Sự giật mình mang tên... di sản

Thứ Bảy, 17/01/2015, 11:36
Trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa của Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên, một triển lãm chuyên đề riêng về hình tượng Sư tử và Nghê được giới thiệu rộng rãi đến công chúng tại TP HCM và cũng là triển lãm gây nhiều ngạc nhiên.

Ngày 15/1, triển lãm chuyên đề "Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" chính thức khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa của Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên, một triển lãm chuyên đề riêng về hình tượng hai linh vật này được giới thiệu rộng rãi đến công chúng tại TP HCM và cũng là triển lãm gây nhiều ngạc nhiên đến ngỡ ngàng cho không ít khách tham quan về chính những di sản văn hóa cha ông mà họ đang thừa hưởng.

Trong tâm thức của người Việt, Nghê là một loại linh thú. Do nhu cầu tín ngưỡng đa dạng linh vật này, Nghê có nhiều dạng thức. Căn cứ theo hình tướng của Nghê, Ban tổ chức triển lãm phân loại thành sư tử nghê, kỳ lân nghê, long nghê, khuyển nghê. Với Sư tử, đây là tượng linh vật mang tính vương giả, được tô điểm bằng những viên ngọc trên trán, miệng thường ngậm ngọc, có nhiều trường hợp chân còn giữ ngọc. Thế nhưng thực tế, cả hai linh vật mang tính biểu tượng của văn hóa Việt là rất lạ lẫm với không ít du khách.

Sự khác biệt của tượng Sư tử Việt cổ tạo nhiều bất ngờ cho khách tham quan.

Hình tượng Sư tử trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam có nhiều điểm khác biệt rất rõ ràng với các sư tử Tàu, sư tử Tây đang được sử dụng vô tội vạ tại nhiều di tích hoặc không gian văn hóa người Việt thời gian vừa qua... Sự xuất hiện của những con sư tử đá ngoại lai nói trên và cuộc tranh luận bùng phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến nhiều người giật mình. Ngay Ban tổ chức triển lãm cũng thừa nhận: "Từ góc nhìn văn hóa truyền thống mang tính biểu tượng, chúng ta thấy không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp và biến dạng. Điều này có nguyên nhân từ khoảng trống trong giáo dục di sản nghệ thuật và đặc biệt là thiếu cơ hội để công chúng được khám phá, tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật cổ Việt Nam". Đây cũng là một trong những lý do quan trọng thúc đẩy triển lãm này được thực hiện và giới thiệu rộng rãi trên cả nước..

Hoa Nguyễn
.
.
.