Sân khấu phía Bắc: Vẫn “ngủ quên”, bỏ lại khán giả

Chủ Nhật, 22/09/2013, 13:05
Song hành với trao giải thưởng các vở diễn của Lưu Quang Vũ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu (NSSK) cũng trao giải cho các tác phẩm sân khấu năm 2012. Không có kịch bản nào đoạt giải A đã phần nào phản ánh nỗi lo hiện hữu về thiếu kịch bản hay của các đơn vị nghệ thuật. Vở diễn sân khấu xuất sắc nhất được trao cho “Những mặt người thấp thoáng” của Nhà hát kịch Hà Nội. Nhưng nhắc đến vở này, không phải khán giả nào cũng biết. Đây chính là thực trạng của sân khấu phía Bắc.

Gần 30 năm trước, các nhà hát luôn đỏ đèn, đánh dấu sự hưng thịnh của sân khấu phía Bắc, cả về số lượng, chất lượng tác phẩm lẫn khán giả. Nhưng những năm gần đây, kịch trường rơi vào cảnh đìu hiu, trễ nải. Nhiều nhà chuyên môn than vãn rằng, sự bùng nổ thông tin khiến khán giả quay lưng với sân khấu. Nhưng sự thực như thế, hay chính sân khấu tụt hậu, khiến khán giả bỏ đi? Câu trả lời phần nào được giải đáp qua Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ, khiến NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK phải thốt lên: “Hãy tin vào khán giả. Khán giả không bỏ sân khấu mà chỉ có sân khấu bỏ quên khán giả mà thôi.”

Năm 2012, cả nước chỉ có 41 kịch bản văn học thuộc nhiều thể loại kịch, tuồng, chèo, cải lương, dân ca, rối xiếc… gửi về Hội NSSK xét giải. Đây quả là con số quá khiêm tốn so với khoảng 2.500 hội viên Hội NSSK. Trong đó, mảng đề tài về các vấn đề nóng, bức xúc của xã hội được các tác giả phản ánh phong phú nhất. Nhưng, không tác phẩm nào được trao giải A. Chỉ có 2 giải B, cũng là 2 vở đã được dàn dựng thành công: “Đường đua trong bóng tối” (Nguyễn Đăng Chương) của Đoàn Kịch CAND và “Ba người đàn ông và căn bệnh tai biến” (Xuân Đức) của Nhà hát Kịch Việt Nam, đều đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay: thói mua quan bán chức-lợi ích nhóm-sự suy thoái trong bộ máy Nhà nước.

Vở “Quyết đấu trong màn sương” của đoàn kịch CAND.

Nhà văn Chu Lai, Trưởng Ban Sáng tác (Hội NSSK Việt Nam) cho rằng, các kịch bản lần này khá sum suê, cái đã đạt tầm chuyên nghiệp, cái còn chưa, cái đã phát huy hiệu ứng như một quả nổ, cái còn “gãi ngứa” mơn man, đó đây vẫn còn vương lại nét thô ráp, vụng về, thậm chí còn bộc lộ sự thiếu cảm xúc, thiếu vốn sống... Mà, các kịch bản văn học một khi có chất, thì khi may mắn được lên sàn thành vở diễn cũng có chất theo.

Theo nhà phê bình sân khấu Hồ Thi “nghệ sĩ phải là những người luôn luôn đi tiên phong trong việc phát hiện và phản ánh những vấn đề trong đời sống, ngay cả khi chúng mới phát sinh, thậm chí còn đang ở dạng trứng nước.” Nhưng kịch bản hiện nay còn thiếu điều này, đặc biệt là thiếu tầm khái quát bản chất của các vấn đề qua các hiện tượng hoặc sự kiện cá biệt, để nâng lên tầm thời đại, mang tính dự báo.

Năm 2012, cả nước chỉ có 30 vở diễn. 3 vở được coi là xuất sắc nhất: “Những mặt người thấp thoáng” (Nhà hát kịch Hà Nội), “Vượt qua tâm bão” (Đoàn cải lương Đồng Nai, chương trình rối nước “Thiêng liêng hai tiếng đồng bào” (Nhà hát múa rối Thăng Long), cùng 10 giải B, 3 giải C. Mặc dù số vở được trao giải khá nhiều so với tổng số dự giải, nhưng nếu cần nhắc một vở nào gây hiệu ứng cao với khán giả thì rõ ràng là không có. Khán giả hầu như ít biết đến 2 vở trên, càng ít biết đến chương trình rối nước. Dù cho rằng đó là “le lói những điểm sáng hy vọng”, thì nhà văn Chu Lai vẫn phải thừa nhận “diện mạo sân khấu 2012 còn nhiều bóng mờ”.

Một vở diễn muốn thành công, trước hết phải có một kịch bản hấp dẫn với một cốt truyện giàu kịch tính, cùng một bàn tay “phù thủy” tài hoa của nhà đạo diễn và một dàn diễn viên đồng đều, để cho khán giả được giải trí bằng một hình thức nghệ thuật nghiêm cẩn với những thông điệp nhẹ nhàng. Đây là điều mà nhà phê bình Hồ Thi đúc kết, cũng là thay mặt khán giả đòi hỏi ở thực tại.

Liên hoan sân khấu mới nhất đã phản ánh sự tụt hậu của sân khấu khi nghệ thuật đạo diễn và diễn xuất của diễn viên tiếp tục là nỗi lo âu. Là liên hoan đầu tiên các tên tuổi “cũ” Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Xuân Huyền không “tỏa bóng”, nhưng các đạo diễn mới lại không còn trẻ và nghệ thuật đạo diễn thì chưa thấy dấu hiệu bứt phá. Hoàn toàn thiếu vắng các tài năng đạo diễn trẻ có khả năng tiếp bước các bậc đàn anh, cho thấy rõ sự hẫng hụt về lớp đạo diễn kế cận. Đó là lý do, dù “bình” mới, nhưng “rượu” vẫn cũ, khi phần lớn số vở dàn dựng chưa thoát khỏi bóng dáng của các vở diễn trước.

Nhà phê bình Hồ Thi cho rằng, số vở có những sáng tạo, tìm tòi mới lạ, với những dàn cảnh táo bạo, đẹp, thể hiện được nội dung bằng sự tổng hợp các yếu tố nghệ thuật khác nhau thành một vở diễn thống nhất và hoàn chỉnh, còn quá ít. Chất lượng và nhất là kinh nghiệm của diễn viên trẻ còn nhiều điểm yếu. Đài từ của diễn viên từ nhiều năm vẫn được đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển, là một điều cần phải lo âu, khi đây là khâu quan trọng để thể hiện diễn biến tâm lý nhân vật.

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào người nghệ sĩ mạnh dạn dấn thân phản ánh sự thật, người xem mới tìm thấy ở sân khấu điều mình muốn nói và muốn nghe, là nơi giải thoát ẩn ức cần được tháo gỡ. Mang đến sự sẻ chia cảm xúc và nỗi niềm, mang cả tính dự báo trong từng vấn đề xã hội, sân khấu mới đem lại sự giao cảm sâu sắc giữa người diễn và người xem. Bởi thế, nhà văn Chu Lai xót xa: Thử hỏi, trong năm nay sân khấu đã có một vở diễn nào, một kịch bản nào đủ sức gây giật mình, sửng sốt chưa, thậm chí kinh ngạc, vui mừng chưa, thì có lẽ câu trả lời vẫn là chưa

Thanh Hằng
.
.
.