Ồn ào xung quanh việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT:

Sẽ không truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

Thứ Ba, 21/07/2015, 10:10
Báo CAND số 3643 có bài phản ánh bức xúc của các nghệ sĩ về cách thức xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT khi nhiều nghệ sĩ lúc còn sống thì bị lãng quên, đến khi mất mới được truy tặng… đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; hiện là thành viên Hội đồng xét duyệt danh hiệu NSND- NSƯT cấp Bộ và Quốc gia năm 2015) xung quanh vấn đề này…

PV: Ngồi ở vị trí thành viên Hội đồng xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT cấp quốc gia, ông có nghe thấy những tiếng ì xèo ngay từ những người trong nghề về việc này?

NSND Lê Tiến Thọ (LTT): Đúng là có nhiều ý kiến của các nghệ sĩ. Người được thì không sao, người không được thì bao giờ cũng có phản ứng. Tôi nghĩ không phải cứ xét danh hiệu NSND, NSƯT, mà ngay cả các giải thưởng của kì liên hoan, hoặc những xét giải tại các cuộc thi bao giờ cũng có dư luận trái chiều. Khi số ít không được thì không sao, nhưng số nhiều không được sẽ có nhiều ý kiến.

Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ.

PV: Ông có thể cho biết quy trình xét và thành phần Hội đồng xét tặng danh hiệu cho các NSND, NSƯT ở cấp Bộ và Quốc gia?

NSND LTT: Nghệ sĩ muốn có danh hiệu sẽ làm đơn và hồ sơ. Hồ sơ sẽ qua ba vòng từ cấp cơ sở, rồi đến cấp Bộ, cấp Quốc gia (bao gồm Hội đồng ngành và hội đồng toàn quốc). Cấp Bộ chỉ xét các đơn vị nghệ thuật Trung ương. Hội đồng gồm 15 người. Chủ tịch của Hội đồng xét giải thưởng là 1 Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. 1 người Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. 1 Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. 1 Vụ trưởng Vụ Thi đua. Ngoài ra có tôi - Chủ tịch Hội NSSKVN, đại diện cho Tuồng; NSND Bùi Đắc Sừ, NSƯT Thanh Trầm đại diện cho Chèo; NSND Mạnh Tưởng đại diện cho Cải lương; NSND Quốc Trị, NSND Đoàn Dũng, NSND Trần Ngọc Giàu đại diện cho kịch; NSND Minh Trang đại diện cho rối; NSND Tâm Chính đại diện cho xiếc. Lên đến cấp quốc gia sẽ có 24 người trong hội đồng xét danh hiệu múa, xiếc, phát thanh, truyền hình…

PV: Có đại diện của các loại hình nghệ thuật trong việc xét tặng danh hiệu, nhưng sao vẫn có đầy rẫy những lời bàn ra tán vào về việc bỏ sót hay lọt người chưa thực sự xứng đáng với danh hiệu?

NSND LTT: Trong hội đồng xét duyệt bao giờ cũng có đại diện của các loại hình, người ta nắm bắt được nhiều hơn, họ có chính kiến, họ đưa ra trên cơ sở hồ sơ của cá nhân. Hồ sơ cá nhân làm đúng theo nghị định của Chính phủ quy định. Trên cơ sở hồ sơ ấy, Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL) mới tập hợp lại, xem 1 nghệ sĩ có bao nhiêu Huy chương Vàng.

PV: Việc lệ thuộc quá máy móc vào Huy chương Vàng và Bạc để xét danh hiệu cho một nghệ sĩ, có thật sự là cần thiết không, thưa ông?

NSND LTT: Được danh hiệu hay không, đều do cả hội đồng đánh giá. Một cá nhân trong hội đồng cũng không làm được gì cả. Trường hợp của diễn viên Chí Trung khi thấy Hội đồng bảo: “Tại sao hồ sơ của anh Chí Trung từ lúc NSƯT lên để xét NSND không có Huy chương Vàng?” thì tôi đứng lên bảo vệ: “Đề nghị hội đồng nên ủng hộ là vì tôi biết trong cuộc Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ, anh Chí Trung có giải đạo diễn xuất sắc, được tính như một Huy chương Vàng,  ngoài ra anh cũng là người tích cực tham gia các hoạt động của các liên hoan khác …”. Đấy tôi đứng ra bảo vệ, nhưng họ mười mấy con người vẫn không bỏ phiếu.

PV: Không chỉ riêng gì trường hợp của NSƯT Chí Trung mà ngay cả với bộ môn khác cũng có dư luận cho rằng Hội đồng chưa thật sự công tâm…

NSND LTT: Hội đồng xét duyệt danh hiệu cấp Bộ của đợt 8 này có ý kiến lùm xùm về chèo, thì ở hội đồng vừa rồi có mỗi mình tôi đại diện cho bộ môn nghệ thuật Tuồng, hai người là đại diện cho chèo. Đó là NSƯT Thanh Trầm và NSND Bùi Đắc Sừ. Nhiều người có ý kiến cho rằng do thù ghét cá nhân, nhưng tôi nghĩ nếu thực sự vậy thì do nhận thức của cá nhân (người trong hội đồng đại diện chèo) với cá nhân ấy (người được xét duyệt) thì cũng chỉ có một người ấy là không bỏ phiếu thôi còn mười mấy người cho phiếu thì nghiễm nhiên là họ vẫn được. Chứ đâu phải ai bắt tay chỉ ngón cho ai được đâu.

PV: Có nghệ sĩ biểu diễn phục vụ nhân dân rất nhiều nhưng họ không tham gia các cuộc thi, họ không đi thi thì sẽ không có Huy chương Vàng, những trường hợp như thế thì có được chế độ ưu đãi nào không, thưa ông?

NSND LTT: Theo quy định của Chính phủ, một NSND phải đủ 20 năm công tác, NSƯT là 15 năm. Loại hình xiếc và múa có 10 năm công tác  là NSƯT. Còn trong khi người nghệ sĩ trở thành NSƯT lúc 15 năm thì 5 năm tiếp theo nghệ sĩ đó phải tham gia các hoạt động, cuộc thi, liên hoan của Bộ của Hội tổ chức đoạt hai Huy chương Vàng thì mới được phong tiếp danh hiệu NSND.

PV: Có ý kiến cho rằng, thầy già con hát trẻ, tuổi nghề người nghệ sĩ rất ngắn, khi đi thi họ muốn nhường lại sân khấu cho lớp diễn viên trẻ, mà họ chỉ đứng đằng sau như chỉ đạo nghệ thuật, làm đạo diễn…

NSND LTT: Khi đã nhường vị trí có nghĩa là anh không còn những thành tích nghệ thuật nữa. Ví dụ anh là nghệ sĩ biểu diễn mà anh lại nhường cho lớp trẻ, thế có nghĩa là anh không có đủ cơ hội để anh bộc lộ tài năng của mình. Họ sẽ là NSND vào cái mảng chỉ đạo nghệ thuật. Ví dụ như trường hợp của anh Bùi Xuân Tiến (Nhà hát Cải lương), được ủng hộ ở vị thế chỉ đạo nghệ thuật của đơn vị, trong tất cả các vở diễn được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc thì được tính quy đổi để xét danh hiệu NSND, NSƯT.

Có những trường hợp được ở những kì trước gọi là xét đặc cách. Ví dụ như NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thủy… Đấy là những người tạo ra được danh hiệu.

PV: Có những nghệ sĩ làm đơn để xét danh hiệu NSND, NSƯT thì không được xét, hoặc đang xem xét đến khi họ mất, thì mới được truy tặng danh hiệu.

NSND LTT: Khi Nguyễn Anh Dũng làm đơn là anh ấy vẫn còn sống, anh ấy chỉ đang cấp cứu thôi chứ còn những trường hợp như diễn viên Phương Thanh, hay ca sĩ Y Moan, hay như Văn Hiệp thì lúc đấy coi như là một hình thức đặc cách. Trước kia là không có Nghị định mà chỉ có thông tư hướng dẫn quy định về việc xét tặng NSND, NSƯT, bây giờ theo Nghị định 89 của Chính phủ về việc Quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hình thức đặc cách không còn nữa, khi người nghệ sĩ mất sẽ không xét nữa.

PV: Cảm ơn ông!

Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.
.