Nhà văn Trung Trung Đỉnh:

Sáng tác phải bám vào cuộc sống, chứ đừng tự nghĩ ra

Chủ Nhật, 19/10/2014, 15:20
Tưng tửng, thậm chí có phần gai góc khi nói chuyện, trái ngược hẳn với những trang viết súc tích, với câu từ giàu sức truyền cảm và cũng rất ám ảnh của một sự quan sát tinh tế. Nhà văn Trung Trung Đỉnh là thế. Anh không tự nhận mình là nhà văn có các tác phẩm “hot”, dẫu anh đã nổi tiếng từ lâu với những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh, trong đó, “Lạc rừng” đã được tái bản 13-14 lần... Những kỷ niệm về tác phẩm đầu tay của các nhà văn ở chiến trường luôn gắn liền với những điều thú vị.

+ Sự nghiệp văn chương của anh gắn liền với những tác phẩm về người lính, về chiến tranh. Tác phẩm đầu tay của anh hẳn cũng không ngoài điều này?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Trong chiến trường, tôi đã làm khá nhiều thơ, trường ca, nhưng không gửi in. Khi viết truyện ngắn đầu tay “Những khấc coong chung” thì được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ, năm 1972. Khi ấy, tôi đã vào chiến trường được 4 năm và đang công tác tại Huyện đội Khu 8 (An Khê, Gia Lai). Đơn vị tôi sống và chiến đấu ở chung với những chiến sĩ du kích  người BahNar. Họ chiến đấu rất dũng cảm và chính họ làm nên cảm hứng cho tôi viết câu chuyện này với tình cảm quí mến và khâm phục họ.

Đó là câu chuyện về các chiến sĩ bộ đội địa phương và nhóm du kích người BahNar cùng thi đua: mỗi trận đánh, diệt được một tên Mỹ sẽ khấc một khấc vào chiếc vòng trên tay mình và chỉ khi nào những vết khấc trên chiếc vòng đó đầy, mới về phép. Và tôi đã tái hiện một trận đánh lớn, đầy mưu trí và dũng cảm của họ, để giành chiến thắng trước quân Mỹ trong một trận càn. Viết xong, tôi gửi ra Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ, (lúc đó do nhà văn Nguyễn Chí Trung phụ trách) theo đường giao liên và được đăng. Tên tôi là Phạm Trung Đĩnh, nhưng chắc là do đánh máy nhầm hay thế nào đó mà khi in ra, tên tôi lại thành Trung Trung Đỉnh (cười).

Nhưng vì thấy  cái tên cũng vui vẻ, giòn giã, nên tôi giữ nguyên và thành bút danh của tôi từ bấy đến giờ. Sau khi truyện được in trên tạp chí, ít lâu sau tôi được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc truyện ngắn này trong chương trình Đọc truyện đêm khuya. Quả thật, lúc đó, thấy mình lâng lâng như được bay trên giời… Cảm giác thật tuyệt vời!

+ Kỷ niệm nào liên quan đến tác phẩm đầu tay khiến anh nhớ nhất?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Sau khi truyện ngắn được đăng, Tỉnh đội Gia Lai cho cán bộ Tuyên huấn về đơn vị tôi điều tra: Nếu đúng là có trận đánh lớn và đáng ca ngợi như truyện tôi viết, thì phải nhân rộng điển hình và có hình thức khen thưởng. Nhưng tôi nói đó chỉ là câu chuyện sáng tác, thì anh cán bộ Tuyên huấn nói rằng “Anh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn” vì cho rằng, “làm thì láo, báo cáo thì hay” (cười). Sau rồi cũng chả thấy ai nói gì nữa!

Nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Nhờ truyện ngắn này, tôi được Quân khu gọi ra dự trại sáng tác ở Quảng Nam. Từ Gia Lai đi bộ theo đường rừng đến nơi mất chừng 3 tháng. Trại viết khi đó có các đồng đội sau này đều là các nhà văn nổi tiếng: Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khắc Phục, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân vv… Chúng tôi viết và đọc cho nhau nghe rồi nhận xét. Ở trại này, truyện ngắn đầu tay “Những khấc coong chung” của tôi được đánh máy cho mỗi người dự trại một bản, để đọc tham khảo và đều được khen là viết về dân tộc hay.

+ Khi đó, anh đang là lính chiến thì viết truyện vào lúc nào? Với tác phẩm đầu tay, anh có phải đầu tư tâm sức, sửa chữa kỹ càng nhiều không?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Lúc đó, cuộc chiến đang trong giai đoạn cam go. Chúng tôi và quân địch đóng quân theo kiểu “xôi đỗ”, chúng ở đồi bên kia, còn chúng tôi đóng ở đồi bên này, nghe rõ cả tiếng chúng nói chuyện với nhau. Những khi không chiến đấu, tôi ngồi trong hầm viết. Mà làm gì có giấy, chỉ nhặt nhạnh những mẩu báo rồi ghép lại, hay lấy những tờ truyền đơn của địch và viết vào những chỗ không có chữ. Viết thế nên làm gì có điều kiện mà đầu tư tâm sức và sửa chữa cầu kỳ như bây giờ.

Sau đó, tranh thủ những lúc không đánh nhau, tôi chui vào hang và kỳ cạch đánh mổ cò trên chiếc máy chữ nhỏ vốn là chiến lợi phẩm thu được trong một trận đánh đồn, mà tôi tưởng là hộp mìn nên ôm về, ai ngờ mở ra là chiếc máy chữ có cả giấy than, giấy in. Đồng đội thấy không phải là mìn thì chả ai thèm ngó tới, chỉ mỗi mình tôi tập tọe đánh. Lần mò mãi rồi cũng đánh máy được thành cái truyện để gửi đi. Không ngờ cái máy đánh chữ lại có duyên với cái nghiệp viết của tôi như thế.

+ Những sáng tác của anh về sau vẫn viết nhiều về chiến tranh, về Tây Nguyên. Có phải vì anh chịu ảnh hưởng từ tác phẩm đầu tay?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Thực tế cuộc sống chiến đấu của tôi gắn với Tây Nguyên, với hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường này, sống cùng bà con các dân tộc, nên tôi biết nói cả tiếng BahNar, hiểu về tâm tính, phong tục cùng những nét văn hóa nổi bật của bà con Tây Nguyên. Tôi yêu sự hồn nhiên, trong sáng và chân thành của họ.

Những ký ức về một thời tuổi trẻ sâu đậm đến nỗi, chiến tranh kết thúc mà năm nào, tôi cũng trở lại Tây Nguyên một, hai lần, thăm lại những người xưa, cảnh cũ cho thỏa nỗi nhớ. Trong ba trường ca của mình, có tới hai trường ca tôi dành cho Tây Nguyên - tình yêu của tôi.

+ Mỗi nhà văn có một quan điểm sáng tác riêng và điều đó làm nên phong cách văn chương của họ. Còn với anh?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Hư cấu, hư cấu và hư cấu. Tất cả các truyện ngắn, tiểu thuyết, kể cả bút ký của tôi, đều là hư cấu hết. Dĩ nhiên, hư cấu trên nền của nguyên mẫu.

+ Nếu có thể trao đổi kinh nghiệm với các bạn viết trẻ, anh sẽ nói gì?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Viết lách phải bám vào cuộc sống. Hiểu thế nào thì viết như thế, chứ đừng sáng tác bằng cách tự nghĩ ra. Vì cuộc sống không như ý nghĩ đâu. Đã là nhà văn, thì phải đọc sách vì nếu không đọc sẽ không bao giờ thành người được. Tôi cũng luôn viết một cách công phu, quyển nào cũng phải viết đi viết lại ít nhất năm lần, có cuốn viết mất cả chục năm.

+ Anh có thể chia sẻ với bạn đọc về “gia tài văn chương” mà anh đã có trong hơn 4 thập kỷ cầm bút được không, thưa nhà văn Trung Trung Đỉnh?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Đến nay, tôi có 7 cuốn tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn đã in.

+ Còn những dự định về những cuốn sách trong thời gian sắp tới?

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Lúc nào tôi cũng có một hai cuốn sách đang viết dở. Nhưng bao giờ in thì chưa biết. Vì chỉ khi nào thấy “chín” tôi mới xuất bản. Còn lúc nào tôi cũng đang đọc một cuốn sách gì đó hay chuẩn bị đi đâu đó, ít khi rảnh rỗi.

+ Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.