Sân nhà cũng... oải

Thứ Tư, 06/04/2005, 07:39

Hội chứng thua ngay trên sân nhà đang diễn ra trong đời sống bóng đá nước ta. Các đội chủ nhà V.Leaguge 2005 lần lượt thất bại ngay trên thánh địa của mình. Cầu thủ nội thua xa ngoại binh cả về phong cách và năng lực thi đấu. Liên đoàn rục rịch “thay máu” vì người trong cuộc không còn được tín nhiệm.

4/6 đội chủ nhà ngã ngựa ở vòng 8 V.League 2005. Trên sân nhà Hàng Đẫy, LG.Hà Nội.ACB tan tác trước một Hoàng Anh - Gia Lai không còn giữ được vị thế và sức mạnh của nhà vô địch. Trong vòng 10 năm trở lại đây, trận thua 0-4 này là thất bại nặng nề nhất của đội bóng đại biểu Thủ đô trên sân nhà. Trong khi đó, trên sân Thống Nhất, chiến hạm CSG chấm dứt chuỗi trận bất bại, đồng thời mất luôn ngôi đầu bảng khi để thua các vị khách xứ Nghệ 3 bàn trắng không gỡ.

Ở cuối bảng xếp hạng, chủ nhà Hải Phòng và Đồng Tháp đều gục ngã trong những trận cầu sinh tử với Bình Định và Nam Định.

Nhìn xuống giải hạng Nhất, khán giả Thủ đô thêm một lần bị xát muối vào lòng khi ở vòng 8, chủ nhà Thể Công bị hạ knock-out bởi một An Giang đang lê lết cuối bảng xếp hạng.

Trong bóng đá, bị chia điểm trên sân nhà đã là một thất bại, còn nếu thua, coi như thất bại nhân đôi. Vậy mà, ở V.League 2005, có vẻ như sân nhà đã không còn là mảnh đất thiêng giúp các đội lấy điểm. Nhìn lại 8 vòng đấu vừa qua, người ta đã thống kê rằng, tỷ lệ đội chủ nhà bị thất bại chiếm tới 25%, còn hòa là 44%.

Nhưng ở một góc độ khác, người ta lại nói rằng, cái "công thức" thắng sân nhà-thua sân khách giữa các đội đã lạc hậu rồi. Những "hợp đồng tình nghĩa" giờ được giải quyết theo một cách "chuyên" hơn và cái "hội chứng sân nhà" là một phần của cuộc chơi "ma trận".

Mặc dù chỉ chiếm 3 vị trí chính thức ở mỗi đội bóng, nhưng rõ ràng các ngoại binh đang ngày càng lấn át nội binh trên sân cỏ V.League. Đơn cử như trong danh sách "vua dội bom" ở V.League 2005, từ phạm vi 4 bàn thắng trở lên, đều là những cái tên… Tây với đủ xuất xứ từ Brazil, Uganda tới Thái Lan, còn nội binh hoàn toàn vắng bóng. Nói cầu thủ nội đang thua ngay trên sân nhà cũng là vì lẽ đó.

Nhưng có một cái thua đáng nói hơn của nội binh trước ngoại binh chính là phong cách và ứng xử. Cứ nhìn cái cảnh "Zico Thái Lan" Kiatisak chắp tay chào khán giả Hà Nội trên sân Hàng Đẫy theo kiểu Thái hay lịch lãm trả lời phỏng vấn, mới thấy chạnh lòng: Tại sao những ngôi sao trẻ (tạm gọi như thế) của chúng ta lại không có được cái phong độ khiêm tốn mà mã thượng của một cầu thủ lớn như Kiatisak? Thay vào đó, họ hành xử trịch thượng đầy vẻ ông kễnh. Thế mới có chuyện một ông sao bị cô giáo gọi lên bảng truy bài đã hất hàm hỏi lại: "Cô có biết em là ai không?". Quả là đau lòng!

Bóng đá cũng giống như sân khấu hay điện ảnh đều cần những thần tượng, những người của công chúng để tạo lực hút với khán giả. Thế mà ngay trên sâu khấu của mình, những cầu thủ Việt Nam đều không vươn được tới tầm ngôi sao, mà chỉ là thứ phù du sớm nở, tối tàn?

Thời điểm tổ chức Đại hội LĐBĐVN khóa 5 đã được ấn định vào ngày 26 đến 28/4. Thời gian chẳng còn bao lâu, nhưng chuyện nhân sự cho nhiệm kỳ mới vẫn chưa tìm được lối ra, nhất là các vị trí chủ chốt như Chủ tịch Liên đoàn hay Tổng thư ký. Sau những bê bối gần đây, phần lớn các quan chức cũ của nhiệm kỳ 4 đều không còn giữ được sự tín nhiệm để tiếp tục ứng cử. VFF và cơ quan cấp trên của họ là Ủy ban Thể dục thể thao buộc phải "cầu hiền" ở ngoài phạm vi Liên đoàn. Thêm một cái thua đau trên "sân nhà"!

Thế nhưng, những ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Chủ tịch VFF đều từ chối lời mời. Nghe đâu người ta phải quay trở lại với người nhà khi cơ cấu một Phó Chủ nhiệm và một Vụ trưởng của Ủy ban Thể dục thể thao sang Liên đoàn đảm nhiệm 2 vị trí chủ chốt là Chủ tịch và Tổng thư ký.

Hóa ra đứng bên ngoài Liên đoàn để phê phán, dạy bảo thì dễ, nhưng bước vào làm thì lại chẳng có ai, nên phải "ta về ta tắm ao ta"?!

Bảo Hân
.
.
.