Sân khấu Tết Tp.HCM: Phía sau sự sôi động

Thứ Năm, 09/02/2006, 08:24

Hàng năm, cứ mỗi dịp sau Tết là giới sân khấu và cả báo chí lại hể hả ngồi tổng kết với nhau về một vụ mùa bán vé bội thu. Người ta hân hoan khoe "đã thấy xuất hiện cả vé chợ đen trong những ngày cao điểm" và khoe "vở diễn kiểu gì cũng bán vé được".

Đã thành thông lệ, một công thức chung cho tất cả những vở diễn ngày xuân là bắt buộc phải có hài, chỉ cần vui vẻ, nhẹ nhàng, đừng "lên gân, lên cốt", đừng "giáo dục" gì nặng nề, đao to búa lớn cả. Tết mà! Sân khấu nào thấy hứng thì dựng luôn một sê-ri vở phong phú, đủ màu đủ kiểu, đủ sức phục vụ nhu cầu "ăn chơi" cho khán giả suốt từ tháng Chạp cho tới tận Giêng, hai. Sân khấu nào ưa thời vụ thì dù chỉ có một, hai vở mới và vài "chặp" hài cũng đủ đắp qua đổi lại suốt các "mùng".

Năm nay, sân khấu Kịch Phú Nhuận ngoài các vở "Sự lừa dối đáng yêu", "Cậu Tèo về nước", "Gõ cửa thiên đường", "Tuổi dậy thì", "Thuê vợ"… còn có thêm vở cải lương "Nghêu Sò Ốc Hến" và hai vở kịch - tạp kỹ dành cho thiếu nhi.

Sân khấu Kịch Sài Gòn có vẻ "lép" hơn với "Triệu đôla", "Rể quý" và một chương trình hài tổng hợp. Sân khấu Kịch IDECAF năm nay cũng chỉ cho ra mắt ba vở "Bầu rượu càn khôn", "Tôi là ai" và "Ba người đàn ông họ Lôi". Bên cạnh các sân khấu tư nhân, hai đơn vị của Nhà nước là Nhà hát Kịch Tp.HCM và Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ cũng cố gắng góp mặt bằng cách xây dựng một loạt tiết mục riêng cho mình…

Nói như trong bản đánh giá chung về hoạt động sân khấu cả nước suốt một năm qua của ông Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Trọng Khôi thì "sân khấu chúng ta tiếp tục sôi nổi về lượng, nhưng vẫn chưa đủ đậm, đủ sâu, đủ dày về chất. Thấy đông hơn, vui hơn nhưng không phải vì thế mà ta thanh thản hơn, tự hào hơn. Vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao và chưa có nhân vật thật sự điển hình"…

Giải thưởng kịch bản sân khấu 2005 trao cho khu vực phía Nam chỉ có một giải C và một giải khuyến khích (không có giải A), và có vẻ như tất cả những tác giả có kịch bản tham gia sân khấu Tết năm nay đều là những người khá "bàng quang", xa lạ với các giải thưởng. Mặc dù một vài người trong số họ cũng từng tham gia đủ các loại trại sáng tác kịch bản lớn, nhỏ do Hội tổ chức…

Tính "mặt trận" thể hiện rõ khi giải thưởng vở diễn thuộc dạng "ăn đồng chia đủ", được Hội trao cho tất cả các sân khấu nào có đăng ký tham gia xét giải - chỉ khác nhau về thứ bậc A, B, C. Giải lớn và cao của Hội không có gì bất ngờ, bởi được trao cho toàn những vở đã được thưởng lớn và cao tại các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc diễn ra trước đó (liên hoan cải lương, tuồng, chèo…). Bởi tên giải thưởng dù có khác đi nhưng thành phần Hội đồng xét giải vẫn giữ nguyên nên kết quả tất yếu là "y như cũ".

Về giải thưởng vở thể nghiệm được trao cho vở "Huyền thoại cuộc sống" của tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương, một tác phẩm vẫn còn đang… gây tranh cãi giữa dân trong nghề và… cực kỳ khó bán vé! Cũng tác giả - đạo diễn này tiếp tục "xông đất" sân khấu Tết thành phố với vở "Liveshow giống người nổi tiếng" ở sân khấu 5B...

Điều mà ai cũng thấy và ai cũng… than: chưa bao giờ tuổi thọ của một vở diễn sân khấu lại ngắn ngủi như vậy, chỉ xấp xỉ một vài tháng đã phải "quay vòng" sang vở mới và với vở Tết thì lại càng hết khách sớm hơn. Để nhớ được một cái tên vở gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả suốt thời gian gần đây thật khó, vì tất cả đều "vừa vừa phải phải", có vui có buồn - mỗi thứ một ít nêm nếm gia vị đủ cả bi lẫn hài, câu chuyện thường thường - bối cảnh không gian, thời gian không cũ mà cũng chẳng mới, nhân vật bình bình - cá tính và số phận chưa thật sự rõ ràng.

Vài cái tên đạo diễn ăn khách của phía Nam được dân trong giới ưu ái nhắc nhiều là NSƯT Trần Ngọc Giàu của lớp trước, Ái Như, Vũ Minh của lớp kế, và Đức Thịnh của lớp sau… đều đã tạo dựng được những dấu ấn riêng trong Tết này. Dù cũng chưa thật đều tay khi họ phải bám riết theo "dòng chảy của thị trường", nhưng vẫn khiến người xem phải trân trọng hơn mỗi khi thưởng thức những tác phẩm mà họ đã dày công chăm bẵm và cho ra đời. So bó đũa chọn cột cờ, người ta bảo nhau phải nâng niu mấy "cây đũa cả", và mong mỏi, hy vọng, chờ đợi nhiều ở những "cây đũa" non, trẻ, mới trong những mùa xuân kế tiếp...

Phương Anh
.
.
.