm viết về đề tài đồng tính, bởi với cuốn tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, anh có niềm vinh dự không chỉ trở thành người đầu tiên đi sâu vào đề tài đồng tính, mà còn thành công, khi thuyết phục được cả những nhà văn, nhà phê bình tên tuổi, để giành liền 2 giải thưởng: giải A cuộc thi Tiểu thuyết và kí “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” cùng giải A Văn học 10 năm, đều do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức. Tác phẩm này được Đài truyền hình Việt Nam đưa vào loạt phim Cảnh sát hình sự (10 tập). Tất cả những điều đó đã khắc họa nên một cây bút Bùi Anh Tấn với dấu ấn riêng trên văn đàn.

Chuyên mục Tác phẩm đầu tay tuần này có cuộc trò chuyện cùng anh:

- Rất thành công ở đề tài đồng tính, liệu có phải tác phẩm đầu tay của anh cũng là đề tài này?

NV Bùi Anh Tấn: Thật ra, hồi ấy tiểu thuyết đầu tay của tôi là “Hậu chiến 72”, viết về hoạt động của người chiến sỹ An ninh, nhưng lại chưa in được. Trong khi chờ đợi, tôi viết “Một thế giới không có đàn bà” và được in ngay sau đó, nên đây như là tác phẩm đầu tay của tôi. “Hậu chiến 72” được xuất bản sau đó ít lâu. Đề tài đồng tính như là cơ duyên của người viết khi đến với nó, chứ thú thật tôi không lựa chọn. Lựa chọn ban đầu của tôi vẫn là viết về ngành, về nghề của mình. 

- Nhiều độc giả vẫn rất quan tâm đến hoàn cảnh ra đời tác phẩm đầu tay của anh?

NV Bùi Anh Tấn: Chỉ là tò mò thôi. Những năm cuối của thế kỷ 20, khi phim ảnh còn ít, internet chưa có, đồng tính vẫn là một điều gì đó hết sức xa lạ. Một thế giới “bí ẩn” dị biệt gần như bị quên lãng. Tuy nhiên, nó vẫn có sức sống mãnh liệt và tồn tại trong tối tăm, sợ hãi. Tôi tò mò không hiểu tại sao có một thế giới như vậy, có những người cùng giới tính yêu nhau và họ yêu ra làm sao, sao lại không giống những người dị tính khác xung quanh mình. Từ nỗi quan tâm tò mò ấy tôi quyết tâm tìm hiểu. Tất nhiên thời điểm ấy, việc tìm hiểu về đồng tính là cực kỳ khó khăn, tài liệu không có, mạng chưa có, bản thân người đồng tính thì khép kín. Tôi rất cực khổ tìm mọi cách để tiếp cận, tìm hiểu và chia sẻ. Cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt khi tiếp cận với người đồng tính. Qua đó tôi phát hiện ra những điều bi hài trong đó. Nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười và tôi viết.

- Anh đã có được kinh nghiệm gì từ thành công, hay chưa được của tác phẩm đầu tay? Nếu được làm lại, liệu anh sẽ có một con đường đi khác?

NV Bùi Anh Tấn: Kể ra nếu cho tôi viết lại sẽ “hay” hơn chăng? Tôi không biết, thời trẻ viết bằng niềm tin, tình yêu và bản năng nhiều hơn, viết trong sự thao thức nội tâm muốn chia sẻ những điều mình biết, suy nghĩ được gửi đến bạn đọc. Còn nay, già rồi, chữ nghĩa bắt đầu khó nhọc khi viết, phải dụng công nhiều hơn, kỹ thuật nhiều hơn. Thời trẻ viết hay, hay giờ viết hay, tôi không trả lời được, có lẽ để cho bạn đọc nhận xét. Khi viết tác phẩm đầu tay xong đôi khi trong tôi còn cả sự lo lắng hoài nghi liệu mình có viết văn được không? Không ai có thể biết trước việc lựa chọn đề tài này kia sẽ dẫn đến thành công, cũng như không nhà văn nào biết trước mình viết về đề tài A hay B sẽ thành công hay không? Lựa chọn đề tài cũng quan trọng, nhưng sự thành công luôn phụ thuộc vào tài năng của người sáng tạo, đề tài chỉ là một phần nhỏ trong đó. Rõ ràng có những đề tài “cũ mèm”, thiên hạ viết mòn cả rồi, nhưng vẫn vụt lóe ở người viết nào đó. Rõ ràng đó là tài năng, tài năng không phụ thuộc vào đề tài. Với tôi, viết là viết thôi, khi trong mình đã đầy đủ chữ nghĩa về điều mình sẽ viết. Văn chương đôi lúc là sự ngẫu nhiên, kèm theo sự may mắn và miệt mài lao động.

- Theo anh, thành công hay thất bại của tác phẩm đầu tay nên được nhìn nhận như thế nào để người viết "bình tĩnh" đi tiếp con đường sáng tác?

NV Bùi Anh Tấn: Theo tôi nghĩ, khi bắt đầu viết mà thất bại dễ dẫn đến nản chí, khiến người viết nhụt chí không viết được nữa hoặc không tự tin khi viết. Sự thành công sẽ làm cho người viết phấn khởi, động viên tinh thần viết. Tuy nhiên từ thành công ấy dễ khiến người viết “say nắng”, không giữ được tinh thần ngòi bút nữa. Một vài bạn văn của tôi sau khi được những giải thưởng văn chương nào đó bỗng nhiên trở nên rụt rè, không dám viết gì nữa, bởi sợ không bước qua được đỉnh cao đã có. Thế nên người viết cần được sự động viên, nhất là với tác phẩm đầu tay, tuy nhiên hãy bình tĩnh trước những tung hô hoa hòe hoa sói, hãy bình tĩnh để viết. Nghề văn là nghề cô đơn thầm lặng, thậm chí nhiều thiệt thòi so với nghề khác, luôn đòi hỏi tình yêu nghề, lòng kiên nhẫn vô hạn để viết và viết với tình yêu vô tận. Không vì danh vọng (làm sao biết được có nổi tiếng hay không?). Không vì tiền bạc (chưa thấy nhà văn nào giàu nhờ viết cả). Thế thôi, viết và không thể đòi hỏi gì khác.

- Nhiều người viết vẫn đi vào đề tài đồng tính, nhưng thành công như anh thì hiếm hoi. Anh có thể chia sẻ bí quyết đã giúp anh thành công?

NV Bùi Anh Tấn: Thật ra bây giờ cũng có khá nhiều người viết trẻ lao vào đề tài này và cũng có những thành công nhất định. Có những thời điểm viết về đồng tính nở rộ, nhà nhà viết, người người viết, tuy nhiên sau đó rất nhanh lụi tàn. Đến giờ còn dăm ba người kiên nhẫn đeo đuổi đề tài này. Tuy nhiên sau này vài người viết lại rơi vào cái vòng quanh quẩn của những câu chuyện “mua nước mắt” chán ngắt khi viết về đồng tính và vài người trẻ rơi vào tự nhiên chủ nghĩa và chìm nghỉm rất nhanh bởi giá trị văn chương không có. Tôi cũng chẳng có bí quyết nào để gọi là thành công khi viết về đề tài này, ngoại trừ viết bằng cả tấm lòng mình với bạn đọc. Trong nhiều nghề nghiệp, người ta có thể “giấu dốt” được, nhưng nghề viết thì không bởi mọi câu chữ đều phơi bày trên trang giấy. Bạn viết ra sao, hay dở… bạn đọc sẽ phát hiện ra ngay thôi. Giá trị văn chương là quan trọng và không phụ thuộc vào đề tài.

- Anh vẫn đang là một cây bút sung sức, từng thành công cả về mảng đề tài đồng tính cũng như có nhiều tác phẩm về hình tượng người chiến sĩ Công an. Anh có thể cho biết về tác phẩm anh dự định ra mắt sẽ “nghiêng” về đề tài nào?

NV Bùi Anh Tấn: Tôi vừa cho ra đời một tiểu thuyết mới mang tên “Thám tử yêu” vào tháng 5/2014, NXB Hội Nhà văn ấn hành, có liên quan chút ít đến Công an và cũng vừa hoàn thành một bản thảo có tên “Một ngày của Tổng thống” viết nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2015). Ngoài ra bộ phim truyền hình “Những bước chân hoang” do tôi viết, khởi quay từ ngày 1/8/2014, nhân vật Công an trong phim cũng khá nhiều. Viết về ngành tôi xem như là “mệnh lệnh từ trái tim”, có điều thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác, tình yêu, niềm say mê và tài năng. 

- Cảm ơn anh!

Thượng tá, nhà văn Bùi Anh Tấn được biết đến từ sau cuốn “Một thế giới không có đàn bà” và anh tiếp tục đi sâu về đề tài đồng tính với nhiều tác phẩm. Cùng với tiểu thuyết, truyện ngắn, anh còn viết kịch bản phim. Sức viết đầy nội lực, Bùi Anh Tấn đã có 15 tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn và 100 tập kịch bản phim.

Hiện, anh là Trưởng phòng - Trưởng chi nhánh NXB CAND tại TP Hồ Chí Minh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.