Đại hội Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 5, nhạc sĩ Nông Quốc Bình:

Sáng tạo nghệ thuật về dân tộc thiểu số luôn được quan tâm

Thứ Hai, 01/12/2014, 08:47
Ngày 1/12, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ tiến hành Đại hội sau nhiệm kỳ 7 năm, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu. Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Nông Quốc Bình (NS NQB), Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ về những bước tiến trong hoạt động VHNT các dân tộc thiểu số ở nhiệm kỳ qua của Hội?
Nhạc sĩ Nông Quốc Bình.

NS NQB: 7 năm qua là một chặng đường lao động sáng tạo cần mẫn và say mê của các văn nghệ sĩ dân tộc và miền núi. Hoạt động sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận phê bình (LLPB) VHNT là công việc phụ thuộc vào tài năng, tâm huyết và lao động sáng tạo của mỗi người, nhưng Hội đã có vai trò tác động vào quá trình lao động sáng tạo của hội viên, để tạo ra tác phẩm có ích. Đó là chăm lo bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ, với việc phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội VHNT địa phương, mở các lớp bồi dưỡng sáng tác cho các tác giả trẻ là con em các dân tộc. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội còn tổ chức các trại sáng tác chuyên ngành nghệ thuật, tạo không khí giao lưu, thúc đẩy sáng tác, giúp cho nhiều bản thảo chất lượng được hoàn thiện và xuất bản, cùng hàng ngàn tác phẩm ra đời. Hội còn tổ chức đi thực tế sáng tác về vùng cao, biên giới, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ có cảm hứng sáng tác, thu hẹp khoảng cách giữa cuộc sống và tác phẩm. Nhiều hội thảo về tác giả dân tộc thiểu số lão thành tiêu biểu, tác phẩm được giải thưởng của Hội, được tổ chức. Công tác hỗ trợ sáng tạo và xét giải thưởng hằng năm được quan tâm, nên 7 năm qua, Hội đã hỗ trợ sáng tạo 922 bản thảo công trình VHNT và trao nhiều giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc v.v…

Văn học dân tộc thiểu số luôn là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động của Hội. Những năm qua, lĩnh vực này  phát triển ra sao, thưa ông?

NS NQB: Sáng tác văn học vẫn thể hiện được vai trò tiên phong của VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thơ có nhiều hướng tìm tòi hoặc bứt phá về hình thức, nội dung tư tưởng trên nền của truyền thống thơ Việt và thơ ca dân tộc thiểu số. Bên cạnh thơ ngắn, thơ thế sự, thơ trữ tình, còn xuất hiện nhiều trường ca, truyện thơ. Đặc biệt, ngày càng có nhiều tác giả sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc, song ngữ. Văn xuôi để lại dấu ấn quan trọng qua nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và cả các bút ký, ghi chép về đề tài dân tộc và miền núi. Một số tác phẩm ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc, có tác phẩm được tặng thưởng ASEAN…

Thành tựu văn học nổi bật thuộc về ở các tác giả dân tộc Tày, Thái, Mường, Mông, Dao... ở các tỉnh phía Bắc và một số tác giả dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và TP Hồ Chí Minh; ở Tây Nguyên tập trung ở dân tộc Êđê. Các tác giả dân tộc Kinh cũng có nhiều tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số thể hiện sự gắn bó, am hiểu sâu sắc với số phận con người miền núi. Đặc biệt ghi nhận sự trưởng thành nhanh chóng của các cây bút nữ trong lĩnh vực văn xuôi và thơ, có năm giải thưởng cao nhất của Hội dân tộc thiểu số  về văn xuôi đều thuộc về các tác giả nữ.

Song, văn học dân tộc thiểu số chưa có nhiều tác phẩm thể hiện sâu sắc công cuộc đổi mới ở vùng dân tộc thiểu số, chưa phản ánh chân thật và hấp dẫn, có sức lan tỏa.

Mỹ thuật là hoạt động có nhiều tác giả dân tộc thiểu số theo đuổi. 7 năm qua, lĩnh vực này có gì thay đổi, thưa ông?

NS NQB: Mỹ thuật là thế mạnh của Hội VHNT các dân tộc thiểu số, bởi ở vùng miền nào cũng có tác giả với các tác phẩm mang bản sắc văn hóa vùng miền và dân tộc. Các tác giả thường xuyên có tác phẩm dự các triển lãm lớn của Hội chuyên ngành hoặc khu vực, địa phương. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, tranh của các họa sĩ dân tộc thiểu số chưa cách tân về bút pháp, vẫn thiên về tả thực với những môtíp quen thuộc.

Công tác sưu tầm văn nghệ dân gian rất quan trọng để bảo tồn di sản văn hóa. Hoạt động này những năm qua ra sao thưa ông?

NS NQB: Đây là lĩnh vực có đông hội viên tham gia, cả các tác giả dân tộc thiểu số và người Kinh gắn bó lâu năm với vùng dân tộc. Công tác sưu tầm không chỉ dừng lại ở các tác phẩm văn nghệ dân gian, mà cả những di sản tâm linh, các luật tục, lời giáo huấn được ghi chép bằng văn bản chữ dân tộc, cũng được biên dịch cẩn trọng, công phu. Đó là việc làm có ý nghĩa lớn trong nhiệm vụ bảo tồn vốn cổ các dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều người không có đủ thông tin tư liệu khoa học, nên việc sưu tầm còn tự phát, trùng lắp về đề tài nội dung v.v…

Theo ông, những hạn chế thời gian qua cần được nhìn nhận để rút kinh nghiệm là gì?

NS NQB: Đó là sự chênh lệch về đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số giữa các dân tộc, các vùng miền còn lớn. Có dân tộc số lượng văn nghệ sĩ đông đảo, có mặt trên tất cả các lĩnh vực nghệ thuật, lại có dân tộc số dân không hẳn là ít người nhưng số lượng văn nghệ sĩ lại quá ít, thậm chí có dân tộc còn chưa có. Văn xuôi, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số có bước phát triển khá ấn tượng, nhưng còn  ít tác phẩm, tác giả thật sự xuất sắc. Có lĩnh vực nhiều năm nay không thấy xuất hiện tác phẩm và tác giả tiêu biểu nào; có lĩnh vực ít người tham gia như LLPB VHNT, là tồn tại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Ông có thể cho biết một số giải pháp mà Đại hội đặt ra cho nhiệm kỳ tới?

NS NQB: Đó là Hội sẽ quan tâm động viên, thúc đẩy hoạt động sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, LLPB VHNT dân tộc thiểu số bằng sự khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ. Tổng kết hoạt động mở trại sáng tác, lớp bồi dưỡng, đi thực tế, công bố tác phẩm… để nhìn ra những mặt được, chưa được và tìm cách khắc phục. Hội cũng sẽ tiếp tục xem xét việc đầu tư chiều sâu, có cơ chế đặt hàng với những đề tài, lĩnh vực cần ưu tiên. Khuyến khích các tác giả dân tộc thiểu số sáng tác bằng tiếng dân tộc, song ngữ, cả trong văn học lẫn ca khúc, sân khấu - điện ảnh, đồng thời, có kế hoạch quảng bá tác phẩm được giải thưởng hằng năm của Hội, nhất là tác phẩm đạt giải cao v.v…

Cảm ơn ông!

Dạ Miên (thực hiện)
.
.
.