Sách mới của NXB CAND: Thế hệ bơ vơ "sau nửa đêm"

Thứ Năm, 08/11/2007, 16:50
Sau nửa đêm sẽ là gì? "Sau nửa đêm" của Haruki Murakami là cái nhìn lạnh lùng của một chiếc camera vô hình, rọi vào tầng sâu lòng người và rọi vào những cuộc sống bất thường mà con người điềm nhiên đón nhận...

Sau nửa đêm, chính xác hơn, là phía sau bóng tối, là cô gái Mari đi tìm cảm giác sống của một đêm trắng ngoài đường. Không có ai thắc mắc vì sự vắng mặt của cô.

Mari, thua thiệt về nhan sắc so với chị nên được bố mẹ nhồi nhét từ bé là phải học hành giỏi giang nếu không thì sẽ trở nên vô dụng. Cô học chăm học giỏi và trước khi du học ở Bắc Kinh, cô muốn sống cuộc sống sau nửa đêm trong thành phố, trong những quán bar gia đình, trong khách sạn tình, trong công viên và cả ở trạm xe điện. Và bắt đầu từ Mari, thế giới sau nửa đêm dần lộ diện...

Sau nửa đêm là những người phụ nữ bỏ trốn khỏi những cuộc hành xác đau đớn, trốn thân phận mình trong khách sạn tình, làm bảo kê, làm phục vụ. Là Kaoru với những vết chấn thương sau thời làm vận động viên đỉnh cao. Là Koorogi với những vết sẹo dài của nạn bạo hành như những vết chân chim xuôi dọc sống lưng.

Sau nửa đêm là cô gái điếm người Trung Quốc sống chui lủi, bị khách giật hết đồ và hành hung chỉ vì có kinh nguyệt đúng lúc chuẩn bị làm tình. Là gã khách làng chơi Shiragawa vừa đóng vai kẻ cướp lại thản nhiên về văn phòng làm việc, nói dối vợ vì công việc bận rộn làm qua đêm và ném chiếc điện thoại lấy được của cô gái điếm vào khay hàng trong siêu thị. Gã kẻ cướp mặc đồ hiệu trong vai một công chức trung lưu không mảy may ân hận về tội ác...

Nhưng cũng sau nửa đêm, giữa những bất trắc, lọc lừa, xảo trá và đầy rẫy bất an, người ta vẫn tìm được nhau trong sự sẻ chia tinh thần. Những câu chuyện được chôn chặt trong lòng được tháo bỏ cho người mới gặp lần đầu trong đời. Những cuộc đời được kể trong chớp mắt. Chỉ vì thấy có niềm tin và thấy được sẻ chia...

Sau màn đêm sâu thẳm là một buổi sáng, để dòng đời lại chảy nhịp bình thường. Cái tốt và cái xấu đan xen nhau trong "Sau nửa đêm" và chúng được miêu tả trong trạng thái bình thản. Ngay từ đầu, người ta có thể thấy mọi thứ trong trạng thái xô lệch, báo hiệu hàng loạt những biến động trong đêm. Nhưng không ai biết trước được điều gì.

Ngay cả những gì tác giả bày ra, miêu tả kỹ lưỡng cũng không được giải quyết theo cách kể chuyện truyền thống. Gã kẻ cướp trung lưu kia vẫn thản nhiên về nhà, xem tivi, mặc dù đôi tay bị đau không buông tha hắn. Nhưng hắn đã không bị trừng phạt theo cách thông thường. Và đó chính là cuộc sống và có thể, nó đã nằm ngoài thời gian của tiểu thuyết.

Có một cảm nhận, dường như trong rất nhiều tiểu thuyết của Murakami, ông luôn miêu tả về sự không nguôi kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống trong một đời sống ngổn ngang vật chất và hỗn loạn tham vọng. Có lẽ đó là một thế hệ bơ vơ, thiếu lý tưởng và khó tựa vững vào những nền tảng giá trị có sẵn. Họ không nguôi kiếm tìm nhưng chính họ cũng không biết chính xác những gì mình đang kiếm tìm. Mari trong "Sau nửa đêm" đã đi một hành trình như thế. Chỉ đến khi cô trở về, nước mắt cô ướt ngực áo của chị gái đang trong gi?c ngủ say, cô mới nhận ra mình muốn gì từ cuộc sống này...

Nếu như nhiều người nhận ra mình, tìm được nhiều kết luận cho cuộc sống của mình ở "Rừng Na Uy" thì với "Sau nửa đêm", không ít người trẻ đọc xong muốn viết ra một cuốn sách khác về cuộc sống của mình...

Toàn Nguyễn
.
.
.