Sôi nổi Ngày hội sách và văn hóa đọc 2013

Chủ Nhật, 21/04/2013, 08:30
Ngày hội sách và văn hóa đọc 2013 với chủ đề "Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời" diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần, 20/4, đã thu hút hàng ngàn người đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ngày hội này được Bộ VH,TT&DL tổ chức, nhằm hưởng ứng thông điệp của UNESCO về Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 năm 2013.

Hơn 20 nhà sách và nhà xuất bản đã mang đến hội sách hàng vạn cuốn thuộc các lĩnh vực: văn học, khoa học, thiếu nhi, giáo dục vv… đảm bảo phục vụ bạn đọc ở đủ mọi lứa tuổi, lĩnh vực. Điểm trưng bày và bán sách nào cũng đông đúc người xem, người mua, chứng tỏ, tình yêu với sách của người Việt Nam vẫn rất nồng cháy. Ở các khu vực đọc sách miễn phí do nhiều nhà sách tổ chức, luôn thu hút rất đông trẻ em.

Dấu hiệu này, phải chăng cũng là đáng để hy vọng? Rõ ràng, các em bé không hề “chê” sách, không phải chỉ biết có Internet và chơi game, nếu người lớn biết đáp ứng đúng yêu cầu đọc của các em.

Cháu Vũ Vân Anh (ngõ 79, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Cháu rất thích được đến đây, vì cháu được đọc miễn phí rất nhiều cuốn sách hay, đặc biệt là các cuốn về khoa học viễn tưởng, vì cháu không có tiền để có thể mua nhiều cuốn như thế!”.

Các điểm bán sách giảm giá cũng rất chạy. Chị Trương Liên Châu (Thái Hà, Hà Nội) cho rằng, việc giảm giá sách giúp người đọc như chị tiếp cận với sách nhiều hơn, vì vẫn mua được những cuốn sách mà mình cần và muốn, mà lại tiết kiệm được một khoản tiền kha khá! Ít mua sách, vì điều kiện kinh tế, chứ không phải vì không có nhu cầu đọc sách.

Một hoạt động thể hiện trân trọng các nhà tri thức lớn của đất nước đã xuất hiện ở Ngày hội sách năm nay. Đó là các tấm pano rực rỡ sắc màu đặt ngay cổng vào của Văn Miếu, in ảnh và giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp, các tác phẩm nổi bật của các nhà văn, nhà thơ đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật: Nam Cao, Văn Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tế Hanh vv…

Ban Tổ chức cũng bố trí hẳn một gian rộng lớn để trưng bày các cuốn sách vừa đoạt giải Sách hay, sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam, tạo cơ hội cho người đọc biết đến những tác phẩm này một cách gần gũi nhất.

Các nhà xuất bản và nhà sách cũng mang đến đây nhiều hoạt động phong phú: Thi xếp sách nghệ thuật, triển lãm các cuốn sách, bản đồ cũ quý hiếm, thi vẽ tranh theo sách cho các em học sinh tiểu học, quyên góp sách, đặc biệt là chương trình đổi sách điện tử lấy sách in để tặng các thư viện, tủ sách dòng họ ở nông thôn...

Vì thế, không phải là những giá sách thông thường, mà còn có ở đây, những hình khối nghệ thuật bắt mắt được xếp từ những cuốn sách: hình Lăng Bác, hình trái tim, tên của NXB… thực sự tạo được sự thú vị cho khách tham quan.

Chương trình trình diễn thơ, văn xuôi của các tác giả trẻ, giao lưu tác giả tác phẩm đã thu hút rất đông người thưởng thức. Tọa đàm của các bậc phụ huynh “Làm sao cho trẻ hứng thú đọc sách; hướng dẫn các em đọc sách”, cũng được đông đảo phụ huynh và thầy cô tham gia.

Các gian hàng bán sách rất đông đúc người mua.

Chiều cùng ngày, khán giả còn được giao lưu với dịch giả Bích Lan, người đã có tự truyện “Không gục ngã” và còn là dịch giả của nhiều bộ sách nước ngoài nổi tiếng như “Triệu phú ổ chuột”, “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” … Người dự thêm một lần được biết về Bích Lan, người đã không tuyệt vọng khi bị căn bệnh loạn dưỡng cơ, mà nỗ lực tự học và đã dũng cảm vượt lên sự thách đố nghiệt ngã của số phận, để viết sách và dịch sách.

Có biết bao khó khăn đến với chị, nhưng khát vọng sống có ích, đã đưa chị đến với những thành công hôm nay, khi có những tác phẩm dịch góp phần tạo một nhịp cầu văn hóa nối độc giả Việt Nam ra thế giới.

Ngày hội đọc sách 2013 còn có ý nghĩa đặc biệt, khi việc khảo sát cho thấy những vấn đề nổi bật mà các nhà làm sách cần phải quan tâm. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL) chia sẻ: Đã có sự chuyển dịch trong phương thức đọc hiện nay, là từ đọc sách in sang sách điện tử. Các bạn trẻ cũng thích sách in có tranh hơn những cuốn sách chỉ toàn chữ. Thực tế, các cuốn sách có hình tác động rất tích cực đến việc hình thành thị hiếu và cảm nhận của người đọc, qua đó, góp phần giáo dục nhân cách con người.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Mai cũng cho hay: Những cuốn sách tri thức đòi hỏi một trình độ nhất định để thấu hiểu và cảm nhận. Song rõ ràng là, sách kinh điển hiện vẫn được xuất bản theo hình thức “bác học hóa”, tức là quá dày, nên không phù hợp với mọi người đọc, đặc biệt là bà con nông dân. Vì thế, để có thể đưa được các tác phẩm mang tính sử thi vào cuộc sống, đến với đông đảo người đọc, cần phải “tranh hóa”.

Sau 3 lần tổ chức, thật vui khi giờ đây, Ngày hội đọc sách đang dần trở thành ngày hội chung, khi đã và đang được tổ chức ở 63 tỉnh, thành và đông đảo bạn đọc đón nhận.

Với lượng sách phong phú cả về số lượng và lĩnh vực, cùng nhiều hình thức thu hút bạn đọc, Ngày hội sách và văn hóa đọc 2013 thật sự có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về giá trị quan trọng của việc đọc sách trong giáo dục và hình thành nhân cách con người. Khi được đọc những cuốn sách hay và ý nghĩa, người đọc sẽ dần hình thành thói quen đọc – nền tảng cho việc tự học suốt đời của mỗi người.

Được biết, nhân Ngày hội sách, NXB Kim Đồng đã công bố tặng 1 triệu cuốn sách cho trẻ em nghèo. Ngày hội sách sẽ bế mạc vào chiều nay, 21/4.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày đọc sách chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa Lao động thành phố, 55B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, sáng 20/4.

Được Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp với Thái Hà Books, đơn vị giữ kỷ lục công ty sách đầu tiên khởi xướng và liên tục triển khai Tết sách 23/4 tại Việt Nam tổ chức, Ngày đọc sách là hoạt động kỷ niệm ngày phát hành cuốn sách “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (21/4/1927 – 21/4/2013) và hưởng ứng Ngày đọc sách và bản quyền thế giới (23-4). 

Diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/4, Ngày đọc sách với chủ đề “Văn hóa đọc góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” bao gồm nhiều hoạt động phong phú.

Bên cạnh các hoạt động trưng bày sách của các nhà xuất bản, nhà sách, nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhiều buổi giao lưu tọa đàm về văn hóa đọc, về thói quen, kỹ năng đọc sách với các nhân vật nổi tiếng được tổ chức: Giao lưu với họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng với chủ đề “Đọc để sáng tạo và đồng cảm”

Thanh Hằng - Ngọc Nguyễn
.
.
.